Hơn 50.000 người chết, cột mốc nghiệt ngã của Mỹ trong đại dịch Covid-19
Số người chết do Covid-19 ở Mỹ đã vượt quá 50.000 trong khi số ca nhiễm bệnh đang tiến gần tới 1 triệu – Cột mốc nghiệt ngã của Mỹ trong đại dịch toàn cầu – đang khiến cả thế giới hoang mang.
Tính tới chiều 24/4 (theo giờ Mỹ), Mỹ đã ghi nhận hơn 51.000 người chết do Covid-19, tương đương 1/4 số ca tử vong trên toàn thế giới. Trong khi đó, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đã vượt quá 900.000 và được dự báo sẽ sớm lên tới 1 triệu khi Mỹ tiếp tục thúc đẩy công tác xét nghiệm. Con số này gia tăng khi đất nước này đang có động thái giãn phong tỏa để mở lại nền kinh tế.
Số ca tử vong này hiện gấp 16 lần so với số người Mỹ thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố 11/9; hơn khoảng 1,5 lần so với số binh sĩ Mỹ đã chết trong Chiến tranh Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo dự đoán số người chết thực tế còn cao hơn thế.
Tổng thống Donald Trump trong ngày 24/4 đã ký ban hành dự luật bổ sung 484 tỷ USD hỗ trợ các bệnh viện và các doanh nghiệp nhỏ cũng như mở rộng khả năng xét nghiệm trên toàn nước Mỹ.
Chính phủ và Quốc hội Mỹ đã thông qua hơn 2.500 tỷ USD để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosy cùng ngày thông báo Hạ viện sẽ giới thiệu một dự luật hỗ trợ tài chính mới, tuy nhiên, các thành viên đảng Cộng hòa lo ngại, một dự luật mới sẽ dẫn tới gia tăng nợ quốc gia và nhiều hậu quả trong tương lai.
Trong khi đó, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã cảnh báo bệnh nhân và bác sỹ về các tác dụng phụ của hai loại thuốc chống sốt rét trong điều trị Covid-19. Theo cơ quan này, hydroxychloroquine và chloroquine liên quan tới các vấn đề về tim và không nên được sử dụng cho các bệnh nhân nhập viện cũng như thử lâm sàng đối với virus SARS-CoV-2.
Mặc dù virus này được phát hiện lần đầu ở Trung Quốc vào tháng 12/2019 nhưng hiện Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới. Số người nhiễm bệnh ở Mỹ cao gấp 4 lần quốc gia bị thiệt hại nặng thứ hai là Tây Ban Nha và cao hơn tổng số của Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Đức, Anh cộng lại, theo Đại học Johns Hopkins.
Phản ứng chậm chạp của Mỹ được cho là nguyên nhân khiến dịch bệnh rơi vào tình trạng “tồi tệ như hiện tại”. Trong khi các vùng dịch lớn khác như Italy, Tây Ban Nha hay Pháp đang có dấu hiệu giảm tình hình căng thẳng thì Mỹ lại ngược lại. Tổng thống Trump và chính quyền của ông thường xuyên tuyên bố virus đã được kiểm soát – chẳng hạn như phát ngôn “chúng ta sẽ có kết thúc tốt đẹp” vào ngày 30/1, trong khi cùng ngày WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp về Covid-19 đối với sức khỏe toàn cầu.