130115
topics
433988

Hơn 33,5 triệu người nhiễm nCoV trên toàn cầu

29/09/2020 06:37

Thế giới ghi nhận hơn một triệu người chết vì nCoV trong hơn 33,2 triệu người nhiễm, WHO cảnh báo số liệu thống kê có thể thấp hơn thực tế.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 33.517.739 ca nhiễm và 1.005.532 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 227.098 và 3.562 ca sau 24 giờ, trong khi 24.847.866 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 7.353.306 ca nhiễm và 209.716 người chết, tăng lần lượt 33.650 và 270 ca so với một ngày trước đó. Số liệu mới cho thấy ca tử vong hàng ngày giảm đáng kể tại Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 28/9 thông báo kế hoạch gửi 150 triệu bộ xét nghiệm nhanh cho các bang để hỗ trợ nỗ lực kiểm soát đại dịch.

Chuyên gia y tế Nhà Trắng Anthony Fauci và giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield hôm 28/9 tỏ ý lo ngại về bác sĩ Scott Atlas, thành viên nhóm chuyên trách nCoV của Nhà Trắng, cho rằng ông đã đưa nhiều thông tin sai hoặc không đầy đủ về đại dịch cho Tổng thống Trump.

Lấy mẫu xét nghiệm cho công chức tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ, hôm 28/9. Ảnh: AFP.
Lấy mẫu xét nghiệm cho công chức tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ, hôm 28/9. Ảnh: AFP.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Á, báo cáo thêm 69.671 ca nhiễm và 777 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 6.143.019 và 96.351. Số ca nhiễm tại nước này tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 282 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 142.058. Số người nhiễm nCoV tăng 13.155 trong 24 giờ qua, lên 4.745.464.

Giới chuyên gia Brazil nhận định các mô hình cho thấy nước này đã qua đỉnh dịch, nhưng vẫn cảnh báo tình hình có thể đột ngột xấu đi nếu chính quyền địa phương cho phép tái mở cửa kinh tế quá sớm, không siết chặt các biện pháp cách biệt cộng đồng.

Nga báo cáo thêm 61 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 20.385. Số ca nhiễm tăng 8.135, lên 1.159.573. Nga đã nối lại đường bay với Belarus, Kyrgyzstan và Kazakhstan từ ngày 21/9 và với Hàn Quốc từ ngày 27/9.

Nga đang đàm phán và đã nhận được yêu cầu cung cấp 1,2 tỷ liều vaccine cho hơn 10 nước ở châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông. Đây là một bước tiến có thể mang tới cho Nga đòn bẩy kinh tế và chính trị vô cùng giá trị trên trường quốc tế.

Nam Phi, vùng dịch lớn thứ 10 thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 671.669 ca nhiễm và 16.586 ca tử vong, tăng lần lượt 903 và 188. Số ca nhiễm tại nước này chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm ở châu Phi.

Các hạn chế về di chuyển và kinh doanh đã dần được nới lỏng kể từ tháng 6, nhưng nước này vẫn đóng biên để tránh ca ngoại nhập. Tổng thống Nam Phi thông báo dỡ bỏ hầu hết hạn chế từ 20/9 và sẽ mở biên với hầu hết quốc gia từ 1/10.

Ca nhiễm mới ở Pháp cũng tăng trở lại sau giai đoạn Covid-19 được kiềm chế. Nước này ghi nhận thêm 4.070 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số lên 542.639, trong đó 31.808 người chết, tăng 81 trường hợp.

Các quán bar và nhà hàng ở Marseille, thành phố lớn thứ hai của Pháp phải đóng cửa từ 23/9. 8 thành phố lớn khác, gồm thủ đô Paris, sẽ ban hành hạn chế mới như giới hạn tụ tập ở nơi công cộng dưới 10 người và áp giờ đóng cửa sớm hơn với quán bar.

Anh, vùng dịch lớn thứ ba châu Âu, ghi nhận 439.013 ca nhiễm và 42.001 ca tử vong, tăng lần lượt 4.044 và 13 trường hợp. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết chính phủ Anh ước tính mỗi ngày có chưa đến 10.000 người nhiễm mới, thấp hơn nhiều so với con số 100.000 ca mới/ngày mà nước này dự đoán vào giai đoạn cao điểm.

Năng lực xét nghiệm của Anh đã tăng đáng kể từ sau đợt dịch đầu tiên, nhưng vẫn đang bị quá tải khi nhiều người dân không thể xét nghiệm hoặc phải vượt quãng đường rất xa để đến nơi có thể xét nghiệm, kết quả trả về cũng bị chậm trễ. Điều này dẫn tới nhiều chỉ trích nhằm vào hệ thống y tế Anh.

Iran báo cáo 25.779 người chết, tăng 190, tổng số ca nhiễm là 449.960, tăng 3.512. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại nước này đang có xu hướng gia tăng kể từ khi chạm mức thấp nhất trong vòng nhiều tháng hồi đầu tháng 9. Thứ trưởng Y tế Iran Alireza Raisi hồi giữa tháng cảnh báo về “sự trỗi dậy” của nCoV tại một số vùng của đất nước, do mức độ tuân thủ các biện pháp y tế giảm sút.

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 307.288 ca nhiễm và 5.381 ca tử vong, tăng lần lượt 3.073 và 37 ca.

Thủ đô Manila và các tỉnh lân cận áp đặt những biện pháp phòng dịch cho đến cuối tháng 9, hạn chế di chuyển không thiết yếu và cấm tụ tập đông người. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết sẽ ưu tiên mua vaccine Covid-19 do Nga hoặc Trung Quốc cung cấp, bày tỏ lạc quan nước này sẽ “trở lại bình thường” vào tháng 12.

Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 278.722 ca nhiễm, tăng 3.509 so với hôm trước, trong đó 10.473 người chết, tăng 87 ca. Thủ đô Jakarta đang siết chặt những biện pháp hạn chế, giảm thiểu hoạt động của các doanh nghiệp, trung tâm thương mại và nơi thờ phụng. Người dân không được dùng bữa tại nhà hàng và tới quán cà phê.

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 27 người chết và 57.715 người nhiễm, tăng 15 ca. Phần lớn các ca nhiễm mới vẫn là người lao động nhập cư sống trong các khu ký túc xá.

Singapore sẽ thí điểm chương trình thẻ thông hành cho các lãnh đạo doanh nghiệp cần đi công tác thường xuyên, khi họ tiếp tục nới lỏng một số hạn chế liên quan đến Covid-19. Chính phủ cho biết số lượng thẻ sẽ bị giới hạn trong giai đoạn đầu.

Bác sĩ Mike Ryan, giám đốc mảng trường hợp khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cảnh báo thống kê số người chết do nCoV toàn cầu có thể thấp hơn thực tế. “Con số hiện nay không tính đầy đủ những trường hợp nhiễm nCoV và tử vong vì nó. Mọi thống kê đều không hoàn hảo, nhưng tôi bảo đảm số liệu hiện nay thấp hơn mức độ tàn phá thực tế của Covid-19”, ông nói.

(Theo Reuters)

Đọc nhiều