Hơn 3 năm qua, không ngày nào Thủ tướng không sốt ruột và trăn trở

Thế Khoa 27/12/2019 10:02

Còn nhớ, ngay sau khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với cộng đồng doanh nghiệp. Lúc đó, cả cộng đồng doanh nghiệp xáo động, bởi nhiều nhiệm kỳ trước đây, thường thì người đứng đầu Chính phủ chỉ đối thoại ở diện hẹp, với thành phần tham dự là doanh nghiệp nhà nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định cho nhà đầu tư ngay trên công trường, hành động đó ngay lập tức nhận được nhiều tràng pháo tay của các đơn vị làm dự án Trung Lương – Mỹ Thuận

Xác định rõ cần vực dậy nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn và mấu chốt là doanh nghiệp, Thủ tướng đã quyết định gặp gỡ, đối thoại thẳng thắn với hàng loạt các doanh nghiệp. Ông đặc biệt tập trung vào giải quyết mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền. Lắng nghe những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải, tâm tư, nguyện vọng của họ như thế nào. Vậy nên, đã đến lúc phải thay đổi tư duy, cách thức quản lí của đội ngũ cán bộ, công chức, thì khi đó doanh nghiệp mới có thể ổn định kinh doanh, làm ăn được. Rất nhiều lần trong các cuộc họp với các bộ, ban, ngành Thủ tướng chỉ đạo nhấn mạnh rằng “Không phải những gì mà Nhà nước không muốn làm thì chuyển cho tư nhân, mà là những gì tư nhân làm được và làm tốt thì nên để tư nhân tham gia, kể cả doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công”; “Không phải cái khó đẩy cho tư nhân, mà cái gì tư nhân làm được nên ủng hộ”.

Không chỉ là lời nói, một tinh thần quyết liệt thấy rõ khi Thủ tướng đưa ra một loạt chỉ đạo rốt ráo ban hành Nghị quyết 35 “Về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020″; Nghị quyết 19 “Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2017, định hương đến năm 2020”… cùng với rất nhiều Chỉ thị yêu cầu ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà doanh nghiệp. Hay như hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tay giơ cao Chỉ thị 20 “Về việc chấn chỉnh hoạt động thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp”, với chữ kí còn chưa khô dấu mực tại “Hội nghị Diên Hồng lần 2”. Rồi ngay tại công trường người đứng đầu Chính phủ trao tận tay quyết định phê duyệt phân bổ 2.186 tỉ đồng vốn ngân sách cho dự án Trung Lương – Mỹ Thuận… đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng cộng đồng doanh nghiệp. Một chỉ thị, một quyết định được ban hành ngay sau một Hội nghị, và công trường là hành động chưa có tiền lệ, xưa nay hiếm. Nó thể hiện một tinh thần quyết liệt, lắng nghe, biến những lời nói thành việc làm cụ thể, giúp doanh nghiệp yên tâm kinh doanh và làm ăn. Bỏ qua những cuộc họp dài lê thê, văn bản qua lại, dẫu biết rằng phải có sự nỗ lực rất lớn của nhiều ban, ngành để có thể có quyết định. Nhưng hình ảnh đôi khi chỉ cần một tờ giấy chỉ thị, quyết định đã mang lại tín hiệu lạc quan cho doanh nghiệp, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho họ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tay giơ cao Chỉ thị 20 “Về việc chấn chỉnh hoạt động thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp”, với chữ kí còn chưa khô dấu mực.

Theo dõi nỗ lực ngoại giao con thoi của người đứng đầu Chính phủ trong việc xúc tiến thương mại đầu tư. Đi tới quốc gia nào, Thủ tướng cũng tranh thủ thời gian tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, không ngần ngại làm một nhà tiếp thị, giới thiệu những sản phẩm, mặt hàng, lợi thế của đất nước hình chữ S tới bạn bè quốc tế.

Không phải ngẫu nhiên mà GS. Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia cho rằng: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một nhà điều hành và thực thi chính sách đầy năng lực”. Và như lời chia sẻ Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc “hơn 3 năm từ nhiệm kỳ mới, qua hơn một nghìn ngày, không ngày nào Chính phủ, Thủ tướng không sốt ruột, và không chỉ trăn trở, sốt ruột mà còn đồng cam cộng khổ cùng doanh nghiệp”.

Có thể cảm nhận khá rõ ở đâu có Thủ tướng thì thông điệp về “Chính phủ kiến tạo” đều được thắp lửa, lay chuyển hành động, cách ứng xử của bộ máy hành chính. Điển hình như Bộ Tài chính thực hiện cải cách quyết liệt trong lĩnh vực thuế, hải quan; Bộ Công thương cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính; Bộ Công an tích cực triển khai áp dụng visa điện tử, tạo điều kiện cho du lịch phát triển; Cần Thơ dành ngày thứ hai hàng tuần để tiếp và đối thoại với doanh nghiệp; Quảng Ninh đi đầu trong việc tổ chức lại công tác xúc tiến đầu tư và triển khai thực hiện bộ chỉ số năng lực cạnh tranh… Dù còn bộn bề khó khăn và nhiều vấn đề cần sớm được giải quyết, song bộ máy Chính phủ đã vận hành nhịp nhàng, phần nào đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Thành quả lớn nhất chính là tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ, thể hiện qua số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao liên tục. Trung bình giai đoạn 2016 – 2019, mỗi năm có trên 126.000 doanh nghiệp thành lập mới. Cả nước đang có khoảng 760.000 doanh nghiệp, tiến sát mục tiêu 1 triệu vào năm 2020.

Với những hành động, chỉ đạo của Thủ tướng trong hơn ba năm qua đã truyền đi thông điệp, về một Chính phủ luôn song hành cùng những người trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho đất nước, tạo sự bền vững ổn định cho nền kinh tế.

Thế Khoa 

Đọc nhiều