Hơn 20 tỷ USD vốn FDI đã vào Việt Nam
Qua 9 tháng, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 20 tỷ USD. Về đối tác, Singapore tiếp tục dẫn đầu, với tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ USD
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/9, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, có 2.254 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với hơn 10,23 tỷ USD, tăng 66,3% về số dự án và tăng 43,6% về số vốn so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, 934 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 5,15 tỷ USD, tăng 21,5% về số lượt và giảm 37,3% về số vốn so với cùng kỳ. 2.539 lượt góp vốn, mua cổ phần, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,82 tỷ USD, giảm 5,9% về số lượt và tăng 47% về số vốn so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14 tỷ USD, chiếm gần 69,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 15,5% so với cùng kỳ.
Tiếp theo, là ngành kinh doanh bất động sản, với tổng vốn đầu tư gần 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 45% so với cùng kỳ. Các ngành tài chính – ngân hàng, bán buôn, bán lẻ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,54 tỷ USD và gần 734 triệu USD.
Xét về đối tác đầu tư, thì Singapore vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ USD, chiếm hơn 19,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đứng thứ hai với 2,92 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,9 tỷ USD, chiếm hơn 14,3% tổng vốn đầu tư.
Nhận định về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Bắc Giang, Bình Dương…
Đây đều là các địa phương có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…
Trong khi đó, xét về đối tác, các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống, như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Riêng 6 đối tác này đã chiếm tới 78,8% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 9 tháng.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã bật tăng trở lại sau nhiều tháng suy giảm, xuất hiện những dự án quy mô lớn. Động thái của các nhà đầu tư FDI đang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, hiện thực hóa những cam kết trước đó.
Tốc độ tăng dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, dự án mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI như hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong xúc tiến đầu tư…
Bất chấp những thách thức bên ngoài đang tiếp diễn, Ngân hàng HSBC cho rằng, triển vọng FDI của Việt Nam vẫn còn vẹn nguyên. So với các quốc gia trong khu vực, tính theo phần trăm GDP, Việt Nam vẫn là nước nhận FDI lớn thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Malaysia.
Để tăng sức thu hút, giữ chân dòng vốn FDI trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu sắp được thực thi, Việt Nam đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư, tìm giải pháp ứng phó. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, việc thay đổi cách tiếp cận, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết, nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh, tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Bích Vân