Hơn 1,8 triệu héc-ta khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị mặn xâm nhập
* Bảo đảm cấp nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2019-2020 khu vực trung du và đồng bằng Bắc BộTheo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, đến thời điểm này, xâm nhập mặn đã tác động đến 10 trong số 13 tỉnh với tổng cộng 71 trong số 137 đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tổng diện tích tự nhiên thuộc vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn khoảng 1.869.000 ha, cao hơn vùng ảnh hưởng của năm xâm nhập mặn lịch sử 2016 khoảng gần 50.000 ha.
* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, đêm 28-12, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có mưa, Bắc Bộ trời rét, vùng núi rét đậm có nơi dưới 10 độ C. Tây Bắc Bộ đêm có mưa và mưa rào rải rác và có nơi có dông, sau có mưa vài nơi, gió nhẹ, trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 14 – 17 độ C, có nơi dưới 12 độ C. Ðông Bắc Bộ có mưa vài nơi; riêng vùng núi phía bắc đêm có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông, gió đông bắc cấp 2-3. Trời rét, vùng núi có nơi rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất 14 – 17 độ C, vùng núi 11 – 14 độ C , có nơi dưới 10 độ C.
* Ngày 28-12, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai có báo cáo nhanh về diễn biến bão số 8 và tình hình tàu, thuyền trên biển cho biết, đã có văn bản đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đơn vị biên phòng tuyến biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận phối hợp với địa phương và gia đình chủ tàu, thông báo, hướng dẫn cho các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, nhất là bảy tàu, thuyền trong vùng nguy hiểm biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Bên cạnh đó là thường xuyên theo dõi diễn biến của bão số 8 để có hướng chỉ đạo kịp thời.
* Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 28-12, ở khu vực giữa Biển Ðông (gồm cả quần đảo Hoàng Sa): 278 tàu đang hoạt động, các tàu đã nắm được thông tin và đang di chuyển trú tránh (Quảng Nam 11 tàu; Quảng Ngãi 153 tàu; Khánh Hòa một tàu; Bình Ðịnh 113 tàu).
* Sáng 28-12, Bộ NN và PTNT tổ chức hội nghị bàn giải pháp bảo đảm cấp nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2019 – 2020 khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Hội nghị tập trung bàn giải pháp phối hợp sao cho hài hòa giữa nhiệm vụ cấp điện và bảo đảm cấp nước phục vụ gieo cấy 535.600 ha lúa vụ đông xuân 2019 – 2020 trong điều kiện nguồn nước trữ trong các hồ chứa thủy điện hạ thấp…
* Báo cáo của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, tính đến cuối tháng 12-2019, tổng lượng nước tích được ở các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng là 11,3 tỷ m3, tương ứng với 60% dung tích hữu ích (thiếu hụt khoảng 7,6 tỷ m3); trong đó, các hồ trực tiếp vận hành xả nước vụ đông xuân tích được 5,7 tỷ m3, tương ứng 57,3% dung tích, thiếu hụt khoảng 4,23 tỷ m3.
* Theo kế hoạch, 12 tỉnh, thành phố khu vực trung du và đồng bằng sông Hồng gieo cấy khoảng 600.000 ha. Trước tình hình thực tế về thời tiết, nguồn cung cấp nước, nhân lực, Cục Trồng trọt sẽ phối hợp Tổng cục Thủy lợi kiểm tra thực tế các địa phương về kế hoạch điều chỉnh sản xuất.
* Tổng đàn gia súc của huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) có hơn 30.000 con; trong đó trâu 23.528 con, đàn bò 7.016 con. Ðể phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, huyện đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, chủ động ứng phó với diễn biến xấu của thời tiết; vận động nhân dân xóa bỏ tập quán chăn nuôi lạc hậu, không thả rông gia súc, dự trữ thức ăn vào mùa đông…
* Vụ đông 2019, tỉnh Lạng Sơn trồng được 1.400 ha rau, 252 ha khoai tây, 30 ha khoai lang, 30 ha ngô, 259 ha ớt… Ðể chủ động ứng phó không khí lạnh và giá rét, ngành nông nghiệp đã tích cực phối hợp chính quyền các cấp tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, nếu có sương muối nên dùng lưới đen, ni-lông trắng, che đậy giống cây trồng, tránh rét, giảm thiểu hiện tượng táp lá gây thiệt hại cho cây trồng.
* Ðể ứng phó với đợt xâm nhập mặn mùa khô 2019 – 2020, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay đã thực hiện mở rộng 65 km đường ống góp phần giúp 7.200 hộ được trữ nguồn nước ngọt sử dụng trước khi mùa hạn, mặn xảy ra. Ngoài ra, đã lên phương án cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thời điểm mặn xâm nhập sâu, độ mặn cao với việc vận hành các hệ thống lọc mặn RO 24/24 để cấp nước sinh hoạt cho người dân, bệnh viện, trạm y tế, trường học trong trường hợp bức thiết mặn kéo dài, độ mặn tăng cao.
* Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa vừa tiêu hủy 14 con lợn (tổng trọng lượng 504 kg) của ba hộ chăn nuôi ở huyện Quảng Xương và huyện Hoằng Hóa do mắc dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Lũy kế từ khi phát sinh ổ dịch đầu tiên trong tỉnh Thanh Hóa vào ngày 23-2 đến nay, DTLCP đã xảy ra trên đàn lợn nuôi của 25.588 hộ, ở 2.222 thôn, 458 xã thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố; buộc phải tiêu hủy 213.433 con lợn, tổng trọng lượng hơn 14.354 tấn. Trong tỉnh hiện có huyện Mường Lát và Thường Xuân cùng 256 xã đã công bố hết DTLCP. Ngoài ra có 75 xã đang thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng, làm thủ tục công bố hết DTLCP. Tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện bốn đợt chi trả gần 330 tỷ đồng hỗ trợ người dân phải tiêu hủy lợn bị DTLCP.
Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia cho biết, hồi 13 giờ ngày 28-12, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 14,5 độ vĩ bắc; 113,9 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8. Dự báo trong 12 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 15 – 20 km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 1 giờ ngày 29-12, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 14,4 độ vĩ bắc; 112,0 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 270 km về phía nam. Sức gió ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.
PV/ND