130115
topics
408992

Hơn 13 triệu người nhiễm nCoV trên toàn cầu

13/07/2020 06:34

Thế giới ghi nhận hơn 13 triệu ca nCoV, gần 571.000 người chết, châu Mỹ là tâm Covid-19 trong khi các khu vực khác phần nào kiểm soát được dịch. 

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 13.022.313 ca nhiễm và 570.999 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 192.402 và 4.013 trong 24 giờ qua, trong khi 7.573.348 người đã bình phục.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 3.411.326 ca nhiễm trong khi 137.773 người đã tử vong, tăng lần lượt 55.680 và 371 ca trong 24 giờ qua. Các điểm nóng Covid-19 như Texas, Florida lần lượt ghi nhận 264.965 và 269.811 ca nhiễm, trong khi con số này ở California là 326.989.

Hàng chục bang Mỹ đang báo cáo ca nhiễm nCoV tăng cao trở lại, trong đó một số bang ghi nhận con số kỷ lục và phải tái áp đặt biện pháp phong tỏa để hạn chế bệnh dịch lây lan. Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci đã cảnh báo Mỹ vẫn đang trong làn sóng Covid-19 đầu tiên và phải hành động ngay để ngăn ca nhiễm mới tăng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11/7 đeo khẩu trang trước công chúng khi đến thăm bệnh viện quân đội Walter Reed ở bang Maryland. Đây là lần đầu tiên ông được nhìn thấy làm theo các khuyến nghị của các chuyên gia y tế chính phủ về việc đeo khẩu trang nơi công cộng.

Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, thông báo thêm 23.869 ca nhiễm và 608 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.864.681 và 72.100. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại số ca nhiễm thực tế ở đất nước này cao hơn rất nhiều so với báo cáo do hạn chế xét nghiệm.

Dù tình hình dịch không có dấu hiệu ổn định, một số bang ở Brazil, bao gồm hai vùng dịch lớn là Rio de Janeiro và Sao Paulo, đã bắt đầu nới các biện pháp hạn chế. Hình ảnh những quán bar và bãi biển đông đúc làm dấy lên lo ngại về các đợt bùng phát mới.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở New Delhi, Ấn Độ, hôm 16/6. Ảnh: AFP.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở New Delhi, Ấn Độ, hôm 16/6. Ảnh: AFP.

Peru, vùng dịch lớn khác tại Mỹ Latinh, ghi nhận thêm 3.616 ca nhiễm và 188 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 326.326 và 11.870, là vùng dịch lớn thứ năm thế giới. Chính phủ Peru hôm 1/7 dỡ lệnh phong tỏa tại 18 trong số 25 vùng, nơi họ nhận định đã qua đỉnh dịch. Chính phủ của Tổng thống Martín Vizcarra cho biết nới lỏng các biện pháp hạn chế sẽ giúp hồi sinh tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Chile xếp thứ sáu thế giới với 315.041 ca nhiễm và 6.979 ca tử vong, tăng lần lượt 3.012 và 98 ca so với hôm trước. Giới chức nước này hôm 8/7 lên kế hoạch nới dần các biện pháp phong tỏa, song cho biết vẫn rất thận trọng.

Mexico là vùng dịch lớn thứ tám thế giới với 295.268 ca nhiễm và 34.730 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 6.094 và 539 ca. Thủ đô Mexico City, tâm Covid-19 cả nước, bắt đầu mở cửa một phần kinh tế kể từ đầu tháng 7. Nhà hàng và quán bar được phép mở lại nhưng chỉ được hoạt động 50% công suất trong khi trường học vẫn đóng cửa.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 130 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 11.335. Số ca nhiễm tăng 6.615, lên 727.162, đánh dấu ngày thứ 17 liên tiếp số ca nhiễm mới hàng ngày dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.

Các biện pháp hạn chế, gồm lệnh cấm các chuyến bay quốc tế, vẫn duy trì đến tháng 8. Tuy nhiên, nhiều biện pháp đã được nới lỏng như cho phép các nhà hàng, phòng gym và đi lại nội địa nối lại hoạt động với điều kiện tuân thủ quy tắc giãn cách xã hội. Nga tuyên bố dịch bệnh trong tầm kiểm soát.

Tây Ban Nha chưa công bố số liệu mới, ca nhiễm và ca tử vong ở nước này hôm 12/7 lần lượt là 300.988 và 28.403. Tây Ban Nha chấm dứt tình trạng khẩn cấp từ 21/6, cho phép người từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Schengen nhập cảnh mà không phải cách ly hai tuần.

Quần đảo Balearic, một trong những điểm du lịch hàng đầu của Tây Ban Nha, sẽ yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng từ 13/7, ngay cả khi mọi người giữ khoảng cách an toàn.

Anh báo cáo thêm 650 ca nhiễm và 21 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 289.603 và 44.819.Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 10/7 cho biết có thể áp các quy tắc chặt chẽ hơn về đeo khẩu trang để ngăn ca nCoV lây lan và ông muốn thấy người dân đeo chúng thường xuyên hơn.

Các cửa hàng không thiết yếu ở Anh đã mở cửa trở lại từ 15/6. Các tiệm làm tóc, quán rượu và nhà hàng cũng bắt đầu kinh doanh trở lại từ cuối tuần trước. Người dân Anh được yêu cầu đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng và khi tới bệnh viện.

Italy ghi nhận thêm 234 ca nhiễm và 9 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 243.061 và 34.954. Viện Y tế Quốc gia Italy hôm 9/7 cho biết đang lên kế hoạch giám sát nước thải trên toàn quốc để cảnh báo sớm về những nguy cơ bùng phát Covid-19.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 10/7 thông báo nước này có thể gia hạn tình trạng khẩn cấp sau thời hạn hiện tại là 31/7. Tình trạng khẩn cấp giúp chính phủ đẩy nhanh thủ tục hành chính nếu cần thiết để áp dụng biện pháp chống dịch.

Đức báo cáo thêm 138 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm lên 199.950, trong khi số ca tử vong vẫn dừng ở mức 9.134. Hầu hết cửa hàng trên cả nước đã mở lại, một số bang chỉ cho phép cửa hàng từ 800 m2 trở lên hoạt động. Giới chức Đức cho biết người hâm mộ bóng đá có thể tới sân vận động xem các trận đấu vào mùa thu này.

Tại Trung Đông, Iran ghi nhận thêm 2.186 ca nhiễm, nâng tổng số lên 257.303, trong đó 12.829 người chết, tăng 194 ca so với hôm qua. Iran đã dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn Covid-19 từ giữa tháng 4, song gần đây lại ghi nhận số ca nhiễm gia tăng trở lại.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 12/7 kêu gọi cấm các cuộc tụ tập đông người, trong đó có đám cưới, đám tang, trong khi lãnh tụ tối cao Iran Khamenei gọi hành động không đeo khẩu trang để phòng nCoV là “đáng xấu hổ”, đồng thời kêu gọi người dân chung tay đẩy lùi Covid-19.

Arab Saudi ghi nhận thêm 2.779 ca nhiễm và 42 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 232.259 và 2.223. Nước này chấm dứt lệnh giới nghiêm toàn quốc vì nCoV cuối tháng 6. Tuy nhiên, chính phủ năm nay chỉ “cho phép 1.000 người hoặc ít hơn” tới hành hương tại thánh địa Mecca và chỉ người dân Arab Saudi mới có cơ hội.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 29.108 ca nhiễm và 500 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 879.466 và 23.187. Các thành phố lớn của Ấn Độ là những nơi bị Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất như New Delhi và Mumbai.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 30/6 cho rằng “sự tắc trách” trong xã hội ngày càng tăng kể từ khi chính phủ nới lỏng hạn chế ngăn Covid-19, thêm rằng người dân đang phớt lờ cách biệt cộng đồng và các hướng dẫn y tế khác.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 75.699 ca nhiễm, tăng 1.681 trường hợp so với hôm qua, trong đó 3.606 người chết, tăng 71 ca. Gần 1.300 người liên quan tới Trường Sĩ quan Lục quân Indonesia dương tính với nCoV giữa lúc nước này chật vật kiềm chế đại dịch.

Trong khi đó, quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto cho rằng ca nhiễm mới tăng nhanh do nhiều người dân chủ quan khi đất nước mở cửa trở lại và nới phong tỏa.

Philippines, vùng dịch lớn thứ hai trong khu vực, chưa báo cáo số liệu mới. Số ca nhiễm và ca tử vong do nCoV nước này hôm 12/7 lần lượt là 54.222 và 1.372. Theo Bộ Y tế nước này, ca nhiễm mới tăng mạnh có thể là do người dân tiếp xúc với nhau nhiều hơn sau khi chính quyền bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế.

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực, với 45.961 ca nhiễm, tăng 178 ca, trong đó 26 người chết. Singapore đang nới dần các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn.

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cuối tuần qua kêu gọi các nước đang bị Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tiếp tục duy trì các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ để ngăn chặn đại dịch.

(Theo AFP/ Reuters)

Đọc nhiều