2
category
476285

Hơn 109 triệu ca nCoV toàn cầu, Mỹ muốn Trung Quốc cung cấp dữ liệu Covid-19

Nguyễn Tiến 14/02/2021 12:33

Ca nCoV toàn cầu hơn 109 triệu, hơn 2,4 triệu người chết, Mỹ kêu gọi Trung Quốc cung cấp dữ liệu về Covid-19 từ những ngày đầu bùng phát.

Peter Daszak, one of the members of the World Health Organization (WHO) team investigating the origins of the COVID-19 coronavirus, gives a swab sample to test for COVID-19 on a balcony at Wuhan Hilton Optics Valley hotel in Wuhan, China’s central Hubei province on February 6, 2021. (Photo by Hector RETAMAL / AFP)

Thế giới ghi nhận 109.068.385 ca nhiễm nCoV, trong đó 2.403.345 người đã chết và 81.059.774 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan ngày 13/2 cho biết Mỹ “quan ngại sâu sắc” về phản ứng của Trung Quốc với cuộc khủng hoảng Covid-19 và muốn nước này “cung cấp dữ liệu của họ từ ngày đầu tiên đại dịch bùng phát”. Tuyên bố được đưa ra vài ngày sau khi nhóm điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trở về từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi đầu tiên ghi nhận Covid-19 song chưa có phát hiện rõ ràng về nguồn gốc của nCoV.

“Chúng tôi lo ngại sâu sắc về cách truyền đạt những phát hiện ban đầu của cuộc điều tra về Covid-19, cùng các câu hỏi liên quan đến quy trình được áp dụng để tiếp cận chúng. Điều cần thiết là báo cáo này hoàn toàn độc lập, cũng như các phát hiện của chuyên gia không bị chính phủ Trung Quốc can thiệp hoặc thay đổi”, Sullivan cho biết.

Dù chưa tìm ra được nguồn gốc của nCoV, các chuyên gia WHO đồng ý virus có thể truyền từ dơi qua một loài động vật không xác định trước khi sang con người. Nhóm nghiên cứu cho biết giả thuyết virus lọt ra từ phòng thí nghiệm, vốn được cựu tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu ngoại trưởng Mike Pompeo nhắc đến, là sai và “cực kỳ khó xảy ra”.

Trung Quốc nhiều lần nêu giả thuyết nCoV được đưa tới nước này thông qua các gói hàng như hải sản đông lạnh, giả thuyết mà nhóm chuyên gia WHO không loại trừ.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 77.977 ca nhiễm và 1.966 ca tử vong, đưa tổng số người nhiễm lên 27.990.787 và 486.511 người chết.

Tổng thống Joe Biden ngày 11/2 cho biết Mỹ đã ký thỏa thuận đặt mua thêm 200 triệu liều vaccine Covid-19 và đang trên đà cung cấp đủ vaccine cho 300 triệu người Mỹ vào cuối tháng 7/2021, qua đó tiêm chủng thành công cho phần lớn dân số.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trung bình 1,49 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm mỗi ngày trong tuần trước, tăng từ mức trung bình 900.000 liều/ngày khi Tổng thống Joe Biden lên nhậm chức ngày 20/1. Hiện Mỹ đã tiêm vaccine cho 44,7 triệu người.

CDC Mỹ hôm 12/2 ra khuyến cáo mới, kêu gọi các trường học mở cửa lại một cách an toàn và càng sớm càng tốt, đồng thời đưa ra kế hoạch chi tiết để hạn chế sự lây lan của Covid-19. Chiến lược này nhấn mạnh việc đeo khẩu trang, rửa tay và khử trùng, cũng như truy vết tiếp xúc, nhưng không nhắc nhiều đến vấn đề thông gió lớp học.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 12.188 ca nhiễm và 85 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.904.738 và 155.673.

Chính phủ Ấn Độ hôm 6/2 thúc giục các bang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 sau khi kết quả từ một cuộc đánh giá cho thấy nước này có “cơ hội” đáng kể để đẩy nhanh chương trình này.

Ấn Độ đã tiêm vaccine cho khoảng 3 triệu nhân viên y tế trong hai tuần đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng, nhưng cần phải tăng tốc để đạt mục tiêu trong mùa hè. Chính phủ nước này yêu cầu các bang lên lịch cho tất cả các nhân viên y tế tiêm chủng trước ngày 20/2 và tất cả nhân viên tuyến đầu trước ngày 6/3.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 931 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 238.532. Số ca nhiễm nCoV tăng 44.060 trong 24 giờ qua, lên 9.809.754.

Brazil hôm 6/2 nhận lô hàng gồm 88 lít hoạt chất đầu tiên để sản xuất vaccine Covid-19 của AstraZeneca, cho phép trung tâm y sinh Fiocruz có thể xuất xưởng 2,8 triệu liều vaccine. Trung tâm này dự kiến nhận thêm nhiều lô hàng khác trong tháng này để tạo ra tổng cộng khoảng 15 triệu liều vaccine.

Hiện chỉ vaccine do AstraZeneca và công ty Sinovac của Trung Quốc phát triển được chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ở Brazil. Cơ quan quản lý y tế Brazil Anvisa hôm 6/2 cho biết Pfizer nộp đơn xin phê duyệt vaccine Covid-19 tại nước này.

Anh ghi nhận thêm 621 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì đại dịch lên 116.908, trong khi số ca nhiễm tăng 13.308 ca so với hôm trước, lên 4.027.106.

Bộ trưởng Triển khai Vaccine Anh Nadhim Zahawi hôm 7/2 cho biết quốc gia này có thể tăng cường tiêm chủng vaccine Covid-19 vào mùa thu và sau đó triển khai tiêm chủng hàng năm nhằm đối phó với các biến chủng nCoV.

Anh đặt mục tiêu tiêm mũi đầu tiên cho tất cả những người trên 70 tuổi, những người dễ bị tổn thương, các nhân viên y tế tuyến đầu vào giữa tháng hai. Tốc độ tiêm chủng đang ở mức 400.000 mũi mỗi ngày, giúp Anh chỉ đứng sau Israel và UAE về số liều tiêm trên 100 người.

Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 21.231 ca nhiễm và 199 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.448.617 và 81.647.

Các nhà lập pháp nước này ngày 9/2 thông qua luật gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia tới ngày 1/6 khi số ca tử vong vì Covid-19 vượt 80.000. Luật cho phép chính phủ ban hành nhiều hạn chế, bao gồm cả phong tỏa, nhằm ngăn virus lây lan. Tình trạng khẩn cấp hiện tại sẽ hết hiệu lực vào ngày 16/2.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.210.703 ca nhiễm, tăng 8.844, trong đó 32.936 người chết, tăng 280. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định số ca nhiễm trên thực tế tại Indonesia có thể cao gấp 3 lần.

Indonesia triển khai chương trình xét nghiệm nCoV qua hơi thở tại các ga tàu trong bối cảnh tình hình dịch ở nước này ngày càng phức tạp. Người làm xét nghiệm sẽ được yêu cầu thổi vào túi và nhận kết quả ngay sau hai phút.

Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 547.255 ca nhiễm và 11.507 ca tử vong, tăng lần lượt 1.960 và 12 ca. Tình hình Covid-19 tại Philippines càng gây lo ngại khi những lô vaccine Covid-19 đầu tiên dự kiến phải đến nửa cuối năm nay mới tới nước này.

Do sự xuất hiện của biến chủng nCoV dễ lây lan hơn từ Anh tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte cuối tháng 1 quyết định tái áp đặt lệnh cấm trẻ em 10-14 tuổi rời nhà, bất chấp lo ngại việc này sẽ khiến nền kinh tế ngày càng lún sâu vào khủng hoảng.

Nguyễn Tiến (Theo AFP)

Đọc nhiều