Hôm nay Sài Gòn “dưỡng thương” để ngày mai phục hồi tốt hơn

Thái Thanh 28/07/2021 11:12

Sài Gòn chưa bao giờ như hiện nay, phải thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, từ 18h đến 6h sáng hôm sau người dân không ra đường, để nỗ lực dập tắt dịch Covid-19. Có người nói Sài Gòn đang “bệnh” không phải là không có lý. Nhưng dù trong dáng vẻ thế nào, Sài Gòn vẫn là Sài Gòn, mọi người vẫn đang quyết tâm, người dân chung lòng chống dịch. 

Sài Gòn sau 18h dường như chỉ còn xe cấp cứu chạy ngoài đường. Không gian yên tĩnh của những ngày Sài Gòn cần “dưỡng thương”.

Corona – Biến cố của thế kỷ. Rõ ràng đây là một nạn dịch lịch sử, xảy ra thình lình như một trận sóng thần giữa trời quang mây tạnh. Thế giới hoảng loạn chưa từng thấy, biến cố này được xem là kinh hoàng nhất kể từ ngày chấm dứt Thế chiến thứ hai. Dịch bệnh lây lan quá nhanh, theo cấp số nhân, ngay cả những quốc gia có nền y học đứng đầu thế giới cũng rơi vào vòng xoáy, không thoát khỏi tử thần.

Việt Nam đang là một trong những quốc gia chống dịch thành công được thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, với những lần đáo đi đáo lại của SARS-CoV-2, kèm theo đó là những biến thể ngày một lây lan nhanh hơn, dễ dàng hơn, chúng ta cần khẩn trương hơn. Khi bài viết này được thực hiện, TP.HCM vẫn chưa đạt đỉnh dịch và mỗi ngày có thêm hơn 4.000 người nhiễm nCoV…

Dù ngày hay đêm, các bệnh viện điều trị Covid-19 tại TP.HCM luôn sáng đèn
Bác sĩ nỗ lực cứu bệnh nhân

Đã 57 ngày Sài Gòn đương đầu trước lốc xoáy dịch bệnh bao phủ, những đợt giãn cách liên tục được áp dụng, từ Chỉ thị 15 đến Chỉ thị 16. Mà nếu như nhìn sang các nước láng giềng, thì càng thấy tự hào về Sài Gòn của mình, đã rất kiên cường, chiến đấu rất ngoạn mục. Indonesia dịch bệnh sau Sài Gòn chúng ta 4, 5 ngày nhưng mỗi ngày hiện nay số người chết mỗi ngày đến 4 con số. Đài Loan có ngày chưa đến 400 ca nhiễm nhưng người chết 29 người. Sài Gòn có số ca nhiễm tăng vọt, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Qua một chặng đường gian nan, khốc liệt, gồng mình chống dịch, đến thời điểm hiện tại, khi hệ thống y tế quá tải và số ca nhiễm vẫn còn tăng vọt, thì ai cũng bắt đầu cảm nhận được sự “khánh kiệt” về sức khỏe của Sài Gòn. Cũng giống như con người – bệnh cần tịnh dưỡng, để tái tạo, Sài Gòn cũng cần được nạp năng lượng, cần được bảo vệ và “dưỡng thương”. Và giới hạn người ra đường từ 18h, để Sài Gòn nghỉ ngơi vào ban đêm là quyết sách chuẩn xác.

Vì Sài Gòn đang bệnh, vì thương Sài Gòn, mọi người ai cũng chung tay, góp sức, hợp tác. Đến người cha đi đổi bình oxy ban đêm, để cứu con, dù việc bất khả kháng và được phép nhưng anh vẫn cảm thấy ái náy – hình ảnh đẹp này càng cho thấy rõ nét hơn về người Sài Gòn đang chung tay phòng chống dịch, đang ôm ấp, nâng niu thành phố mình vào lòng như thế nào.

Một góc ở Sài Gòn trong những ngày giãn cách
CSGT – TT Công an Q.Tân Bình trong khi tuần tra xử phạt người dân TP.HCM ra đường sau 18 giờ đã lặng người, nghẹn ngào xúc động trước ông bố lao ra đường chở bình oxy về để cứu con trai bị u gan nhưng ái náy khi phải ra đường vào đường này…
CSGT tuần tra, chốt chặn. Đường phố vắng hoe

Điểm sáng trong đại dịch, Sài Gòn đang cần dưỡng thương, các tỉnh thành đón người dân về quê, để giảm tải gánh nặng cho Sài Gòn nhưng kèm theo đó là tiếp tục những hành động sẻ chia. Mớ rau, ít thực phẩm của các mệ miền Trung, các nhà vườn Đà Lạt; hay nhiều tỷ đồng của những tỉnh thành bạn gửi ủng hộ Sài Gòn chống dịch; những đoàn y bác sĩ cứ thay phiên nhau được điều phối về Sài Gòn góp thêm lực lượng tuyến đầu… Tất cả đó là nội lực, tinh thần đoàn kết vốn dĩ của người dân Việt mỗi khi dân tộc lâm nguy, đồng bào gặp nạn. Truyền thống ấy, giá trị đó cũng là một loại vắc-xin cho tinh thần để chống dịch, giúp Sài Gòn vượt qua khó khăn trong lúc này.

Với tình thương mọi nơi đang hướng về Sài Gòn, chia lửa với Sài Gòn như thế này, tin chắc rằng rồi sẽ sớm thôi, Sài Gòn nhanh chóng khỏe trở lại, sẽ lấy lại phong độ, sẽ chiến thắng dịch bệnh và rồi sẽ tiếp tục đón người từ tứ xứ về đây mưu sinh, lập nghiệp, xây tổ ấm.

Thái Thanh

Đọc nhiều