Hôm nay nước Đức sang trang mới sau 16 năm cầm quyền của Angela Merkel

Tùng Anh 26/09/2021 07:32

Hôm nay 26/9, Nước Đức sẽ có thủ tướng mới, sang trang gần 16 năm liên tục dưới sự lãnh đạo của bà Angela Merkel. Cuộc bầu cử dự kiến sẽ có kết quả bỏ phiếu và được công bố vào khoảng 18 giờ cùng ngày. Kết quả bầu cử sau đó sẽ cho phép lựa chọn người kế nhiệm thủ tướng Angela Merkel. 

Sau 16 năm cầm quyền, Thủ tướng Đức Angela Merkel để lại cho nước Đức nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung di sản về sự ổn định qua các cuộc khủng hoảng liên tiếp.

Tại trung tâm thủ đô Berlin, một tấm áp phích lớn mô tả một người phụ nữ mặc áo vest xanh xếp tay thành hình kim cương cùng dòng chữ “Tschüss Mutti” (Tạm biệt Mẹ).

Tuy mặt của người phụ nữ này không xuất hiện trên tấm áp phích, người Đức đều biết bà là ai. Cách xếp tay, chiếc áo vest và từ “Mutti” đã trở thành biểu tượng của Thủ tướng Angela Merkel trong nhiều năm qua.

Bà Merkel là chính trị gia có ảnh hưởng lớn nhất tới Liên minh châu Âu (EU) trong một thập kỷ qua.

Sau 16 năm, người Đức sẽ chính thức nói lời tạm biệt với nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử quốc gia này. Âm hưởng của cuộc chia tay sẽ vang vọng ra bên ngoài biên giới nước Đức, khi bà Merkel được coi là chính trị gia quyền lực nhất EU với biệt danh “Nữ hoàng của châu Âu”.

Thủ tướng mà nước Đức “chưa từng tưởng tượng”

Chỉ 30 năm trước, khó ai có thể nghĩ rằng một nữ chính trị gia trưởng thành tại Đông Đức có thể lãnh đạo và định hình nước Đức thống nhất trong thời gian dài như vậy. Giờ đây, chúng ta chưa thể tưởng tượng về một nước Đức không có bà Merkel.

Tại Đức, bà Merkel được gọi là “Mutti der Nation” – người mẹ của đất nước. Dù không có một số phẩm chất thường thấy của một người lãnh đạo như sự thu hút hay sự hùng hồn trong những bài phát biểu trước công chúng, Merkel là vị thủ tướng mà người dân Đức có thể tin tưởng và kính trọng.

Từ năm 2005 đến nay, nền kinh tế Đức tăng trưởng 34%. Trong khi đó, Pháp chỉ tăng trưởng 19%, Tây Ban Nha 11%, Anh 7% và Italy 2%. Số người thất nghiệp tại Đức giảm khoảng 3,2 triệu người. Xuất khẩu của Đức vẫn tăng trưởng dù Mỹ và Trung Quốc chi phối thị trường toàn cầu.

“Tại Đức, mọi người đang hạnh phúc. Họ không muốn bị gián đoạn hay thay đổi quá nhiều”, giáo sư kinh tế Horst Lochel tại Đại học Frankfurt nhận xét. Ông cho rằng bà Merkel là một nhà lãnh đạo thực tế và linh hoạt.

Di san cua ba Merkel anh 2
“Tạm biệt Mẹ”, thông điệp người Đức gửi đến bà Merkel.

Trong Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) cầm quyền, vốn bị chi phối bởi nam giới theo Công giáo ở khu vực phía Tây đất nước, bà Merkel từng được gọi là “người ngoài cuộc” ở 3 cấp độ: một người phụ nữ, con gái của một mục sư đạo Tin Lành và đến từ Đông Đức.

Bà Merkel giúp nền chính trị Đức trở nên đa dạng hơn, thay vì chỉ là “câu lạc bộ của những người đàn ông” như trước đây. Bà cũng được biết đến như là người bổ nhiệm nhiều nữ chính trị gia vào các vị trí quan trọng, tiêu biểu là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen, người đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC).

Di sản của Merkel cũng bao gồm việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân và chào đón người nhập cư – những điều có thể coi là “cấp tiến” đối với một thủ tướng thuộc đảng CDU bảo thủ như bà Merkel.

Tuy vậy, nước Đức cũng đang bị tụt hậu trong nhiều vấn đề như số hóa, chính sách chống biến đổi khí hậu và già hóa dân số.

Nhiệm kỳ của bà Merkel được đánh dấu bởi các cuộc khủng hoảng nối tiếp nhau: Khủng hoảng tài chính, khủng hoảng nợ công châu Âu, khủng hoảng người nhập cư và Covid-19. Trong đó, cuộc khủng hoảng người nhập cư những năm 2015-2016 đã mang lại những thay đổi trong lòng nước Đức.

“Wir schaffen das” – Chúng ta có thể lo được. Đây là câu nói nổi tiếng của bà Merkel khi quyết định mở cửa đất nước cho gần một triệu người nhập cư năm 2015. Nhờ quyết định này, nước Đức và cá nhân bà được dư luận quốc tế hoan hô nhiệt liệt. Tuy vậy, ở trong nước, đảng cực hữu AfD có cơ hội nổi lên như thế lực thách thức trật tự hiện hành.

Di san cua ba Merkel anh 3
Bà Merkel chụp ảnh selfie cùng một thanh niên nhập cư người Syria năm 2015.

Người gác cửa châu Âu

Là người Đông Đức, bà Merkel chỉ trở thành công dân của Cộng đồng châu Âu (tiền thân của Liên minh châu Âu) khi nước Đức thống nhất năm 1990. Tuy vậy, ít có chính trị gia nào có tầm ảnh hưởng đến chính sách của khối trong hơn một thập niên qua như Merkel.

“Cho đến năm 35 tuổi, tôi chỉ biết đến Liên minh châu Âu như một người ngoài cuộc. Tôi chỉ trở thành người trong cuộc từ năm 1990”, bà Merkel phát biểu trước Nghị viện châu Âu năm 2007. “Từ bên ngoài nhìn vào, EU là câu chuyện thành công mang tính lịch sử, chưa từng có tiền lệ”.

“Từ bên trong cũng vậy. EU là ngôi nhà tuyệt vời. Thực tế, tôi thấy nó đẹp hơn khi nhìn từ bên trong. Tôi không bao giờ muốn rời ngôi nhà này. Tôi tin rằng không có nơi nào đẹp hơn cho chúng ta so với ngôi nhà chung châu Âu”, bà nói.

Trong gần hai thập kỷ cầm quyền, Merkel giữ cho ngôi nhà châu Âu đứng vững và phát triển trước nhiều thách thức và khủng hoảng, cả về kinh tế, chính trị lẫn xã hội. Ảnh hưởng của bà lớn đến mức người ta đặt cho bà biệt danh “Nữ hoàng của châu Âu”.

“Chính phủ Đức, dưới sự lãnh đạo của Angela Merkel, có ảnh hưởng quyết định lên mọi cuộc khủng hoảng gần đây tại châu Âu. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”, bà Jana Puglierin, lãnh đạo văn phòng tại Berlin của Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nhận định.

Khi Hy Lạp lâm vào khủng hoảng nợ, Đức có phần đóng góp nhiều nhất trong gói cứu trợ đầu tiên của EU. Sau đó, EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp các gói cứu trợ trị giá 330 triệu euro cho Hy Lạp, với điều kiện nước này phải thi hành các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Đức là nhân tố chủ chốt trong những cuộc đàm phán về các gói cứu trợ.

Dù biện pháp cứu trợ được đánh giá là thành công, những điều kiện mà các chủ nợ áp đặt lên Hy Lạp hứng chịu nhiều chỉ trích. Tuy vậy, bà Merkel không lùi bước.

“Tôi biết mọi người tức giận và gọi tôi là kẻ xấu, áp đặt các điều kiện nghiêm ngặt lên Hy Lạp hay Bồ Đào Nha. Tuy vậy, như bạn thấy, cải cách đã được thực hiện”, bà Merkel nói năm 2020. Bà khẳng định những thành quả này có được nhờ sự “nghiêm ngặt và cứng rắn”.

Bà Angela Merkel sẽ chính thức rời chính trường sau 16 năm tại vị.

“Tất cả những gì chúng tôi làm đều hướng đến việc Hy Lạp vẫn ở lại khu vực đồng tiền chung châu Âu”, bà Merkel tuyên bố.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề của châu Âu mà bà chưa thể giải quyết hoàn toàn. Thỏa thuận nhập cư với Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016 không thể đảm bảo một cuộc khủng hoảng người nhập cư mới sẽ không xảy ra trong tương lai. EU vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng về chính trị và bất bình đẳng về kinh tế. Nhiều câu hỏi về quan hệ với Mỹ, Nga, Trung Quốc vẫn chưa có câu trả lời.

Ai sẽ phán xét di sản Merkel?

Vốn là tiến sĩ hóa lượng tử trước khi tham gia chính trị, bà Merkel dường như không hứng thú với việc thu hút sự chú ý của dư luận. Thay vào đó, bà thuần thục kỹ năng lãnh đạo từ phía sau hậu trường, cũng như luôn khiêm nhường và không tự phụ.

Bên cạnh đó, bà thường mất nhiều thời gian hơn những người khác khi đưa ra một quyết định. Sự cẩn trọng này giúp bà có thời gian lắng nghe dư luận và sẵn sàng thay đổi, cũng như khiến phe đối lập ít có cơ hội tấn công.

Bà Merkel là một người giải quyết khủng hoảng tuyệt vời. Bà cũng luôn tính đến lợi ích của tất cả các bên trong đàm phán để tìm ra phương án thỏa hiệp. Tuy vậy, điều này cũng có những mặt trái, ảnh hưởng đến tương lai của nước Đức và châu Âu.

Ví dụ tiêu biểu là chính sách môi trường của Đức. Trong thời gian dài, chính phủ của bà Merkel tìm cách bảo vệ các hãng sản xuất ôtô bằng cách trì hoãn ban hành quy định giảm thiểu khí thải mạnh mẽ hơn.

Chính sách này khiến các công ty ôtô mất đi động lực sáng tạo và đang tụt hậu so với Mỹ hay Trung Quốc. Trong khi đó, Đức có thể không đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2045.

Di san cua ba Merkel anh 5
Bà Merkel tham quan một sản phẩm xe điện của hãng Volkswagen.

Ở quy mô châu Âu, bà Merkel cũng lựa chọn thỏa hiệp với Hungary hay Ba Lan khi các nước này vi phạm các quy tắc và giá trị chung của châu Âu. Những người chỉ trích cho rằng quyết định của bà có thể gây chia rẽ và làm suy yếu EU trong dài hạn.

Bà Merkel tự nhận bản thân là nô bộc của đất nước. Tuy vậy, ở chiều người lại, bà yêu cầu người dân hoàn toàn tin tưởng mình.

Trong cuộc khủng hoảng người nhập cư, bà khẳng định: “Chúng ta có thể đối phó”. Đối với nhiều người, câu nói này thể hiện sự lạc quan. Tuy vậy, đối thủ của bà cho rằng đây như một “sắc lệnh” nhằm chấm dứt tranh luận và khóa miệng phe đối lập.

Đại dịch Covid-19 khiến nước Đức nhận ra nhu cầu về đổi mới sáng tạo, số hóa, cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng và chuỗi cung ứng. Trận lụt tháng 7 vừa qua tại bang Nordrhein-Westfalen cũng cho thấy quốc gia này hoàn toàn có thể bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, tình hình châu Âu thế giới đã có những thay đổi lớn. Chủ nghĩa dân túy đã trở thành một thế lực đáng kể, trong khi nhiều đảng phái truyền thống suy thoái. Nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin quyết tâm tìm lại ảnh hưởng, trong khi Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế số 2 thế giới và là bạn hàng lớn nhất của nhiều nước châu Âu, trong đó có Đức.

Có lẽ đã đến lúc nước Đức cần một nhà lãnh đạo mới. Người kế nhiệm bà Merkel sẽ phải giải quyết những vấn đề kể trên, cũng như đối phó với môi trường quốc tế đầy biến động. Tuy nhiên, do nền chính trị Đức không phân cực như chính trị Mỹ, hướng đi chung của nước Đức ít khả năng có sự thay đổi lớn.

Đối với EU, di sản của bà Merkel sẽ gắn liền với sự ổn định trước các cuộc khủng hoảng lớn, cũng như khả năng cân bằng lợi ích và điều khiển các cuộc đàm phán nội khối. Sự ra đi của bà sẽ để lại một khoảng trống cho nền chính trị châu Âu.

“Không ai có thể thay thế Angela Merkel, ít nhất là trong tương lai gần”, bà Jana Puglierin nhận định.

(Theo NYTimes, Economist)

Đọc nhiều