‘Hội chứng’ đội vốn khủng: Cha chung không ai khóc?

21/09/2019 07:39

Thẩm quyền với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn vay ODA đều được quy định rõ, nhưng một thực tế là chưa cá nhân hay cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý khi dự án chậm tiến độ, đội vốn.

Tuyến metro số 1 ở TP.HCM tăng vốn lên đến 87% /// Độc Lập
Tuyến metro số 1 ở TP.HCM tăng vốn lên đến 87%

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa tháng 8, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng trách nhiệm tình trạng đội vốn các dự án ODA trước hết của chủ đầu tư, sau đó mới là các bộ ngành có liên quan trong quá trình xem xét, phê duyệt, triển khai dự án.

Với các dự án metro, chủ đầu tư là Bộ GTVT, UBND TP.Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, với các dự án vắt qua tới vài nhiệm kỳ, ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính khi hàng loạt bất cập chậm được xử lý khiến dự án lê thê, đội vốn?

Theo TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Viện Nghiên cứu GTVT Việt Đức, trách nhiệm cho sai lầm, đội vốn của mỗi dự án vẫn phải quy về người đứng đầu. Phân tích ví dụ cụ thể tuyến metro số 1, ông Tuấn nói: Ban quản lý dự án nói việc lập kế hoạch ban đầu được thực hiện bởi các tư vấn trong nước thiếu kinh nghiệm nên nhiều chi tiết kỹ thuật, trượt giá tính toán không chính xác. Vậy ai đứng ra thuê đội ngũ tư vấn thiếu kinh nghiệm kia, người đó phải chịu trách nhiệm? “Anh được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ trì, tổ chức, thuê tư vấn, chọn nhà thầu để thực hiện dự án. Anh thuê tư vấn không tốt thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về anh, không thể đổ cho tư vấn được.

Trừ khi trong hợp đồng có ràng buộc rõ ràng là nếu tư vấn không tốt thì tư vấn phải chịu trách nhiệm. Với bất kể sai lầm nào, người đứng đầu thực hiện dự án cũng phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Người nào ký duyệt thì người đó phải bị cách chức trước, sau đó mới lần theo nguyên nhân để truy xuống từng ban, ngành, bộ phận trực tiếp phía dưới”, ông Tuấn nêu ý kiến.

Ông Tuấn nhìn nhận tình trạng các dự án “đua nhau” đội vốn, chậm trễ như hiện nay là biểu hiện bên ngoài của các trục trặc về hệ thống quản lý. Cụ thể, ở các quốc gia phát triển, việc phân định chức năng, nhiệm vụ của các cấp, nếu có sai sót xảy ra, rất dễ để chỉ ra người chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, dân trí, độ văn minh và lòng tự trọng cao nên trước mỗi sai lầm, người đứng đầu thường sẽ chịu trách nhiệm bằng cách chủ động từ chức. Nếu không cũng sẽ bị sức ép từ phía nghị sĩ, nghị viện và nhân dân mà buộc phải từ chức. Trường hợp cố tình sai phạm để trục lợi, tham nhũng thì sẽ bị xử lý hình sự theo đúng quy định pháp luật.

Trong khi ở VN, một dự án phụ thuộc vào rất nhiều cấp, ban, ngành. Điều này không chỉ khiến dự án phải kéo dài thời gian thực hiện do chạy lòng vòng qua nhiều cấp, chồng chéo trách nhiệm mà còn vô tình là nguyên nhân dẫn đến tình trạng báo giá thấp để dễ được thông qua trước, rồi nâng vốn sau theo kiểu “sự đã rồi”. Nhiệm vụ rải đều cho nhiều tập thể nên cũng chẳng có người đứng đầu nào chịu đứng ra nhận trách nhiệm. “Đơn cử như tuyến metro số 1 ở TP.HCM, do Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị thực hiện nhưng mọi thủ tục đều phải phụ thuộc thời gian góp ý của các sở, thời gian thẩm định của các bộ, rồi cả thời gian thông qua của Quốc hội. Nếu bây giờ dự án tiếp tục đội vốn do thời gian thi công kéo dài thì biết quy trách nhiệm cho ai?”, ông Tuấn đặt vấn đề.

TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cũng cho rằng nguyên nhân dẫn đến các dự án giao thông đội vốn, chậm tiến độ, trước tiên là do các ban quản lý dự án không làm tròn nhiệm vụ. “Cần phải thay đổi cơ cấu quản lý dự án đảm bảo việc quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tổ chức thực hiện dự án chậm, đội vốn. Những cá nhân, tổ chức không hoàn thành nhiệm vụ phải kỷ luật”, ông Đức nhìn nhận.

HÀ MAI

Đọc nhiều