8
category
637993

Hội chứng đám đông sau câu chuyện “Thích Minh Tuệ” và những nguy cơ tiềm ẩn

Hạnh Văn 21/05/2024 08:02

Bản thân ông Lê Anh Tú cũng không tự xưng là sư, thầy mà chỉ là một công dân bình thường tự tu theo pháp lý hạnh đầu đà, tập học theo giáo lý của đức Phật, đi khất thực để rèn luyện, đạo đức, sức khỏe. Chung quy có thể gọi ông là hành giả, bởi ông không thuộc giáo hội, nhưng dù là gì, hành trình của ông lại đang bị một số người lợi dụng để trục lợi.

Sư Thích Minh Tuệ” tên thật là Lê Anh Tú.

Hành giả Thích Minh Tuệ tên thật Lê Anh Tú, 43 tuổi, quê gốc ở tỉnh Hà Tĩnh, thường trú tại huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai). Ông từng là nhân viên đo đạc địa chính và có thời gian tham gia quân ngũ. Ông là một công dân bình thường và chỉ đang “tự tu” theo cách thức hạnh đầu đà (khổ hạnh). Rất nhiều nhà tu hành cũng đang thực hành theo pháp tu này. Hạnh đầu đà là một trong những phương pháp tu khổ hạnh có từ thời đức Phật, trong đó, tiêu biểu nhất là Tôn giả Ma Ha Ca Diếp – vị “Thánh Tăng đệ nhất đầu đà”. Pháp tu này được quy định cụ thể với 13 điều sau đây

Vị tu hành này được cho là đã thực hành hạnh đầu đà được 6 năm và 4 lần đi bộ từ Nam ra Bắc rồi quay lại. Ba lần trước, không ai biết và bàn tán về những chuyến đi bộ mà ông thực hiện. Nhưng đến lần thứ 4 này, hành giả Minh Tuệ trở thành nạn nhân của mạng xã hội khi đi đến đâu, các YouTuber, Facebooker, TikToker và dân chúng cũng ồ ạt kéo theo đến đó. Khi xem những thước phim quay cảnh các đám đông này, nhiều người không khỏi lo lắng cho các hoạt động tưởng chừng như thuộc về những điều rất cá nhân của ông.

Ông Tuệ (hàng đầu giữa) trong hành trình đi bộ từ Nam ra Bắc luôn thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người.

Độc hành với đôi chân trần, với tấm y chắp nối từ vải vụn nhặt được, cái lõi nồi cơm điện thay cho bình bát khất thực, không nhận cúng dường bất cứ thứ gì ngoài phần thức ăn cho bữa duy nhất trong ngày, hành giả Minh Tuệ sống đời không nhà cửa, để rèn luyện việc bỏ đi “cái ngã” – tức là cái tôi của bản thân và những lòng ham về lối sống vật chất.

Tuy nhiên điều gây tranh cãi nhất không phải là cách mà người đàn ông này tu hành mà là hình ảnh của đám đông ồn ào, hiếu kỳ đi theo ông trên mỗi bước đường mà ông khất thực.

Tuy nhiên, bên cạnh sự quan tâm đó là những động thái gieo rắc mâu thuẫn, tranh cãi từ những thế lực thù địch, nhắm vào chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước.

Mục tiêu chính của những thế lực này là chia rẽ và tạo mâu thuẫn giữa các tôn giáo với Đảng và Nhà nước. Họ tuyên bố rằng tôn giáo và chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam không thể cùng tồn tại, thúc đẩy ý nghĩa tuyệt đối của quyền tự do tín ngưỡng-tôn giáo mà không chịu bất kỳ hạn chế nào, đồng thời tạo ra những thông điệp sai lệch về việc Đảng và Nhà nước “phân biệt đối xử, đàn áp tôn giáo”.

Trong vụ việc liên quan đến Thích Minh Tuệ, khi một nhóm người quây quần bên “sư thầy đi bộ”, gây ra sự rối loạn và cơ quan chức năng phải can thiệp để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, những thế lực này đã lợi dụng để tố cáo “Công an can thiệp vào việc hành đạo của nhà sư”.

Ngoài ra, họ cũng nỗ lực tạo ra mâu thuẫn giữa các tôn giáo và trong cộng đồng tín đồ, nhằm làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên mạng xã hội, những luận điệu gây mâu thuẫn giữa Phật giáo và Công giáo đã xuất hiện, thậm chí còn so sánh không công bằng giữa hành động của “nhà sư đi bộ” với việc tu hành tại các chùa.

Mục tiêu cuối cùng của những thế lực này là cổ vũ, “anh hùng hóa” những hiện tượng mạng xã hội mà phản đối giá trị truyền thống.

Trong vụ việc Thích Minh Tuệ, bên cạnh sự nổi lên của mạng xã hội, các thế lực này đã cố gắng tạo ra hình ảnh “Đức Phật” trong lòng người dân và rêu rao rằng sự hiện diện của ông này là cần thiết.

Việt Nam có một sự đa dạng tôn giáo đáng kinh ngạc, là một trong 12 quốc gia trên thế giới và 6 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có mức độ đa dạng tôn giáo cao. Theo khảo sát của Viện Diễn đàn Pew, Việt Nam có 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm 27% dân số.

Điều này cho thấy tôn giáo không chỉ là một phần của văn hóa mà còn là một phần quan trọng của xã hội Việt Nam. Chính phủ đã công nhận và tôn trọng tự do tôn giáo, đồng thời đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật cho tất cả các tín đồ tôn giáo và người dân. Từ 2003 đến nay, số lượng các tôn giáo công nhận và tín đồ tôn giáo tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể, cho thấy cam kết của Nhà nước trong việc bảo vệ và tôn trọng sự đa dạng tôn giáo.

Chính sách tôn giáo của Việt Nam không phải là “tự do lợi dụng tôn giáo”, mà là cam kết đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và bảo vệ sự đa dạng tôn giáo trong xã hội. Điều này là một trong những giá trị quý báu của đất nước và của nhân loại.

Dù phần lớn người tham gia quây quần xung quanh ông Minh Tuệ với tinh thần tôn kính và yêu mến, thì không thể phủ nhận rằng đám đông tự phát thường dẫn đến những vấn đề ồn ào, hỗn loạn và có nguy cơ xung đột.

Trên mạng xã hội, những cuộc tranh luận, chia rẽ không ít lần bùng nổ trong đám đông người quan tâm đến vụ việc này. Trong đó có cả những người hiếu kỳ, những người muốn tham gia vào hành trình tu tập, cũng như những kẻ có mục đích khác nhau như tìm cách “bóc phốt” hay đơn giản chỉ muốn thu hút sự chú ý với mục đích cá nhân.

Khi trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội, hành trình của ông Minh Tuệ đã thu hút hàng nghìn người muốn theo đuổi, bày tỏ sự tôn sùng, hoặc chỉ đơn giản là để trở thành nội dung câu like, câu view. Tuy nhiên, những lời khen ngợi thường chỉ là sự lợi dụng, thậm chí là sự lạm dụng đối với ông và những người tương tự như ông. Có những “nhà sản xuất nội dung” trên mạng xã hội đã tận dụng vị tu hành này để tạo ra nội dung gây sốt mà không quan tâm đến ý nghĩa thực sự của hành trình tu tập.

Nhìn vào các video livestream được đăng tải, nhiều người đã thấy cảnh ông Minh Tuệ bị quây quần, gắn bó với những chiếc điện thoại và muốn đi cũng không thể bởi sự đông đúc của người xung quanh. Hành động này không chỉ là sự xâm phạm vào sự riêng tư của ông, mà còn làm mất đi sự trang nghiêm cần thiết của một người tu tập.

Hơn nữa, cảnh tượng đám đông ồn ào không chỉ gây phiền toái cho ông Minh Tuệ mà còn có thể gây ra nguy cơ mất an toàn giao thông và mâu thuẫn trong chốn đông người. Việc này không chỉ là vi phạm giáo lý của nhà Phật mà còn là hành động đáng lên án từ quan điểm xã hội.

Trước tình hình này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ đã phát đi thông điệp khuyến cáo người dân tuân thủ pháp luật và không để bị lợi dụng bởi các cá nhân hay tổ chức có mục đích cá nhân. Việc này là cần thiết để ngăn chặn các thông điệp chia rẽ và ảnh hưởng xấu đến sự đoàn kết và đóng góp của tín đồ tôn giáo.

Nhìn lại, việc giữ gìn sự trang nghiêm và ý nghĩa thực sự của hành trình tu tập là điều cần thiết. Chúng ta cần nhớ rằng, tôn giáo không chỉ là để tạo ra những hiện tượng “hot” trên mạng xã hội, mà là để dẫn dắt con người tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và hòa nhập vào xã hội một cách có ý thức và trách nhiệm.

Hạnh Văn

Đọc nhiều