8
category
572539

Học sinh lớp 9, 12 ở TP.HCM thí điểm học trực tiếp tại trường

09/12/2021 09:27

Ngày 8-12, UBND TP.HCM có văn bản chỉ đạo thí điểm tổ chức học tập trực tiếp cho khối lớp 9 và lớp 12.

Tập huấn giáo viên, nhân viên Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM) xử lý các tình huống khi có trường hợp nghi nhiễm COVID-19 tại trường – Ảnh: NHƯ HÙNG

Thời điểm này các trường THCS, THPT ở TP.HCM đang xây dựng kế hoạch dạy học chuẩn bị cho việc mở cửa trường từ ngày 13-12.

Khó khăn khi tách lớp

Một giáo viên môn giáo dục công dân ở một trường THCS bộc bạch: “Các lớp khi đi học lại đều tách ra làm đôi để đảm bảo giãn cách và giáo viên chúng tôi phải chạy qua chạy lại hai phòng học trong 1 tiết dạy. Với môn giáo dục công dân thì dạy như vậy sẽ không hiệu quả. Trong 1 tiết với 45 phút, giáo viên chúng tôi đã soạn giáo án theo các trình tự, lớp lang. Nay phải dạy ở hai phòng khác nhau thì bài giảng cũng sẽ bị ngắt đi một nửa, mạch cảm xúc sẽ không còn. Mà môn giáo dục công dân không phải môn học thuật mà là môn “dạy làm người”. Nếu không tác động được vào nhận thức của học sinh thì rất khó giáo dục, thuyết phục các em phải sống tốt, sống đẹp, sống có ích”.

Không những thế, ngay cả việc tách lớp làm đôi cũng đang gây áp lực cho giáo viên. “Một lớp tách ra làm hai phòng nhưng vẫn chỉ có một giáo viên đứng lớp. Điều này gây khó cho chúng tôi trong việc đảm bảo hiệu quả giảng dạy” – cô Th.H., giáo viên môn văn lớp 12 ở TP Thủ Đức, cho biết.

Còn cô H., giáo viên môn âm nhạc lớp 9 ở một quận vùng ven, cho biết: “Đặc thù của môn âm nhạc là môn học năng khiếu. Khi dạy trực tuyến, tôi có điều kiện đưa nhiều clip cho học sinh xem, cho học sinh tập luyện nhiều hơn… Vì vậy, khi hỏi ý kiến thì đa số học sinh đều trả lời là muốn tiếp tục học trực tuyến…”.

Hiệu trưởng quyết định

Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM, thời khóa biểu dạy học trực tiếp của các trường THCS, THPT từ 12 – 30 tiết/tuần tùy theo cấp độ dịch. “Việc tách lớp sẽ gây khó khăn cho giáo viên, nếu một giáo viên phải chạy qua chạy lại hai phòng học trong một tiết dạy. Còn nếu tách lớp mà bố trí một giáo viên dạy ở một phòng thì trường không đủ nhân lực cũng như kinh phí để trả tiền phụ trội cho giáo viên. Do đó, sở không yêu cầu tất cả các trường phải tách lớp. Điều quan trọng là việc bố trí, sắp xếp học sinh học trực tiếp hiệu quả và an toàn trong phòng chống dịch” – ông Hồ Tấn Minh, chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định.

Cũng theo ông Minh, Sở GD-ĐT TP.HCM không yêu cầu các trường phải dạy trực tiếp tất cả các môn khi mở cửa trường. Tùy từng hoàn cảnh cụ thể của từng đơn vị, hiệu trưởng quyết định thời lượng học trực tiếp của các môn học sao cho hiệu quả và an toàn.

Khi học sinh đi học lại, các trường vẫn tiếp tục xây dựng học liệu số (bao gồm phần giao bài, phần hướng dẫn học sinh tự học, tự tìm và đọc tài liệu, clip giảng bài của giáo viên…) nhằm hỗ trợ học tập cho những học sinh chưa thể đến trường học trực tiếp hoặc những học sinh đã đi học nhưng tiếp thu bài trên lớp chưa đạt được yêu cầu như mong muốn.

“Trong việc tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, thực hành, thí nghiệm…, sở đã hướng dẫn giáo viên xây dựng các tổ học sinh tự quản vừa để thực hiện các nhiệm vụ học tập vừa có thể giúp đỡ lẫn nhau để cùng thực hiện tốt các biện pháp an toàn trong phòng chống dịch” – ông Minh nói.

Khai Tâm

Đọc nhiều