‘Học phí thấp không thể đào tạo bác sĩ chất lượng cao’
Đại diện một số trường đào tạo khối ngành sức khỏe công lập ở TP.HCM cho rằng với mức học phí hiện nay, rất khó có bác sĩ chất lượng cao.
Mở đầu câu chuyện về mối tương quan giữa học phí và chất lượng đào tạo ngành y dược tại buổi họp hội đồng hiệu trưởng khối ngành sức khỏe ởTP.HCM ngày 25/6, PGS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết thời gian qua, trường công bố đề án tuyển sinh và mức học phí dự kiến thu trong năm học tới.
Mức học phí một số ngành tăng mạnh như Răng – Hàm – Mặt 70 triệu đồng/năm, Y khoa 68 triệu đồng/năm, khiến dư luận có nhiều phản ứng trái chiều.
Ông Tuấn cho rằng đây không phải mức học phí “khủng”, “sốc”, vì thực tế trường vẫn chưa tính đúng, đủ mức phí đào tạo.
“Trường tư sẵn sàng trả lương gấp 10 lần để lôi kéo giảng viên giỏi”
Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM lý giải mức học phí tăng, cả sinh viên, hệ thống giáo dục và xã hội đều hưởng lợi. Người học sẽ có những trải nghiệm xứng đáng mà mình mong muốn.
“Đối với hệ thống giáo dục nói chung, nếu nói mức học phí của ĐH Y Dược TP.HCM cao và đề nghị trường giảm xuống, có lẽ sẽ không còn nhiều trường dám xác định mức học phí bằng hoặc cao hơn mức của ĐH Y Dược TP.HCM. Đa số trường sẽ xác định mức thấp hơn. Như vậy, hệ thống giáo dục khó phát triển”, PGS Trần Diệp Tuấn nêu ý kiến.
Ngoài ra, ông cho rằng xã hội và nền kinh tế quốc dân đòi hỏi các trường đại học cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhưng với mức học phí quá thấp, các trường không thể đào tạo được nhân lực bậc cao, có năng lực cạnh tranh trong khu vực và hội nhập quốc tế.
Điều này đồng nghĩa việc các trường tăng học phí, đào tạo nhân lực chất lượng cao sẽ có lợi cho nền kinh tế quốc dân.
“Nhiều người lo ngại học phí cao, học sinh giỏi nhưng nhà nghèo sẽ khó theo học được. Trường đã dành hơn 15 tỷ để cấp 800 suất học bổng, trong số hơn 2.100 chỉ tiêu sẽ tuyển trong năm tới với các mức tương ứng từ 25-100% học phí”, ông Tuấn cho biết.
PGS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, đồng tình và chia sẻ sự trăn trở của ông Tuấn về việc phải nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nhà trường, giữ chân người tài, trong khi học phí lại thu rất thấp.
“Đào tạo khối ngành sức khỏe phải tốn chi phí gấp 3-4 lần những ngành khác. Nhưng dự kiến năm tới, trường tôi cũng chỉ dám thu 32 triệu đồng/năm. Nếu vẫn cứ tái diễn tình trạng này, rất khó đào tào bác sĩ chất lượng cao. Các trường công cũng khó giữ chân giảng viên. Trong khi đó, các trường tư sẵn sàng trả mức lương gấp 10 lần để lôi kéo giảng viên giỏi. Giảng viên đã nói thẳng với tình hình này, họ sẽ đi”, ông Xuân cho hay.
Nếu không giữ chân được giảng viên giỏi hoặc những giảng viên có học hàm, học vị, trường sẽ đối diện nguy cơ mất mã ngành đào tạo. Việc mở một ngành đào tạo đã có quy định phải có bao nhiêu giảng viên là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ.
Hiệu trưởng đại học năn nỉ bệnh viện
Liên quan câu chuyện học phí, PGS Ngô Minh Xuân cho biết ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đang liên kết với hơn 60 bệnh viện, là nơi đào tạo thực hành, thực tập cho sinh viên.
Mỗi khóa sinh viên sang thực tập, thực hành, trường đều phải nộp cho bệnh viện khoản phí thực tập tương ứng số sinh viên. Phí thực tập là chi phí để bệnh viện cho người hướng dẫn, mua đồ dùng, thiết bị cho sinh viên dùng trong quá trình thực tập.
Nhưng thực tế, lâu nay, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hay ĐH Y Dược TP.HCM chỉ chuyển cho bệnh viện một khoản phí rất thấp, chỉ mang tính chất tượng trưng.
“Ở TP.HCM, phần lớn bệnh viện đã thực hiện tự chủ, kinh phí cho sinh viên thực hành cũng phải tăng. Có bệnh viện yêu cầu trường đóng phí mới gấp mấy chục lần mức hiện nay, vì mức phí hiện nay không đủ để bệnh viện mua xà phòng rửa tay cho sinh viên. Nhưng tiền đâu mà chúng tôi đóng? Tôi là hiệu trưởng, phải đi năn nỉ các bệnh việc giữ mức phí thực tập như trước hoặc tăng từ từ, có lộ trình để trường tôi có thời gian chuẩn bị”, ông Ngô Minh Xuân cho biết.
Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ hiện nay, trường ông phải thuyết phục các bệnh viện rằng đào tạo sinh viên ngành y cũng chính là nguồn nhân lực cho các bệnh viện sau này. Do đó, trường và bệnh viện cùng chia sẻ chi phí thực tập sinh viên.
“Khi trường chuyển tiền cho sinh viên thực tập, họ nói tiền đó còn không đủ cho sinh viên rửa tay xà phòng, chưa nói làm những việc khác”, PGS Trần Diệp Tuấn nói.
Minh Nhật/ZN