Học giả Indonesia: “trò chơi” yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông

16/06/2020 14:08

Trung Quốc muốn lợi dụng dịch Covid-19 để tăng cường sự ảnh hưởng trên Biển Đông là nhận định của học giả Indonesia.

Trung Quốc muốn lợi dụng dịch Covid-19 để tăng cường sự ảnh hưởng trên Biển Đông, đặc biệt là khi các thương lượng về vấn đề này đang bị chậm lại, chẳng hạn như COC, để tới khi các thương lượng này quay trở lại thì Trung Quốc đã nắm trong tay nhiều “thẻ bài” trong trò chơi để đổi lấy mọi yêu sách. Đó là nhận định của ông Gilang Kembara, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Indonesia khi trả lời phỏng vấn phóng viên đài TNVN.

hoc gia indonesia: "tro choi" yeu sach cua trung quoc tren bien dong hinh 1
Ông Gilang Kembara, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Indonesia 

PV: Xin ông hãy đánh giá về những hành động khiêu khích gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, như lập hai quận mới, đặt tên các thực thể, điều tàu cá hay đặt cáp ngầm trên vùng Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang phải đối phó với đại dịch Covid-19?

Chuyên gia nghiên cứu Gilang Kembara: Chúng ta hãy cùng điểm lại những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Từ đầu năm 2020, khi hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN đều phải giải quyết cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, thì Trung Quốc, quốc gia đầu tiên trải qua dịch bệnh này đã kiểm soát được chuỗi lây lan dịch vào đầu tháng 3, cảm thấy cần phải khẳng định chủ quyền trên Biển Đông bằng nhiều cách. Chẳng hạn như Chiến dịch biển xanh năm 2020, cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, lập hai quận và đặt tên cho 80 thực thể trên Biển Đông, đồng thời điều rất nhiều tàu đến khu vực biển này.

Tôi cho rằng, Trung Quốc đã cố gắng tăng cường sức ảnh hưởng của mình nhất là khi các thương lượng, đàm phán về Biển Đông đang bị chững lại, chẳng hạn như Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Cân nhắc tình hình đó, đến lúc các thương lượng quay trở lại bình thường thì Trung Quốc đã nắm trong tay rất nhiều “Thẻ bài” trong trò chơi chủ quyền của mình để đổi lấy tất cả các yêu sách. Gần đây, Trung Quốc cho lắp đặt cáp ngầm trên Biển Đông. Tôi không biết lí do tại sao Trung Quốc đặt cáp ngầm, tuy nhiên, nếu như việc này chỉ phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc thì cũng vi phạm luật pháp quốc tế như việc xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Bất kì hành động “xây dựng trái phép đơn phương nào” trên Biển Đông cũng sẽ không được chấp nhận.

PV: Trung Quốc đã đưa ra yêu sách về “đường chín đoạn” để tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông. Ông đánh giá như thế nào về yêu sách này của Trung Quốc?

Chuyên gia nghiên cứu Gilang Kembara: “Đường chín đoạn” một cách thẳng thắn đã vi phạm luật pháp quốc tế hiện hành, đặc biệt là các điều luật trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Đầu tiên chúng ta phải hỏi, dựa trên tài liệu nào mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền với 80% khu vực Biển Đông? Trung Quốc ngụy biện rằng họ sở hữu bản đồ của thời nhà Minh hay nhà Thanh để lại. Với quan điểm như vậy, thì tất cả các quốc gia khác cũng có thể tuyên bố chủ quyền với bất cứ vùng đất nào trên thế giới chỉ với một bản đồ cổ mà họ tìm được từ thời tiền thuộc địa.

PV: Đây có phải lí do Indonesia gửi công hàm lên Liên hợp quốc ngày 26/5 và cho rằng Trung Quốc đã vi phạm luật pháp và không tuân theo phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 khi đưa ra “đường chín đoạn” không thưa ông?

Chuyên gia nghiên cứu Gilang Kembara: Indonesia là quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và hành động theo pháp luật. Do vậy, mặc dù Indonesia duy trì các mối quan hệ tốt với các quốc gia có chủ quyền trên thế giới, song Indonesia cũng có trách nhiệm nhắc nhở các quốc gia thực hiện đúng luật pháp quốc tế. Thông qua công hàm gửi Liên hợp quốc, Indonesia muốn nhắc nhở Trung Quốc rằng hành động của nước này đã trái ngược với luật pháp quốc tế, nhất là những gì đã được thông qua bởi Tòa phán quyết năm 2016 về xung đột giữa Philippines và Trung Quốc. Cần phải ghi nhớ rằng, Indonesia không có xung đột biên giới với Trung Quốc. Do đó, một cách trực tiếp, Indonesia muốn tuyên bố với thế giới rằng Indonesia không công nhận “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Kể cả khi Trung Quốc cho rằng họ có quyền thương lượng về chủ quyền của họ ở khu vực đặc quyền kinh tế của Indonesia thì đó cũng chỉ là tuyên bố xuông vì Trung Quốc là quốc gia không có biên giới trực tiếp với Indonesia. Do đó, những căn cứ mà Trung Quốc đưa ra trong công hàm phản đối lên Liên hợp quốc ngày 2/6 là không có cơ sở pháp lí.

PV: Là quốc gia lớn trong khu vực ASEAN, Indonesia nói riêng và các quốc gia ASEAN nói chung cần phải làm gì để giữ an ninh hàng hải khu vực Biển Đông thưa ông?

Chuyên gia nghiên cứu Gilang Kembara: Indonesia nhìn nhận Biển Đông như là mạch vận chuyển rất quan trọng, không chỉ đối với Indonesia, mà còn đối với thế giới. Khu vực Biển Đông quá rộng lớn để kiểm soát bởi chỉ một quốc gia. Chính xác là bằng cách duy trì đối thoại và xây dựng hợp tác thiết thực giữa các quốc gia liên quan, chúng ta có thể duy trì hòa bình ở khu vực Biển Đông. Indonesia sẽ không bao giờ kích hoạt những hành động khiêu khích hay xung đột với các nước láng giềng. Là trục hàng hải của thế giới, Indonesia nhận ra rằng vị trí của mình có thể bị tổn hại rất lớn xảy ra xung đột mở giữa Trung Quốc và các nước có yêu sách, hoặc với các nước lớn khác. Do vậy, Indonesia luôn cố gắng để giữ gìn hòa bình trong khu vực, vì lợi ích của Indonesia nói riêng, các quốc gia khu vực ASEAN và thế giới nói chung.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Hương Trà/VOV

Đọc nhiều