Học gì ra làm nhân viên Địa ốc Alibaba?
“Cẩm nang Sale bất động sản” do CEO Nguyễn Thái Luyện chắp bút có đoạn: “Anh chị thường nghe câu nói: Một người làm quan cả họ được nhờ. Sắp tới đây, anh chị sẽ nghe câu nói tương tự: Một người làm Địa ốc Alibaba, cả họ được nhờ”. Đâu ai ngờ, một người làm Địa ốc Alibaba, cả họ chưa được nhờ bỗng nhiên thành con nợ.
Nguyễn Thái Luyện là ai? Từng là một sinh viên trường đại học Mở TP.HCM, Luyện ra đời sống bằng nghề môi giới đất nền vùng ven TP vào đúng thời điểm bất động sản trở thành “cơn sốt” giai đoạn 2008 – 2009, thậm chí nhiều người đổi đời nhờ đất.
Khi 25 tuổi, nhân viên môi giới này ra làm riêng, khởi nghiệp với số vốn 100 triệu đồng và trụ sở được đặt ngay tại nhà trọ tại quận Bình Thạnh.
9 năm sau, Nguyễn Thái Luyện cùng em trai mình là Nguyễn Thái Lĩnh trở thành nhân vật nổi nhất toàn cõi mạng khi bị khởi tố, tạm giam vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 6.500 người, chiếm đoạt số tiền gần 2.500 tỷ – gần đủ tiền để thành lập một ngân hàng tại Việt Nam.
Trong số 2.500 nhân viên Địa ốc Alibaba mà vị CEO tài ba “hơn cả Thành Cát Tư Hãn, giỏi hơn cả Gia Cát Lượng” thường khoe, họ là những ai? Học gì để ra làm nhân viên Địa ốc Alibaba?
Họ là sinh viên mới ra trường không kiếm được việc làm đúng ngành như Nguyễn Thái Luyện cách đây chục năm. Họ có thể là một bà nội trợ chán ngán công việc bếp núc hay một ông xe ôm ngày ngày đón khách ở những dải đất vùng ven TP.HCM nhìn người khác kiềm tiền dễ như bỡn mà không tới lượt mình.
Họ cũng có thể là một khách hàng trót bị Địa ốc Alibaba lừa tiền rồi nghĩ cách tương tự để đi lừa người khác…
Thậm chí, họ có thể chẳng là ai cả. Con số 2.500 nhân viên mà Nguyễn Thái Luyện tự “vẽ” ra cũng giống như cách vị CEO tự “vẽ” các dự án để bán cho khách hàng.
Dù là ai đi chăng nữa, họ đều có một điểm chung, đó là lòng tham!
Làm nghề gì không yêu cầu bằng cấp, kinh nghiệm và chốt deal một phát ăn ngay vài chục triệu? Nghề gì vài tháng lại thăng chức một lần, nhận thưởng cả ô tô để vinh danh? Nghề gì mà chỉ cần lập “danh sách ân nhân” rồi gọi điện tỉ tê đã huy động được vài trăm triệu đến tiền tỷ của người thân để “đầu tư” bất động sản?
Nghề gì dám cam đoan chắc chắn có lời, mà lời tới 30-35% mỗi năm – cao gấp 5 lần lãi suất tiền gửi ngân hàng?
Đó chỉ có thể là nghề lừa đảo.
Nhiều người cảm thấy khó hiểu vì sự đồng lòng đoàn kết của nhân viên Địa ốc Alibaba mỗi khi có biến cố xảy ra với công ty. Sai phạm của Địa ốc Alibaba đã bị báo chí phản ánh từ năm 2017, cơ quan chức năng lên tiếng cảnh báo và chính quyền địa phương cũng cắm những tấm biển đỏ rực ngay chân “dự án” nhưng tất cả như “đàn gảy tai trâu”.
Người ta đặt câu hỏi lý gì mà nhân viên và an ninh của Alibaba sẵn sàng đập phá phương tiện của chính quyền trong buổi cưỡng chế khu dự án “ma” tại xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hồi giữa tháng 6.
Vì sao khi Chủ tịch Nguyễn Thái Luyện và Giám đốc Nguyễn Thái Lĩnh bị bắt tạm giam trước con mắt chứng kiến của cả trăm nhân viên, họ vẫn tự tin livestream thanh minh và tiếp tục kêu gọi khách hàng giữ bình tĩnh, không quên trấn an “tiền của khách vẫn an toàn”?
Họ không nhận thức được vấn đề chăng?
Theo tôi là họ hoàn toàn biết Địa ốc Alibaba sai ở đâu, sai từ khi nào. Nhưng về bản chất, Nguyễn Thái Luyện đã lôi tất cả bộ sậu và nhân viên Alibaba cùng leo lên một con thuyền đắm. Con thuyền Alibaba mà chìm đồng nghĩa với việc họ không còn gì cả.
Và thực tế chứng minh, khi sự việc không thể vãn hồi, hàng nghìn khách hàng làm đơn kêu cứu, hàng trăm nhân viên vừa mất việc vừa mất tiền mà không biết kêu ai.
Nếu nói Nguyễn Thái Luyện chủ mưu lừa đảo khách hàng thì từng nhân viên đi mồi chài, chèo kéo bạn bè, người thân đặt tiền mua dù biết dự án là dự án “ma” thì họ cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Hoa Liên/Người Đưa Tin