Hoàng Sa – Đóa hoa độc nhất vô nhị trên vương miện Gia Long

17/09/2019 14:16

Sự kiện vua Gia Long tuyên bố chủ quyền và thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa không chỉ được ghi lại trong nhiều sử liệu trong nước như Đại Nam thực lục mà còn được nhiều sử liệu của phương Tây xác nhận. Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) tức Nguyễn Văn Thắng tước Thắng toàn Hầu, trong cuốn hồi ký mang tên Le mémoire sur la Cochinchine cũng ghi nhận điều trên.

Tháng 6 năm 1802, vua Gia Long thống nhất quốc gia, chấm dứt giai đoạn Nam Bắc phân tranh hơn 200 năm, chấm dứt khoảng thời gian nội chiến giữa các thế lực Lê Trịnh – Tây Sơn – Nguyễn. Bản đồ Việt Nam mở rộng nhất trong lịch sử. Hình thế đất nước đã mang hình dáng như ngày nay với bờ biển trải dài từ Hà Tiên đến Quảng Ninh. Đó là địa thể chữ S kéo dài từ biên giới với Trung Quốc chạy dọc đến vịnh Thái Lan.

Ngay sau khi vũ công đại định, vua Gia Long đã thực hiện hàng loạt chính sách quan trọng về quản lý đất đai, như sai lập địa bạ, vẽ bản đồ toàn quốc, tổng kiểm kê dân số/suất đinh… Ngày 1 tháng 7 năm Quý Hợi (1803), vua Gia Long đã sai Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi), mộ dân đinh ngoại tịch lập đội Hoàng Sa hoàng đế Gia Long gần như ngay lập tức đã thể hiện sự sở hữu mang tính nhà nước đối với Hoàng Sa, đồng thời tuyên bố tính lịch sử của quyền sở hữu thông qua việc tái lập và tái vận hành hình thức khai thác vốn đã xác lập từ đầu thế kỷ XVII dưới thời chúa Nguyễn Phước Nguyên, tức là thực thi sở hữu Hoàng Sa bằng một đội “công sai chuyên trách” mang tên quần đảo này.

Một loại chiến thuyền thời Nguyễn (Hình minh họa )
Một loại chiến thuyền thời Nguyễn (Hình minh họa )

Đại Nam khi đó là quốc gia duy nhất trong khu vực có thiết lập một tổ chức nhà nước mang danh hiệu “Hoàng Sa” để thực hiện nhiệm vụ kinh tế và quân sự tại Biển Đông và quần đảo này. Không chỉ có thế, Võ Văn Phú còn tái lập cả đội Đại Mạo cùng với đội Hoàng Sa (xem phần tờ thân Cù Lao Ré năm 1804). Như vậy, năm 1803 triều Nguyễn cho lập lại hai đội trên, như kế thừa một truyền thống đã có từ thời các chúa Nguyễn.

PARACEL seu Cát Vàng, trích “An Nam đại quốc họa đồ”, 1838, Tabert. 84x45 cm. Nguồn: Courtesy Olin Library Map Collection, Cornell University, G8005 1838. T3.
PARACEL seu Cát Vàng, trích “An Nam đại quốc họa đồ”, 1838, Tabert. 84×45 cm. Nguồn: Courtesy Olin Library Map Collection, Cornell University, G8005 1838. T3.

Và trước đó là năm 1801, hai đội Quế Hương Hàm và Phụng Du cũng đã được tái lập. Sở dĩ, đội Hoàng Sa được lập sau vì cách thức tổ chức, tiền tài và nhân sự còn cần phải có sự hỗ trợ, đồng ý của hệ thống chính quyền. Việc tái thiết lập đội Hoàng Sa cho thấy triều Nguyễn ngay từ rất sớm đã có chủ trương không chỉ nhất thống địa giới đất liền mà còn xác nhận sự sở hữu của mình trên các vùng biển và các quần đảo trên Biển Đông, đặc biệt là Hoàng Sa.

Đội Hoàng Sa thời vua Gia Long được xác lập trong hệ thống quản lý của nhà nước với tư cách là một đội công sai nhà nước, có kết hợp giữa nhân dân với các cơ quan hữu quan như hải quan cửa tấn Sa Kỳ. Đội Hoàng Sa thuộc biên ngạch của đội Trường Đà – một đội công sai có từ thời các chúa Nguyễn.

Chào cờ ở Hoàng Sa thời Pháp thuộc
Chào cờ ở Hoàng Sa thời Pháp thuộc

Việc tái lập Hoàng Sa, Bắc Hải, Quế Hương Hàm, Phụng Du cùng cả chục đội công sai khác dọc bờ biển với 510 thuyền và 3.031 người cho thấy đây là một tổ chức quản lý hành chính có hệ thống, có chiến lược dọc ven biển (với bờ biển dài nhất trong lịch sử, cho đến thời điểm đó). Hệ thống thuyền thuộc đội Trường Đà là thuyền công sai của nhà nước chuyên trách vận tải duyên hải.

Ngoài chức năng chính này, mỗi đội lại có những chức năng đặc thù, tùy theo nhu cầu của từng địa phương và chính quyền trực thuộc. Các tên đội thuộc Trường Đà có thể tương ứng với các nhiệm vụ chuyên biệt này. Ví dụ đội Phụng Du là đội dầu phụng, đội Quế Hương Hàm có thể chuyên chở hương liệu, và đội Hoàng Sa có thể kiêm trách việc đi công cán ở Hoàng Sa.

Như ta biết, việc đi Hoàng Sa thường diễn ra từ tháng 2-3 âm lịch đến tháng 7-8; còn lại nửa năm từ tháng 9 năm trước đến tháng 1 năm sau thì các thuyền này lại về bờ và hoạt động dọc duyên hải như các đội khác. Dẫu sao, ở đây, chúng ta thấy rằng các đội Hoàng Sa triều Gia Long là thuộc biên ngạch Trường Đà dưới sự quản lý trực tiếp của Cai cơ Thủ ngự cửa tấn Sa Kỳ.

Thời Gia Long đã liên tục có những thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa cũng như Biển Đông. Nhà vua đã sai đội Hoàng Sa hằng năm đi ra Hoàng Sa để đo đạc, vẽ lại bản đồ của quần đảo này. Trong đất liền, ông sai Bộ Công đo đạc và vẽ lại toàn bộ “thổ vũ cương vực”, các mạch nguồn sông biển “hà hải chi nguyên ủy” và các cửa biển dọc toàn quốc trong sách Hoàng Việt nhất thống chí của Thượng thư Bộ Binh Lê Quang Định. Đại Nam thực lục ghi: “Tháng 2 năm Ất Hợi, niên hiệu Gia Long thứ 14 (1815)… Sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa thăm dò, đo đạc đường biển… Năm Bính Tí niên hiệu Gia Long thứ 15 (1816),… Sai thủy quân cùng đội Hoàng Sa đi thuyền đến Hoàng Sa thăm dò đo đạc thủy trình”. Nhưng quan trọng nhất, hoàng đế Gia Long đã cho kéo cờ trên Hoàng Sa như là một tuyên xưng chủ quyền theo thông lệ quốc tế.

Việt Nam ngay dưới triều Nguyễn đã trở thành nhà nước đầu tiên tuyên bố chủ quyền của mình trên Hoàng Sa theo cái cách mà các nhà hàng hải phương Tây thường biết. Sự tuyên bố của hoàng đế Gia Long đã gây nên một nỗi tiếc nuối khôn nguôi đối với nhiều thế lực thực dân thời bấy giờ. Thông điệp về sở hữu Hoàng Sa đã trở thành thông tin phổ thông đối với thế giới khi đó, nhất là khi công nghệ in ấn (đặc biệt là báo chí và bản đồ/atlas) đã được đưa lên một tầm mức mới.

10 năm sau lá cờ của vua Gia Long phấp phới bay trên Hoàng Sa, bản đồ 106 Partie de la Cochichine trong bộ Atlas Universel de géographie physique, politique, statistique et minéralogique (Atlas thế giới về địa lý tự nhiên, chính trị, thống kê và khoáng sản) do Phillipe Vandermalean (1795-1869) vẽ và xuất bản năm 1827 tại Bruxelles đã vẽ Champella (cù lao Chàm) và phía ngoài khơi là PARACELS (Hoàng Sa) như là một phần lãnh thổ của Việt Nam. Đây là bản đồ thế giới vẽ chính xác nhất về Hoàng Sa cho đến thời điểm đó.

Điều quan trọng hơn nữa là trong tấm bản đồ này có một bảng giới thiệu tóm tắt về địa lý, chính trị, thống kê và khoáng sản của Vương quốc An Nam (Empire dAnnam, xem hình dưới). Tác giả bản đồ thể hiện PARACELS trong nhóm bản đồ về chính quyền Việt Nam đương thời, cho thấy PARACELS đã được công nhận như là một phần lãnh thổ của vương quốc An Nam.

Một sự tuyên bố của nhà nước đã được quốc tế hồi đáp và công nhận trên phạm vi toàn cầu. Bộ Atlas Universel và bản đồ Partie de la Cochichine của Phillipe Vandermaelen là sử liệu vô giá, có giá trị khoa học khách quan, có giá trị pháp lý quốc tế, chứng minh về chủ quyền của các nhà nước Việt Nam đối với Hoàng Sa – Trường Sa.

Một bức hình chân dung hoàng đế Gia Long. Ảnh: Vntinnhanh
Một bức hình chân dung hoàng đế Gia Long. Ảnh: Vntinnhanh

Sự kiện vua Gia Long tuyên bố chủ quyền và thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa không chỉ được ghi lại trong nhiều sử liệu trong nước như Đại Nam thực lục mà còn được nhiều sử liệu của phương Tây xác nhận. Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) tức Nguyễn Văn Thắng tước Thắng toàn Hầu, trong cuốn hồi ký mang tên Le mémoire sur la Cochinchine cũng ghi nhận điều trên.

Trong những dòng đầu tiên mô tả về địa lý, Chaigneau đã mô tả rằng: “Vương quốc An Nam nắm gần trọn khu vực duyên hải của Đông Dương (Indo-Chine), bao gồm xứ Cochinchine, Tonqin, một số đảo gần bờ và quần đảo Hoàng Sa (PARACELS) [và Trường Sa] gồm nhiều đảo nhỏ và đảo đá ngầm không có dân cư”. Jean Louis Tabert (1794-1840) – một bề tôi cũ của nhà Nguyễn, trong cuốn biên khảo Univers et description de tous les peuples leur religions, moeurs et coutumes xuất bản năm 1837 cũng viết: “Pracel hay Paracels là một mê hồn trận của những hòn đảo nhỏ, các đá và các triền cát, có nhẽ được kéo dài cho đến 11 độ vĩ Bắc và [tương đương] khoảng 107 kinh độ từ Paris…

Những người dân xứ Cochin Chinese gọi khu vực đó là Cồn Vàng. Mặc dù rằng quần đảo này chả có chi ngoài đá ngầm và những [vùng nước có] độ nông nguy hiểm nhưng hoàng đế Gia Long nghĩ rằng ông ta đã tăng quyền cai trị trên lãnh thổ của mình bằng sự sáp nhập đáng tiếc đó.

Vào năm 1816, ông ta đã giá lâm với nghi thức trọng thể, đã cắm lá cờ của mình và đã chính thức thực hiện việc chiếm hữu chủ quyền ở các bãi đá này, [Việc cắm cờ] đó [sẽ khiến cho] không bao giờ có một kẻ nào sẽ tìm cách phản đối/tranh cướp ông…”.

Bản đồ “106 Partie de la Cochichine”, Atlas Universel, 1827. Nguồn: Princeton University
Bản đồ “106 Partie de la Cochichine”, Atlas Universel, 1827. Nguồn: Princeton University

Không chỉ có Tabert mà nhiều học giả phương Tây như tiến sĩ Gutzlaff (1849, Hội Địa lý Hoàng gia London), M.A. Dubois de Jancigny cựu phái viên của Pháp ở Đông Dương (1850) đã ghi nhận sự kiện Hoàng Sa năm 1816 và tỏ rõ một thái độ e ngại thực sự khi vua Gia Long chính thức xác lập chủ quyền và tuyên bố chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa. Đây chính là lý do khiến tất cả những đế quốc hàng hải hoạt động mạnh trên vùng Biển Đông đều phải nhận thức rõ ràng về một vùng đất đã có chủ.

Những sử liệu Hán Nôm của Việt Nam cũng như những sử liệu của phương Tây (bằng tiếng Anh, Latin và Pháp) vừa nêu đều chứng minh cho sự chiếm hữu chính thức trên phương diện quốc gia, cũng như những thực thi chủ quyền chính thức của triều Nguyễn thời Hoàng đế Gia Long trong khoảng thời gian từ 1803 đến 1819.

Các đội Hoàng Sa đã được tái lập ngay cuối năm 1803 và đã có thể có nhiều chuyến đi công cán ra Hoàng Sa sau đó. Các sử liệu trên là “đa trùng – thống nhất” của các nguồn tư liệu: nguồn tư liệu Hán Nôm là sử liệu bản địa do nhà nước biên soạn; các nguồn tư liệu báo chí của phương Tây là các sử liệu khách quan của những người “khách”. Bản đồ An Nam đại quốc họa đồ cùng nhiều bản đồ khác của phương Tây, kết hợp với Đại Nam toàn đồ đều có chung một độ tụ sử liệu: đều ghi nhận Hoàng Sa thuộc về sở hữu của nhà nước – do hoàng đế Gia Long xác lập chủ quyền và tuyên bố sở hữu theo thông lệ quốc tế bằng một lá cờ, do thủy quân nhà nước thực hiện và có thể còn có đồn bốt đóng trú ở đó để bảo vệ ngư dân.

Đúng như lời của Dubois de Jancigny – phái viên của Pháp ở Đông Dương đã phát biểu năm 1850: Hoàng Sa như “một đóa hoa độc nhất vô nhị” điểm trên vương miện của hoàng đế Gia Long – người sở hữu một lãnh thổ và lãnh hải rộng nhất trong lịch sử Việt Nam, tính cho đến thời điểm đó.

Trần Trọng Dương/ ANTGCT

Đọc nhiều