439
category
474323

Hoàng đế người Việt thống lĩnh 400.000 liên quân đánh bại phương Bắc

06/02/2021 05:40

Một quốc gia rộng lớn như Trung Hoa thì việc có 40 vạn quân là điều rất bình thường, nhưng ở Đại Việt qua các thời kỳ văn minh nhà Lý, Trần, Lê, Nguyễn chưa khi nào có được quân số lên đến 40 vạn người như lần liên minh của các nước Đông Nam Á vào thế kỷ thứ 8.

Các danh tướng tại nhiều thời kỳ ở Trung Hoa đều từng cầm hàng chục vạn quân, ví như Bạch Khởi từng đánh bại 40 vạn quân nước Triệu trong trận Trường Bình, nhưng với Đại Việt thì con số đó lại không hề nhỏ. Vào thời Trần, khi quân Đại Việt được đánh giá là thiện chiến và đông đảo nhờ chính sách “ngụ binh ư nông” thì theo Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, số lượng quân cấm vệ và các lộ cũng chỉ vào khoảng 10 vạn.

Thế nhưng ngay giữa thời kỳ Bắc thuộc, vào thế kỷ thứ 8, An Nam đã huy động được một đội quân lên đến 40 vạn người đánh bại nhà Đường. 40 vạn quân đó chính là kết quả của sự liên minh quân đội các nước tại Đông Nam Á do chính người An Nam đề xuất và chỉ huy.

Đương nhiên để có được kết quả liên minh này, thì người chỉ huy không chỉ phải có tài đức để thu phục lòng người, mà còn cần đủ uy tín để các nước tin theo. Người ấy là ai?

Địa linh sinh nhân kiệt

Động Cồn Chèn ngày nay thuộc làng Ngọc Trừng, xã Đông Liệt (Nam Đàn, Nghệ An), chạy theo hướng Bắc – Nam có độ cao 30 – 40 mét. Từ nơi đây nhìn về hướng Nam có dãy Đụn Sơn (núi Gấu), Hùng Lĩnh; hướng Đông và Đông Bắc là núi Dẻ và Cồn Sui. Dưới chân Động Cồn Chèn có cánh đồng Bàu Chò Cùng, đồng Cựa Chùa.

Từ Động Cồn Chèn nhìn về phía Tây Bắc có núi Ngũ Mã và núi Phượng Hoàng. Núi Ngũ Mã có 5 ngọn núi nhô cao giống như 5 con ngựa đang phi lên nên các bậc nho sĩ xưa kia gọi là “Ngũ Mã tề phi”, còn núi Phượng Hoàng giống như con chim Phượng Hoàng đang vỗ cánh bay về phía Đông.

Dưới chân núi Ngũ Mã và núi Phượng Hoàng có sông Gang chảy ra sông Lam. Những điều này tạo thành thế “sơn dồn, thủy tụ”.

Có hai vợ chồng là ông Mai Sinh và bà Vương Thị đến sinh sống ở Động Cồn Chèn này. Theo dân gian kể lại thì bà Vương Thị thường vào rừng hái rau, măng, đốn củi rồi đem xuống chợ Sa Nam (Nam Đàn) để bán rồi mua gạo. Bà còn xuống đồng Bàu Chò Cùng, đồng Cựa Chùa, bàu Ngan, sông Gang mò cua, bắt ốc để mưu sinh.

Hoàng đế người Việt thống lĩnh 40 vạn liên quân Đông Nam Á đánh bại phương Bắc - Ảnh 1.
Cha Mai Thúc Loan là Mai Sinh, mẹ là Vương Thị, đều là người hiền đức, suốt đời chăm lo làm ăn, làm nhiều việc thiện.

Ông Mai Sinh và bà Vương Thị đều là người hiền đức, suốt đời chăm lo làm ăn, làm nhiều việc thiện, nên được dân làng quý mến. Rồi bà Vương Thị mang thai.

Lúc sắp sinh bà Vương Thị nằm mộng thấy một thiếu phụ vận quần áo đỏ tự xưng là Xích Y sứ giả đến trao cho bà một viên ngọc lớn. Bà nhìn thì thấy đó là viên ngọc bích 5 màu sắc lung linh, hình dạng như quả trứng gà nhưng to hơn một chút. Bà cảm động đưa tay đón lấy viên ngọc, nhưng chẳng may đỡ hụt, viên ngọc rơi xuống đất vỡ tan, bà liền tỉnh mộng.

Đến khi sinh con, nhìn thấy trên đùi trái đứa bé có vết xanh đen, hình giống như đồng tiền, bá liền đem giấc mộng khi trước kể lại với chồng. Ông Mai Sinh lấy làm lạ, suy nghĩ rồi đoán rằng: Ngọc hình quả trứng gà lại có 5 sắc sáng lung linh, đấy là điềm của loài linh điểu mang 5 đức vận tốt vào, đứa trẻ này sau này có tài năng, chí hơn người. Còn ngọc rơi xuống phát ra tiếng vang thì đứa trẻ này sẽ làm vẻ vang cho nòi giống, tiếng tăm còn lưu mãi sau này.

Ông Mai Sinh mời mọi người đến ăn mừng, đồng thời đặt tên con là Phượng, tự là Thúc Loan (chim loan là một loài chim thần, giống như chim phượng) – lấy ngay từ các tích trong mộng.

Hoàng đế người Việt thống lĩnh 40 vạn liên quân Đông Nam Á đánh bại phương Bắc - Ảnh 2.
Động Cồn Chèn nơi Mai Thúc Loan chào đời. Nguồn: Sách địa danh di tích lịch sử-văn hóa lễ hội vua Mai ở Nam Đàn.

Ngay từ nhỏ Mai Thúc Loan đã phải vào rừng cùng mẹ hái rau, hái măng, đốn củi đem xuống chợ bán.

Năm Mai Thúc Loan lên 10 tuổi, một hôm bà Vương Thị vào Động Cồn Hổ để lấy củi. Đột nhiên dân làng nghe thấy có tiếng hổ gầm từ phía Động Cồn Hổ, liền bảo Thúc Loan đến để xem sự thể thế nào. Thế nhưng khi lên đến nơi thì hổ đã ăn thịt bà Vương Thị. Ông cùng mọi người tìm lại thi thể còn lại của mẹ để chôn cất.

Buồn rầu vì mất vợ, chẳng bao lâu ông Mai Sinh cũng đi theo bà.

Được ăn học đầy đủ trong gia đình giàu có

Một người bạn của ông Mai Sinh tên là Đinh Thế vốn là người giàu có lại trọng nghĩa khinh tài, đưa Mai Thúc Loan về nhà nuôi, xem như con đẻ. Khi Mai Thúc Loan lớn dần lên thì có nhiều tướng quý cùng tài năng.

Theo dân gian mô tả thì Mai Thúc Loan có đầu hổ, mình rồng, tay vượn bắp thịt nổi cuồn cuộn; dáng đi hùng dũng hiên ngang, tiếng nói sang sảng như sấm.

Lớn lên cùng bố nuôi là người giàu có, Mai Thúc Loan được học võ thuật; côn quyền, giáo mác, cung kiếm đều giỏi cả; không chỉ thế mà còn biết cả cách bày binh bố trận.

Hoàng đế người Việt thống lĩnh 40 vạn liên quân Đông Nam Á đánh bại phương Bắc - Ảnh 3.

Động Cồn Đền nơi Mai Thúc Loan đi săn. Nguồn: Sách địa danh di tích lịch sử-văn hóa lễ hội vua Mai ở Nam Đàn.

Bạn bè của Mai Thúc Loan khi đấy cũng toàn những trang tuấn kiệt, sau này đều cùng ông khởi nghĩa và trở thành những tướng trụ cột của ông như Phòng Hậu, Thôi Thặng, Đàn Vân Du, Mao Hoành, Tùng Thụ, Tiết Anh, Hoắc Đan, Khổng Qua, Cam Hề, Sỹ Lâm, Bộ Tân.

Thấy Mai Thúc Loan đã trưởng thành, bố nuôi liền gả người con gái xinh đẹp nết na của mình là Ngọc Tô cho Mai Thúc Loan. Đồng thời chia cho tài sản, ruộng nương để lập nghiệp. Hai vợ chồng cũng quán xuyến việc làm ăn nên tài sản trong nhà ngày một tăng lên.

Các nước Đông Nam Á cùng chung ý chí

Lúc bấy giờ nhà Đường không chỉ đô hộ An Nam mà còn muốn dùng An Nam làm bàn đạp để tiến tới cai trị các nước khác ở phía Nam.

Từ lâu giữa An Nam cùng các nước lân bang cũng có mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa. Thuyền buôn của Chà Và (Indonesia) và các nước phía Nam thường xuyên buôn bán tại các cảng thuộc Trung và Bắc bộ.

Các cao tăng của An Nam trước khi đến Ấn Độ thỉnh kinh cũng ghé qua các nước vùng Nam Hải để tìm hiểu.

Các nước Chà Và (Java tức Indonesia ngày nay), Chân Lạp (Campuchia ngày nay), Kim Lân (tức Malaysia ngày nay) đều có những bất đồng đối với nhà Tùy và nhà Đường. Họ đều chỉ thần phục trên danh nghĩa, còn thực chất luôn muốn tìm cách thoát khỏi sự kìm tỏa này.

Cuộc họp quan trọng nhằm tạo liên minh với các nước Đông Nam ÁMai Thúc Loan muốn dựng cờ khởi nghĩa liền cùng bạn bè chuẩn bị, nhiều người tuấn kiệt trong nước tìm về cùng chuẩn bị gây dựng cơ sở cho cuộc khởi nghĩa.

Hoàng đế người Việt thống lĩnh 40 vạn liên quân Đông Nam Á đánh bại phương Bắc - Ảnh 4.
Mai Thúc Loan dựng cờ khởi nghĩa. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”).

Vào năm 713, thời cơ dựng cờ khởi nghĩa đã đến, nhưng vốn tính thận trọng, Mai Thúc Loan vẫn còn đắn đo. Trong một cuộc họp, Mao Hoành, Tùng Thụ hiến kế:

– Thưa huynh trưởng cùng các anh em. Chúng ta chẳng nên lo lực lượng chưa đủ. Dân ta vốn có câu “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Nay ta cần liên kết với Lâm Ấp, Chân Lạp thì ắt hẳn sẽ đánh đuổi được xâm lược nhà Đường.

Mọi người đều cho là phải, Tiết Anh, Hoắc Đan tình nguyện xin đi sứ sang hai nước láng giềng. Tuy nhiên một số mưu sĩ là Khổng Qua, Cam Hề, Sĩ Lâm, Bộ Tân lại cho rằng:

– Ta chưa nên cử người đi sứ vội bởi vì danh chưa chính. Trước hết ta hãy dựng cờ khởi nghĩa rồi đem quân đánh chiếm Châu Thành. Sau đó huynh trưởng sẽ lên ngôi Hoàng Đế, thiết lập Giang Sơn. Lúc ấy, cử người đi sứ ắt 2 nước kia sẽ hưởng ứng.

Liên quân Đông Nam Á đánh bại nhà Đường

Ngay sau đó Mai Thúc Loan dựng cờ nghĩa, khắp nơi gần xa đều hưởng ứng, quân số nhanh chóng lên đến 10 vạn người. Đồng thời ông cũng cử Ba Đội Hầu sang Lâm Ấp (tức Huế ngày nay) và Chân Lạp (Campuchia ngày nay) để đặt trước vấn đề liên minh.

Hoàng đế người Việt thống lĩnh 40 vạn liên quân Đông Nam Á đánh bại phương Bắc - Ảnh 5.
Bản đồ diễn biến cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan năm 713.

Mai Thúc Loan chia quân tiến đánh thành Hoan Châu, quan quân nhà Đường chống cự yếu ớt rồi hoảng sợ bỏ chạy. Binh sĩ tung hô Mai Thúc Loan lên làm Đế.

Năm 713, Mai Thúc Loan lên ngôi vua, theo “Việt điện u linh” vì ông có mạng thủy tượng trưng bởi màu đen, nên xưng là Hắc Đế, thành lập triều đình mới, lập kinh đô Vạn An (thuộc xã Vân Diên và thị trấn Nam Đàn ngày nay).

Sau khi lên ngôi Vua, Mai Thúc Loan cùng những người bạn của mình tiếp tục thực hiện kế hoạch trước đó là tạo ra thế liên minh với các nước láng giềng. Năm 714, Tiết Anh và Hoắc Đan Phụng đi sứ sang Lâm Ấp và Chân Lạp.

Dân Lâm Ấp và Chân Lạp vốn cũng khốn khổ vì thường xuyên bị hà hiếp và nộp cống phẩm cho nhà Đường, nay thấy An Nam khởi nghĩa thành công thì vui mừng hưởng ứng.

Hoàng đế người Việt thống lĩnh 40 vạn liên quân Đông Nam Á đánh bại phương Bắc - Ảnh 6.
Đền thờ Mai Hắc Đế.

Theo sách Việt điện U linh, Vua Lâm Ấp là Phạm Hề Dĩnh sai tướng Chu Hương An đem 10 vạn quân, vua Chân Lạp Hồ A Khiêm sai tướng Tham Ninh đưa 10 vạn quân cùng đến Hương Lãm (Nghệ An ngày nay) hội kiến và đứng dưới cờ nghĩa của Mai Thúc Loan, tạo thế liên minh quân sự chống lại nhà Đường.

Sách An Nam Chí lược cũng có ghi chép rằng:

Sơ niên hiệu Khai Nguyên (713-714), của Huyền Tông, Soái trưởng Giao Châu là Mai Thúc Loan làm phản, hiệu xưng là Hắc Đế, ngoài thì kết giao với quân của Lâm Ấp và Chân Lạp, tập họp được 30 vạn quân sĩ, chiếm cứ nước An nam. Vua Huyền Tông ra lời chiếu sai quan Tả Giam Môn Vệ tướng quân là Dương Tư Miễn và quan đô hộ là Nguyên Sở Khách qua đánh.

Nghe tin Lâm Ấp và Chân Lạp đã tham gia liên minh chống nhà Đường, lập tức Chà Và (Java tức Indonesia ngày nay), Kim Lân (Malaysia ngày nay), Xảo Oa cũng đem quân đến tham gia liên minh.

Tổng số quân liên minh của An Nam và các nước Đông Nam Á lên đến 40 vạn.

Uy danh của Mai Hắc Đế lẫy lừng, quan quân nhà Đường hoảng sợ. Thứ sử Hoan Châu là Tào Chân Tĩnh phải lui quân về giữ Quế Sơn. Mai Hắc Đế chia 40 vạn quân liên minh tiến ra Bắc, nhanh chóng đánh bại quân nhà Đường tại Quế Sơn, rồi tiến đến thành Tống Bình (sau này là thành Thăng Long), quân Đường thua chạy. Các Châu ở Bắc bộ cũng lần lượt lọt về tay liên quân.

Đất nước thanh bình, dân chúng được tự do yên ổn sinh sống, các bộ tộc đều thần phục.

Hoàng đế người Việt thống lĩnh 40 vạn liên quân Đông Nam Á đánh bại phương Bắc - Ảnh 7.
Lăng mộ Mai Hắc Đế (Xã Nam Thái, Nam Đàn, Nghệ An).

Tuy huy hoàng là vậy nhưng những ghi chép về liên minh này đến ngày nay rất ít ỏi. Năm 1418 khi quân Minh đánh bại nhà Hồ, các sách sử đều bị lấy hết, vì thế các sách sử sau này ghi chép lại đều không được trọn vẹn, không có ghi chép nào rõ ràng các điều khoản và điều kiện của liên minh này.

Liên minh các nước Đông Nam Á sau khi đạt được mục tiêu là thoát khỏi nhà Đường thì có thể quân đội liên minh này đã rút trở về nước của mình. Có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến sau này Mai Hắc Đế bị thất bại dưới tay nhà Đường.

Từ khi Mai Hắc Đế giành được độc lập cho giang sơn và lên ngôi năm 713 cho đến khi kinh đô Vân An bị thất thủ năm 722 là gần 10 năm…

S.T

Tags :
Đọc nhiều