Hoa hậu làm từ thiện
Với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, mỗi năm bão lũ, mạnh thường quân cả nước đều hướng về miền Trung thân thương. Năm nay, bão Noru được dự báo là mạnh nhất 20 năm qua khiến cả nước lo lắng. Trong bối cảnh đó, dàn hoa hậu đình đám từ Nguyễn Trúc Thùy Tiên, Tiểu Vy đến Đỗ Thị Hà, Mai Phương… đã nhanh chóng đứng ra kêu gọi từ thiện. Tuy nhiên, cách kêu gọi “nhanh hơn bão” của dàn hoa hậu gây ra nhiều phản ứng của dư luận.
Quay ngược trở về thời điểm 2020, cơn bão lịch sử đổ bộ vào Quảng Bình, tang thương tiêu điều. Thời điểm đó, rất nhiều cơ quan, cá nhân, đặc biệt là giới nghệ sĩ đã đứng ra kêu gọi tấm lòng của người dân. Chưa bao giờ cả nước đồng lòng đến thế, bất cứ một lời kêu gọi nào đưa ra cũng được hưởng ứng mạnh mẽ. Tuy nhiên, sau đó lại là những lùm xùm liên quan đến tính minh bạch và giải ngân. Việc chậm trễ giải ngân 14 tỷ của nghệ sĩ Hoài Linh là một ví dụ.
Chính vì thế, để giải quyết tình trạng trên, tháng 10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP yêu cầu cá nhân khi làm từ thiện phải lập tài khoản mới phù hợp với đợt từ thiện cụ thể, sau khi xong đợt thì đóng, không được nhận thêm. Thông tư số 41/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính cũng yêu cầu làm từ thiện phải có sổ sách kế toán, báo cáo và minh bạch thông tin.
Trong bối cảnh đó, khi cơn bão Noru được dự đoán mạnh nhất 20 năm qua cùng với những “vết xước” từ thiện đang hiện hữu thì lời kêu gọi đầu tiên của Hoa hậu Thùy Tiên gây ấn tượng mạnh. Bài đăng của hoa hậu này rất có tính “thời sự”, nhiều người còn nói đùa rằng hoạt động quyên góp này “nhanh hơn bão” khi cơn bão Noru vừa mới áp sát đất liền, chưa gây ra thiệt hại đáng kể, chưa thống kê được thiệt hại cụ thể. Đáng nói nữa là, Thùy Tiên đứng ra kêu gọi nhưng lại dùng một tài khoản khác có tên là Phạm Dung để nhận tiền quyên góp.
Một điều cần đặt câu hỏi nữa là sau Thùy Tiên, rất nhiều người đẹp cùng công ty quản lý như Hoa hậu Tiểu Vy, Mai Phương, Á hậu Phương Anh… đã đồng loạt kêu gọi từ thiện về tài khoản từ thiện “CLB Suối mát từ tâm” với người thụ hưởng là Phạm Dung (quản lý của các hoa hậu). Khiến dư luận đặt câu hỏi, vậy cuối cùng ai là người chịu trách nhiệm đối với niềm tin của dư luận và sự minh bạch trong việ sử dụng số tiền từ thiện này?
Hoa hậu làm từ thiện là chuyện tốt, nên làm thường xuyên, vì tên tuổi của họ dễ thuyết phục các mạnh thường quân. Khi kêu gọi từ thiện, chúng ta dùng uy tín của bản thân thì phải có trách nhiệm đến cùng trong việc giải ngân và thực hiện, xứng với niềm tin mà người đóng góp đã gửi gắm. Trong đó, tài khoản nhận tiền nếu không phải của chính mình thì cũng nên là tài khoản của một tổ chức lớn, uy tín và được Nhà nước, pháp luật công nhận. Chứ dùng một tài khoản của người khác, lỡ có chuyện xảy ra thì lại đổ qua đổ lại, dễ bị tổn hại danh tiếng. Bài học Trấn Thành không đi từ thiện, nhận xong chuyển cho người khác làm, nhận nhiều ý kiến trái chiều vẫn còn đó.
Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên là một trong số ít người đẹp nhận được sự ủng hộ của dư luận trong thời buổi “ra ngõ gặp hoa hậu” như hiện nay. Nên chăng không chỉ Thùy Tiên mà những người nổi tiếng, hoa hậu cứ làm từ thiện, nhưng dùng tài khoản của mình, lập tài khoản mới cho mỗi đợt, có sổ sách, minh bạch thông tin như yêu cầu của nhà nước là được. Quan trọng nhất là sau khi kêu gọi thì phải chịu trách nhiệm cho đến cùng. Điều đó cũng giúp người đóng góp yên tâm, không lời ra tiếng vào sau mỗi mùa từ thiện. Chứ cứ dở dở ương ương thế này, danh xưng hoa hậu tự nhiên bị vết xước khó có thể giãi bày.
Công Luân