Hóa giải nỗi sợ trách nhiệm
Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt tăng trưởng 0,7% so cùng kỳ năm 2022, đầu tàu kinh tế cả nước đang mất dần động lực. Đà phát triển như vậy cần nhanh chóng thay đổi, tiếp thêm động lực.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cùng các lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã làm tổ trưởng các tổ công tác trực tiếp giám sát, đôn đốc tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công cho hơn 38 dự án trọng điểm. Nhiều vấn đề đã được đưa ra, làm rõ tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM vừa qua trong bối cảnh kinh tế thành phố có mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong năm 2022, TP.HCM có 584 văn bản hỏi ý kiến và Bộ này đã có 604 văn bản trả lời. Tuy nhiên, hầu hết các vấn đề được hỏi thuộc thẩm quyền TP.HCM. Ông nói: “Đây là điều rất vô lý, cho thấy chúng ta sợ hoặc đùn đẩy nhau. Trung bình mỗi ngày Bộ phải trả lời cho thành phố hai văn bản, mà chúng tôi còn trăm nghìn việc khác, trong khi trách nhiệm đã được phân công, phân cấp”.
Giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ nhìn nhận hiện nay ngân sách đã giao cho Sở Công thương nhưng vẫn phải cứ “hỏi tới hỏi lui”, hỏi các sở khác góp ý, nếu không góp ý thì không làm được, phải hỏi rất nhiều, hỏi các sở khác và điều này làm mất thời gian.
Phát biểu tại phiên họp tình hình kinh tế – xã hội quý 1 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp quý 2-2023, liên quan đến các trở ngại thủ tục đầu tư và giải ngân vốn, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị cần chấm dứt tình trạng sở này chờ sở kia, hoặc im lặng không trả lời, sở nào không có ý kiến rõ ràng thì cũng cần báo cáo cho UBND TP.
Điều này cho thấy sự sốt ruột với hành động cụ thể, các cấp phải xắn tay cùng giải quyết công việc để đạt mục tiêu và quyết tâm đưa kinh tế thành phố khởi sắc trở lại.
Nhiều ý kiến hay hoài niệm về cảm hứng “phá rào”, “vượt khó” thời trước với tinh thần vì lợi ích chung và không sợ trách nhiệm ở TP.HCM. Tuy nhiên, dù bối cảnh mỗi giai đoạn có khác nhau nhưng có điểm chung, các cơ quan chức năng hiếm khi xử lý kỷ luật các trường hợp trong sáng, không vụ lợi.
Thời gian qua có nhiều trường hợp bị xử lý, thậm chí khởi tố phần lớn là lợi dụng chức vụ, quyền hạn và công việc được giao để trục lợi, nâng giá chia chác với nhau như trong các vụ thiết bị giáo dục, y tế, Việt Á, giải cứu các chuyến bay hồi đại dịch… Đó là hầu hết các tình trạng khẩn cấp đều biến thành cơ hội tham nhũng. Kiếm chác trên nỗi đau nhân dân là không thể chấp nhận.
Có nhiều nguyên nhân cho hiện tượng trên, nhưng rõ nhất vẫn là chất lượng nhân sự. Thực tế công tác đáng giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm hầu hết đều đạt yêu cầu và người muốn vào làm việc cho cơ quan, đơn vị, kể cả doanh nghiệp nhà nước khó thấy những quy trình tuyển dụng minh bạch và công bằng để theo đuổi. TP.HCM suốt 5 năm qua, không tuyển được sinh viên xuất sắc nào về làm việc trong các cơ quan nhà nước.
Thậm chí, tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại học Luật TP.HCM nhưng sinh viên Quách Thanh Vịnh An vẫn không được tuyển thẳng vào các cơ quan nhà nước vì không thuộc diện được hưởng chính sách thu hút nhân tài. Sao lại khắt khe với sinh viên xuất sắc trong khi tuyển dụng không ít trường hợp có trình độ thấp hơn, năng lực hạn chế hơn?
Một hiện tượng vẫn còn phổ biến ở cơ quan công quyền là “bệnh vô cảm”, “dân cần, quan chưa vội” thì cho dù có quy định pháp luật thông thoáng cũng khó có tác dụng mong muốn.
Nhìn nhận một cách khách quan, mỗi dự án trọng điểm thường có quy mô lớn, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị. Một số nơi quản lý
lại ban hành các thủ tục, hướng dẫn muốn thuận lợi cho mình nên còn những chồng chéo, vướng mắc nhất định càng kéo dài thời gian.
Hầu hết cơ quan quản lý, đơn vị chuyên môn nào cũng có quy trình riêng để giải quyết công việc. Theo đó, phòng/ban trực thuộc có cá nhân tham gia thực hiện theo quy trình đó. Phần lớn các phát sinh hay ngoài quy trình áp dụng, cá nhân trực tiếp xử lý nội vụ sẽ phải đề xuất giải quyết hay bác bỏ hoặc làm theo cách khác là hỏi ý kiến nơi khác.
Thông thường nếu không có tác động, đôn đốc thì cấp trên trực tiếp sẽ nghiêng về phương án an toàn là có văn bản trả hồ sơ cho chủ đầu tư hoặc doanh nghiệp liên hệ cơ quan, đơn vị khác xin ý kiến hay cũng có thể gửi văn bản qua nơi đó hỏi ý kiến, xem như lúc này không còn trách nhiệm.
Nếu người có thẩm quyền có năng lực, dám quyết sẽ hạn chế các văn bản qua lại hỏi ý kiến. Hay cán bộ thụ lý giải quyết nếu hồ sơ chưa đầy đủ sẽ yêu cầu bổ sung, sai sót sẽ tìm cách tốt nhất và góp ý khắc phục sớm thông qua.
Còn nếu lo sợ trách nhiệm hoặc vấn đề nào khác mà đùn đẩy công việc, trì hoãn giải quyết thủ tục thì tất nhiên sẽ chọn khâu dễ dàng nhất là trả hồ sơ về làm lại từ đầu hoặc có văn bản hỏi ý kiến. Tắc trách hồ sơ, trở ngại thủ tục bấy lâu thường đề cập bởi chính sách nhưng lại ít khi nhắc trách nhiệm những người trực tiếp xử lý công việc. Điều này còn có nguyên nhân năng lực cán bộ hạn chế thấy gì cũng sợ, không dám làm, thiếu trách nhiệm người đứng đầu.
Vì sao? Một khi khó quy trách nhiệm cụ thể và cá nhân trong nội bộ, nếu có vi phạm thì lo ngại ảnh hưởng thành tích tập thể, người trực tiếp xử lý công việc có tâm lý ỷ lại và nghĩ sẽ được bảo vệ, nếu có sao thì còn nhiều cách đỡ, cấp trên cũng sợ liên đới chịu trách nhiệm.
Từ đó, người trực tiếp xử lý công việc thấy mình tùy ý có quyền chấp nhận hay từ chối giải quyết thủ tục mà không lo sợ bị chế tài. Tâm lý này cũng là cơ hội nảy sinh các hình thức xin cho, sách nhiễu trong giải quyết thủ tục hồ sơ và các công việc khác có liên quan.
Nên nhớ vấn đề ở chỗ, cuộc sống đặt ra tình huống thực tế, pháp luật không thể bao quát hết. Vai trò cấp thẩm quyền, cán bộ, người thụ lý hồ sơ cần có giải pháp thấu tình đạt lý sao cho đạt được mục tiêu đặt ra, cụ thể với các dự án trọng điểm là hiệu quả đầu tư chứ không phải làm sao chứng minh hoặc thể hiện cho thấy ý kiến, lập luận bên nào vững chắc hơn.
Thực tế, việc giải ngân đầu tư công đúng tiến độ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội. TP.HCM còn đóng vai trò cửa ngõ giao thương vừa nơi có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, đông dân cư. Tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công phục vụ phát triển sẽ lan tỏa lớn. Không chỉ tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội mà còn giải quyết việc làm cho người lao đông, tăng cường an sinh. Qua đó, góp phần thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế – xã hội cả vùng rộng lớn.
Ngân sách không dư dả gì nhưng vẫn ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án trọng điểm cho thấy sự kỳ vọng mục tiêu giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công không chỉ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giải quyết giao thông mà còn làm vốn mồi dẫn dắt cho đầu tư xã hội.
Ví dụ khi triển khai xây dựng công trình sẽ tạo ra việc làm, cần lao động, kéo theo nhu cầu phát triển các ngành vật liệu liên quan sắt, thép, đá, cát, xi măng… Kích thích các hoạt động sản suất, kinh doanh, dịch vụ tiêu dùng, phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng như cầu đường giúp kết nối giao thông, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa… Trường học hoàn thành đảm bảo chỗ ngồi, không gian cho học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục… Hay làm xong dự án nhà ở giúp an sinh xã hội, an cư lập nghiệp cho nhiều người, nhu cầu mua sắm trang thiết bị và nội thất.
Ngược lại, nếu chậm giải ngân đầu tư công đồng nghĩa dòng tiền chưa luân chuyển ra thị trường, dự án kéo dài phát sinh chi phí làm bội chi ngân sách, giảm hiệu quả sử dụng vốn, ảnh hưởng đời sống người dân, hệ lụy tiêu cực trong tăng trưởng kinh tế dẫn đến thiệt hại kép. Xét về mặt kinh tế, nếu kịp giải ngân ngay từ đầu năm có lẽ kinh tế sẽ bớt ảm đạm.
Đặc biệt, khi lãnh đạo TP.HCM làm tổ trưởng các tổ công tác trực tiếp giám sát, đôn đốc tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công hơn 38 dự án trọng điểm. Tín hiệu khá rõ ràng, dễ nhận biết. Đó là xắn tay lên cùng giải quyết công việc, không né tránh, đùn đẩy qua lại được nữa.
Đây còn là sự quan tâm đặc biệt, hỗ trợ trực tiếp, động viên đồng hành cũng như cam kết của lãnh đạo thành phố. Cấp dưới, cán bộ hoàn toàn yên tâm không còn lý do gì chần chừ, trừ những cái sai hay vi phạm do cố tình vì mục đích cá nhân mới không được ủng hộ.
Ngắn hạn, giải quyết các trở ngại để không làm gián đoạn dự án, tác động phản ứng dây chuyền cho những công việc khác có liên quan. Tổ trưởng tổ công tác có thể sẽ họp định kỳ với các bên liên quan, nhất là với những doanh nghiệp tham gia dự án. Bởi nếu thiếu các cá nhân phối hợp trực tiếp, không phải lúc nào báo cáo đầy đủ cũng đến tai lãnh đạo.
Một khi đã có “nhạc trưởng” chỉ đạo, theo dõi phân công nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng, làm đầu mối tổ chức thực hiện hẳn sẽ kịp giải quyết các trở ngại, xác định những việc cần làm trước để tác động theo phản ứng dây chuyền nhằm hoàn tất theo đúng lộ trình.
Trần Văn Tường