419
category
393282

Hộ nghèo không nhận tiền hỗ trợ: Chính quyền cơ sở có vì bệnh thành tích?

sông trà 14/05/2020 18:12

Thanh Hoá lại “nổi tiếng” bất đắc dĩ bởi hàng nghìn hộ nghèo “xin” không nhận tiền hỗ trợ. Nếu chỉ vài chục hộ, thậm chí cả trăm hộ dân từ chối nhận tiền hỗ trợ sẽ là việc bình thường, còn con số lên tới hàng nghìn hộ dân với những “lá đơn mẫu” tự nguyện được soạn sẵn thì có lẽ cũng cần phải… xem lại.

Nhất là khi lá đơn được loan tải trên mạng xã hội thì được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi và đã gây bức xúc trong dư luận. Việc này ít nhiều tạo nên những cái nhìn lệch lạc, trong đó nó tạo cơ hội cho các thế lực thù địch xuyên tạc, bóp méo  chủ trương, chính sách đúng đắn, nhân văn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam .

Lá đơn xin không nhận tiền hỗ trợ của một người dân được loan tải trên mạng xã hội tạo cơ hội cho thế lực thù địch xuyên tạc bóp méo Chính sách nhân văn của Đảng, Chính phủ

Chính quyền cơ sở vận động vì bệnh thành tích?

Vừa qua tại một số xã, huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa đã có hàng ngàn hộ dân có đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, để nhường cho những người khó khăn hơn. Câu chuyện nhẽ ra đã gây xúc động mạnh trong dư luận nếu không có thêm những thông tin lùm xùm sau đó.

Theo đó, hàng nghìn lá đơn được người dân ở Thanh Hóa viết và gửi chính quyền trong mấy ngày gần đây đều có chung một nội dung: “Xét thấy điều kiện gia đình đang ổn định, có thể tự túc vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chúng tôi cảm ơn Đảng, Chính phủ và xin không nhận, nhường lại cho những hoàn cảnh khó khăn hơn”.

Như truyền thông đã đưa tin thì huyện Tĩnh Gia, có tới 1.500 khẩu đồng ý ký vào đơn không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, xã Hải Ninh có 36 hộ, chủ yếu là đối tượng cận nghèo.  Tuy nhiên, tiền chưa đến tay người dân thì trưởng thôn đến từng nhà vận động ký đơn tự nguyện hỗ trợ lại cho Nhà nước.

Trưởng thôn Hạnh Phúc Lê Công Ngân đã khoe về thành tích đi vận động được hơn 20 hộ cận nghèo ký đơn không nhận tiền hỗ trợ. “Cả thôn có 391 hộ, 1.219 nhân khẩu, trong đó có 17 hộ nghèo, 76 hộ cận nghèo. Những hộ cận nghèo ông đến vận động gần như hộ nào cũng ký vào đơn được đánh máy sẵn” – Trưởng thôn Hạnh Phúc, xã Hải Ninh nói.

Ngay chính vị Chủ tịch UBND xã Hải Ninh Lê Đình Phương cũng thừa nhận có việc vận động các hộ cận nghèo ký đơn không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ.

Từ chuyện lùm xùm trong việc “tự nguyện hay không tự nguyện” nhận tiền hỗ trợ ở huyện Tĩnh Gia, ít nhiều khiến cho chúng ta cũng hoài nghi “thành tích” vận động này tại một số huyện khác như Thọ Xuân, Quảng Xương…

Huyện Thọ Xuân, qua rà soát của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện, hơn 46.500 người dân ở các gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ do đại dịch COVID-19 với tổng số tiền trên 48 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay hơn 2.000 người dân ở đây đã tự nguyện không nhận hỗ trợ với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng.

Ngay sau khi có thông tin hàng nghìn người dân tại các huyện trên địa bàn Thanh Hoá tự nguyện gửi đơn không nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng do dịch COVID-19, chiều 12/5 Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có công văn gửi Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa yêu cầu làm rõ thông tin, kiểm tra tính xác thực của sự việc (đáng chú ý, công văn hỏa tốc này được thu hồi sau vài giờ).

Sau đó, trước việc có thông tin phản ánh có tình trạng ở một vài nơi vận động người dân không nhận kinh phí hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sáng 13/5, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã có công điện hoả tốc chỉ đạo tuyệt đối không được vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ.

Thực tế, chuyện cả nghìn hộ dân ký vào đơn “soạn sẵn” không nhận tiền hỗ trợ cũng đặt ra khá nhiều câu hỏi trong dư luận: Việc soạn sẵn “đơn mẫu” như vậy có khách quan hay không? Có hay không việc “ép” người dân không nhận tiền hỗ trợ COVID-19 được lan truyền trên mạng xã hội? Vì sao phải soạn sẵn đơn để người dân chỉ việc… ký vào, mà không để người dân tự viết đơn theo cách trình bày tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước.

Xét cho cùng, dư luận băn khoăn đặt câu hỏi cũng đúng, bởi nếu chỉ vài chục hộ, thậm chí cả trăm hộ dân từ chối nhận tiền hỗ trợ sẽ là việc bình thường, còn con số lên tới hàng nghìn hộ dân với những “lá đơn mẫu” tự nguyện được soạn sẵn thì có lẽ cũng cần phải… xem lại.

Thêm nữa, Công văn do một Bộ phát ra yêu cầu kiểm tra một sự việc nào đó chắc hẳn đã có sự tham mưu, nghiên cứu kỹ càng. Thế nhưng vì sao công văn đó chỉ có sức sống trong vòng vài giờ đồng hồ, ban hành buổi chiều thì buổi tối lại… thu hồi khẩn?

Đó không phải chủ trương của Đảng

Các thế lực thù địch đã lợi dụng chuyện lùm xùm trong việc chi trả gói an sinh 62.000 tỷ này ở Thanh Hóa để xuyên tạc rằng đây là trò chơi mỵ dân của Đảng, ban hành cho có lệ rồi vận động người dân trả lại.

Cụ thể là trên mạng xã hội của tổ chức Việt Tân, chúng đã viết rằng: Đây có phải chăng là “chủ trương của Đảng” hay do tự ý các cán bộ địa phương tự vẽ chuyện để nhận tiền từ gói hỗ trợ rồi sau đó sẽ không đưa tiền cho những người đã ký tên trên lá đơn tự nguyện.

Rồi, sự giúp đỡ của chính phủ vui mừng không hết thì làm gì có chuyện “tự nguyện” xin được không nhận sự hỗ trợ để nhường cho người khác. Chỉ có một lý giải là người dân bị ép phải ký vào đơn mà họ không muốn..v..v.

Xin khẳng định, để tạo tiền đề cho “lò xo kinh tế” bật mạnh trở lại sau dịch bệnh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã làm tất cả để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Với mục tiêu “tất cả vì lợi ích của nhân nhân”, cùng tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Nhiều gói hỗ trợ kinh tế được nâng cấp hoặc cụ thể hóa. Cụ thể là gói hỗ trợ về tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (trên 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng)…v..v.

Riêng gói hỗ trợ có quy mô gần 62.000 tỷ đồng được đánh giá “chưa có tiền lệ;” là hành động cấp bách, kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả hệ thống chính trị trước “trận chiến” chống đại dịch COVID-19.

Gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là hành động thiết thực, khẳng định mục tiêu nhân văn “không để ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng và Nhà nước trước ảnh hưởng của dịch bệnh.

Vấn đề ở chỗ, từ một câu chuyện rất đời thường, rất nhân văn như việc nhiều hộ nghèo, cận nghèo tự nguyện không nhân tiền hỗ trợ của nhà nước để nhường xuất hỗ trợ ấy cho những hoàn cảnh khó khăn hơn tại Thanh Hoá thì vẫn câu chuyện này lại đẩy người đọc, dư luận vào sự… khó chịu bởi những thông tin lùm xùm, bất nhất sau đó, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch xuyên tạc chủ trương, chính sách nhân văn  của Đảng, Chính phủ.

Cũng thật đáng buồn bởi hai câu chuyện này đều do báo chí thông tin trước, sau đó UBND tỉnh Thanh Hoá mới có ý kiến bằng… công văn hoả tốc. Hy vọng, đây sẽ là bài học sâu sắc cho UBND tỉnh Thanh Hóa nói riêng và nhiều địa phương khác nói chung. Hãy quan tâm đến dân, gần dân nhiều hơn, quan tâm đến các địa phương thuộc địa bàn tỉnh quản lý nhiều hơn nữa.

Điều này cũng có nghĩa, chuyện hàng ngàn người dân tự nguyện viết đơn xin không nhận tiền hỗ trợ ở Thanh Hóa như phản ánh của báo chí và người dân nói trên là ít nhiều có sự vận động vì thành tích của chính quyền cơ sở, chứ không phải là chủ trương của Đảng.

Bởi vì, lo cho dân, nghĩ cho dân, chăm lo hết sức cho đời sống nhân dân – tư tưởng nhân văn ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã, đang hiện hữu trọn vẹn trong mọi quyết sách, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ như chúng ta đã thấy từ trước tới nay, mà mới nhất là trong cuộc chiến với giặc dịch mang tên COVID-19.

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều