‘Họ bỏ quên khẩu trang khi tưởng dịch Covid-19 đã kết thúc’
Tình hình Covid-19 ở hàng loạt nước cảnh báo người trẻ rằng nguy cơ bùng phát dịch vì tụ tập đông người vẫn đang hiện hữu. Đây cũng là lời nhắc nhở về việc lơ là đeo khẩu trang.
“Mình xem việc đeo khẩu trang là điều hiển nhiên như ra đường phải đội mũ bảo hiểm”, Trúc Anh (22 tuổi), sinh viên năm 2 Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM cho biết.
Tuy nhiên, trên con đường Trúc Anh đi từ nhà đến trường mỗi ngày, nữ sinh bắt gặp ít nhất 50 bạn trẻ thản nhiên không mang khẩu trang ở các khu vực công cộng.
Thậm chí, khi nhắc nhở một vài người bạn chung lớp đeo khẩu trang khi đi trong trường, cô còn nhận được câu trả lời khó chịu: “Quên tí làm gì căng”.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) nhận định tình hình dịch Covid-19 tại các quốc gia sát biên giới Việt Nam tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khó lường. Khi chủ quan với dịch bệnh, khả năng bùng dịch rất cao.
Nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài, người dân di chuyển đến nhiều nơi, tập trung đông đúc, việc đeo khẩu trang là điều rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch.
“Chỉ cần một người lơ là đeo khẩu trang thôi cũng rất nguy hiểm. Đừng nghĩ nguồn lây ở đâu xa, khi đến một nơi đông người, mình đâu biết được người xung quanh đã đi những đâu, tiếp xúc với ai. Một cá nhân lây nhiễm thôi cũng có nguy cơ lan đi rất xa. Cho nên việc mang khẩu trang là điều phải làm”, bác sĩ Khanh nói.
Nguy cơ khó lường trước “sóng thần” Covid-19
Những ngày gần đây, thông tin dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở nhiều quốc gia khiến không ít người hoảng sợ. Ngày 14/4, lần đầu tiên Ấn Độ ghi nhận số ca mắc Covid-19 trên cả nước vượt 200.000 trong 24h.
Con số nhảy vọt nhanh chóng đã đưa Ấn Độ vượt qua Mỹ giữ kỷ lục ca dương tính trong một ngày. Tính đến ngày 28/4, tổng số trường hợp nhiễm Covid-19 của nước này đã lên hơn 17,9 triệu người, theo số liệu từ Đại học John Hopkins (Mỹ).
Jayant Malhotra, người làm việc tại một lò hỏa táng ở New Delhi, nói với BBC: “Tôi chưa bao giờ thấy một tình huống kinh hoàng như vậy. Tôi không thể tin rằng chúng tôi đang ở thủ đô của Ấn Độ. Mọi người không được cung cấp oxy và họ đang chết như động vật”.
Các chuyên gia dịch tễ học cho rằng con số lây nhiễm thực tế có thể cao hơn đến 30 lần do tỷ lệ người dân được xét nghiệm bên ngoài các thành phố lớn còn thấp. Tỷ lệ ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng từ 2-3 tuần nữa.
Không riêng Ấn Độ, Philippines cũng đang đối mặt với một trong những đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất ở châu Á.
Bác sĩ Rodrigo Ong, thuộc viện nghiên cứu độc lập OCTA, nơi chuyên đưa ra các dự báo về sự lây lan của virus, cho biết Philippines ghi nhận khoảng 10.000 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày, tương tự như Ấn Độ trước đây.
Ông Ong nhấn mạnh dịch bệnh ở Philippines đang ở trong tình trạng “cân bằng mong manh”. Ngày 27/4, hơn 80% giường bệnh trên cả nước đã được sử dụng.
Tại Thái Lan, hôm 24/4, Trung tâm Xử lý tình hình dịch Covid-19 (CCSA) báo cáo nước này lập kỷ lục khi tăng gần 3.000 ca nhiễm trong một ngày. Đây là mức tăng theo ngày cao nhất kể từ đầu dịch.
Làn sóng Covid-19 thứ ba nổi lên cách đây vài tuần khiến xứ Chùa Vàng rơi vào tình trạng khủng hoảng.
Không lãng quên khẩu trang
Trước diễn biến phức tạp tại các nước láng giềng, hôm 26/4, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu kích hoạt lại các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ông Phong khẳng định thành phố sẽ xử lý nghiêm trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng và nhập cảnh trái phép.
“Quên”, “đi với người quen mà mang khẩu trang làm gì”, “chỗ này đâu đông lắm đâu”, “đi vội quá”… là những lý do nhiều bạn trẻ đưa ra khi được hỏi về việc không đeo khẩu trang.
Theo bác sĩ Khanh, mang khẩu trang không chỉ đảm bảo an toàn cho bản thân mà còn thể hiện trách nhiệm với gia đình, xã hội.
Để nâng cao công tác phòng, chống dịch trong dịp lễ, trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyên người dân nên cân nhắc chọn phương án vui chơi hợp lý, hạn chế tụ tập đông đúc.
Đặc biệt, mỗi người nên có ý thức “không lãng quên khẩu trang, không chủ quan trước dịch bệnh”.
Thường xuyên theo dõi tin tức dịch bệnh trên thời sự, gia đình Vân Anh (21 tuổi), sinh viên năm 3 Đại học Quốc tế TP.HCM, cảm thấy hoang mang trước tình hình ở các nước láng giềng. Vân Anh cho biết cô và anh trai luôn được bố mẹ dặn dò phải đeo khẩu trang, mang nước sát trùng khi ra đường.
Vốn định cùng bạn bè đi du lịch 10 ngày nhân dịp nghỉ lễ, song nữ sinh quyết định hoãn lại vì sợ chen chúc đông người, vô tình tiếp xúc với trường hợp nhiễm virus.
“Mình và các bạn cũng khá tiếc nhưng thấy đi đông trong thời điểm này nguy hiểm quá. Mọi người nên có ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân, tự tách ra khỏi các nhóm tụ tập, tiệc tùng để góp phần tránh bùng phát dịch”, Vân Anh chia sẻ.
Tương tự Vân Anh, cả tuần nay, Bùi Kim Ngân (22 tuổi, quận Tân Phú) thấy lo lắng cho người thân ở nước ngoài khi tình trạng dịch Covid-19 ở một số quốc gia Đông Nam Á diễn biến phức tạp.
Tại cơ quan Ngân đang làm việc, khá nhiều người chủ quan với việc phòng dịch. Một số đeo khẩu trang kiểu “chống đối”, cố tình kéo xuống mũi để “dễ thở hơn”.
“Họ lơ là với việc mang khẩu trang vì tưởng Covid-19 đã kết thúc. Thậm chí, nhiều người còn thản nhiên ho, hắt xì ở nơi đông người”, Ngân kể.
Rút kinh nghiệm từ những “làn sóng” trước, Ngọc Khanh (sinh viên năm 3, ĐH Tôn Đức Thắng) tự chuẩn bị cách phòng, chống dịch cho bản thân. Ngoài hạn chế tụ tập đông người, tham gia tiệc tùng, Khanh sẽ liên tục cập nhật Bluezone, khai báo y tế và chủ động bảo vệ sức khỏe.
Phương Thảo