436
category
354277

HLV Park Hang Seo chia tay Việt Nam về Hàn Quốc đón tết

20/01/2020 12:51

“Xu hướng thể hiện bản đồ Đường lưỡi bò trên các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật thực sự rất nguy hiểm. Nếu không bị ngăn chặn, dỡ bỏ ngay từ đầu, điều này sẽ tạo ra những tiền lệ về sau, trở thành một bằng chứng xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ quốc gia” – PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.

Hình ảnh vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam xuất hiện trên phim Barbie

Nhan nhản phim chứa “Đường lưỡi bò”

“Rồi sẽ có ngày tấm bản đồ này đi đến rất nhiều nơi trên thế giới”. Đó là câu thoại ở phút thứ 2, tập 30, phim Hướng gió mà đi (Flight to you) – một bộ phim do Trung Quốc sản xuất được chiếu trên các nền tảng trực tuyến như Netflix. Sẽ không có gì đáng nói, nếu đây không phải là câu thoại đi kèm hình ảnh bản đồ Đường lưỡi bò phi pháp, thể hiện mưu đồ bá quyền Biển Đông của Trung Quốc.

Ngày 8/7, khán giả phát hiện hình ảnh này. Ngay lập tức, Cục Điện ảnh vào cuộc kiểm tra, chỉ ra hình ảnh vi phạm pháp luật Việt Nam còn diễn ra ở các tập 18, 19, 21, 24 đến 27, tập 38.

Trên các nền tảng xem phim trực tuyến, hình ảnh tấm bản đồ được làm mờ nhưng khán giả vẫn nhận ra đây là bản đồ có chứa Đường lưỡi bò phi pháp. Bộ phim không chỉ được công chiếu trên Netflix, mà còn ở một số nền tảng giải trí, website phim “lậu” trong nước.

Trước đó vài ngày, bộ phim Mỹ – Barbie bị Cục Điện ảnh từ chối cấp phép phổ biến vì có hình ảnh Đường lưỡi bò phi pháp lặp lại nhiều lần.

Hội đồng duyệt phim từng nhiều lần tuýt còi bộ phim cài cắm hình ảnh Đường lưỡi bò phi pháp như Uncharted (Thợ săn cổ vật) có Tom Holland thủ vai. Phim Everest: Người tuyết bé nhỏ từng khiến nhà phát hành Việt Nam nhận mức phạt 170 triệu đồng, buộc rút khỏi rạp chiếu sau hơn 1 tuần ra rạp.

Năm 2021, tập 15 phim Em là thành trì doanh lũy của anh cũng có hình ảnh bản đồ Trung Quốc với Đường lưỡi bò phi pháp. Cảnh phim nằm ở phút thứ 29, bản đồ Trung Quốc hiện rõ đường chín đoạn bằng các dấu gạch trắng trong đoạn nam cảnh sát Hình Khắc Lũy (Bạch Kính Đình đóng) và nữ bác sĩ Mễ Kha (Mã Tư Thuần) gặp nhau tại khu chỉ huy.

Hình ảnh đường lưỡi bò xuất hiện trong tập 30 phim “Hướng gió mà đi”.

Tháng 3/2018, phim Trung Quốc Điệp vụ biển đỏ cũng bị rút khỏi rạp Việt do tranh cãi về 2 phút cuối phim. Đó là cảnh đoàn tàu chiến Trung Quốc bao vây một chiếc tàu nước ngoài và phát loa thông báo: “Chú ý, đây là hải quân Trung Quốc. Quý vị sắp tiến vào lãnh hải Trung Quốc, xin hãy đi ngay”. Hai phút phim này bị cho là hoàn toàn không ăn nhập với nội dung phim nhưng lại được cài cắm một cách vô lý.

Dùng phim ảnh tiến hành “tâm công”

Đạo diễn, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang đánh giá, không phải bây giờ thông qua những bộ phim điện ảnh, chính sách Đường lưỡi bò mới được lồng ghép có chủ đích, mà trên hệ thống hình ảnh tra xuất của Google hay trên Tiktok, chúng ta cũng thường xuyên bắt gặp hình ảnh này. Điều đó cho thấy một cuộc tấn công mạng toàn diện, hòng thực hiện bằng được tham vọng bá quyền của Trung Quốc.

Theo ông Giang, trong cuộc tấn công toàn diện này, điện ảnh được Trung Quốc coi là một trong những “mũi xung kích” quan trọng nhất. “Tâm công (Chiến tranh tâm lý) chưa bao giờ lạc hậu cả. Ngược lại, nó luôn biến đổi trong phương thức thể hiện để phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Phim ảnh chính là mảnh đất màu mỡ, thiên biến vạn hóa để thực thi chiến thuật tâm công của Trung Quốc”, ông Giang nói.

Ông Ngô Hương Giang cho rằng, văn hóa, giải trí được coi là con đường nhanh và dễ dàng để tác động vào nhận thức. Những giá trị tốt đẹp, nhân văn cũng được truyền bá bởi phim ảnh và ngược lại đây cũng là công cụ để lợi dụng truyền bá những ý đồ phi pháp. Việc tuyên truyền qua con đường nghệ thuật là cách ngắn nhất đến với lòng người. Nắm được lòng người là kiểm soát được toàn bộ xã hội nơi con người sinh sống.

“Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc lại lựa chọn cài cắm Đường lưỡi bò phi pháp trong phim ảnh. Lượng người hâm mộ phim Trung Quốc nói riêng và phim ảnh trên không gian mạng nói chung rất lớn. Trong khi đó, đa phần những thước phim này thiên về giải trí, dễ xem, dễ ngấm sâu vào não trạng người xem. Đến một lúc nào đó, sự ‘xâm lăng điện ảnh’ này sẽ trở thành quyền lực mềm, từng bước chính danh hóa mục đích bành trướng lãnh thổ của đất nước này”, Đạo diễn, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang nhận định.

Nhà báo Việt Văn – Thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện (gọi tắt là Hội đồng duyệt phim) thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch – cũng nhận định: “Chúng ta có thể thấy rõ ràng Trung Quốc có chiến lược bài bản trong việc tuyên truyền hình ảnh Đường lưỡi bò phi pháp. Họ lặp đi lặp lại, cài cắm trong rất nhiều bộ phim và các sản phẩm văn hóa. Họ cố biến điều phi pháp, vô lý thành điều quen thuộc”.

Bên cạnh những bộ phim Trung Quốc, cũng có nhiều tác phẩm điện ảnh của các nước khác sử dụng hình ảnh Đường lưỡi bò phi pháp. Có thể kể tên như: Everest: Người tuyết bé nhỏ (DreamWorks – Mỹ hợp tác sản xuất với công ty Pearl – Trung Quốc), Pine Gap (Australia sản xuất), Uncharted (Colombia Pictures, PlayStation của Mỹ sản xuất), Barbie (Waner Bros của Mỹ sản xuất)…

Mỗi lần cài cắm Đường lưỡi bò phi pháp, Trung Quốc đều vấp phải phản ứng dữ dội, không chỉ từ phía Việt Nam mà còn ở một số quốc gia khác. Tuy nhiên, chính quyền nước này vẫn phớt lờ, thậm chí dùng cách thức tinh vi hơn.

Mặc dù Hội đồng duyệt phim nâng cao cảnh giác nhưng nhiều khi vẫn để lọt, chẳng hạn như trường hợp bộ phim Người tuyết bé nhỏ công chiếu khoảng 2 tuần sau, khán giả mới phát hiện. Sau đó, các cơ quan quản lý vào cuộc.

Cảnh phim có bản đồ đường lưỡi bò phi pháp trong Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta

Xuyên tạc nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam

Không chỉ cài cắm trong các sản phẩm do mình sản xuất, hay kết hợp hợp tác, Trung Quốc còn ngày càng tinh vi hơn trong việc truyền bá Đường lưỡi bò phi pháp. Đạo diễn Ngô Hương Giang nhận định không gian mạng vốn không còn ranh giới địa lý và văn hóa. Vì vậy Trung Quốc đã sử dụng yếu tố văn hóa của nước mình có lồng ghép Đường lưỡi bò phi pháp trong các hoạt động tiếp xúc, giao thoa với nền văn hóa khác.

Nhà báo Việt Văn phân tích: “Việc lặp đi lặp lại một điều gì đó, đặc biệt là những điều phi pháp nhằm tác động tới tâm lý, nhận thức của công chúng. Lớp trẻ, thế hệ mới lớn, một bộ phận công chúng chưa nắm kỹ lịch sử, chưa dành thời gian nhiều cho những vấn đề lịch sử, khi tiếp nhận những ấn phẩm văn hóa này rất có thể bị nhầm lẫn.

Chính phủ Trung Quốc đã đưa hình ảnh Đường lưỡi bò vào sách giáo khoa, các ấn phẩm tuyên truyền, cả văn hóa nghệ thuật, sự kiện. Các công ty Trung Quốc cũng đưa Đường lưỡi bò lên ấn phẩm, trang web… tạo ra một chiến lược tuyên truyền tổng hợp, hết sức nguy hiểm. Thậm chí người Trung Quốc còn có cảm giác bị bắt nạt khi các nước khác lên tiếng đòi chủ quyền”.

Bản đồ có hình lưỡi bò trên trang web hỗ trợ khách hàng của ngành hàng thiết bị tiêu dùng Huawei Việt Nam

Vừa qua, các cơ quan quản lý có nhiều hành động thiết thực để ngăn chặn việc quảng bá hình ảnh Đường lưỡi bò phi pháp trong các sản phẩm văn hóa, trong đó nổi bật là phim ảnh. Các bộ phim có sử dụng hình ảnh này đều bị cấm trước khi ra rạp hoặc bị cấm và yêu cầu gỡ bỏ ngay lập tức nếu như vô tình bị bỏ lọt.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, quan điểm của các cơ quan quản lý là loại bỏ ngay những tác phẩm có sử dụng hình ảnh Đường lưỡi bò phi pháp, không có chuyện làm mờ, biên tập hay cắt xén rồi phát hành.

Ông Lâm cho biết thêm, lãnh đạo Đảng và Nhà nước chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề này, nếu còn để diễn ra tình trạng như vừa qua sẽ xem xét trách nhiệm của các Bộ, ngành quản lý.

Phó Cục trưởng Cục điện ảnh Đỗ Quốc Việt cũng nhấn mạnh: Những bộ phim vi phạm đến chủ quyền biển đảo quốc gia sẽ không được chấp nhận và không có thương thuyết, điều chỉnh để được chiếu.

Mỗi khán giả cũng cần thể hiện quyền lực của mình bằng cách quay lưng lại với những sản phẩm văn hóa xấu độc; lên tiếng bảo vệ giá trị độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, không ngừng tạo ra các sản phẩm văn hóa chính thống nhằm phản bác lại các luận điệu sai trái từ những sản phẩm văn hóa xấu độc bên ngoài.

Bích Vân
Đọc nhiều