Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc vẫn đang đầu tư hệ thống phòng thủ bờ biển
Địa điểm phòng thủ này, theo các chuyên gia tình báo nguồn mở, được xây dựng trong 3 giai đoạn từ năm 2010. Có bốn vị trí bắn được xây dựng trên sườn đồi hướng ra biển.
Các vị trí phòng thủ ven biển cố định đang tỏ ra không còn hợp thời. Giống như ở các nước khác, chuỗi các ụ súng và ụ tên lửa cố định dọc theo bờ biển của Trung Quốc có từ thời trước. Nhiều vị trí đặt súng có tháp pháo cố định, một số khác được xây dựng cho các tên lửa hành trình đời đầu như HY-2 SILKWORM. Tuy nhiên, luôn có ngoại lệ đối với các quy tắc.
Theo cây viết H.I Sutton chuyên theo dõi các hoạt động hải quân thế giới, đặc biệt là các hoạt động tàu ngầm và hệ thống phòng thủ hải quân, có ít nhất một mạng lưới phòng thủ cổ điển như thế được xây dựng gần đây, trên mũi đất ở Vinh Thành, Sơn Đông.
Địa điểm này, nhìn ra biển Hoàng Hải, là điểm gần như xa nhất về phía đông trên đất liền của tỉnh Sơn Đông. Địa điểm này cũng có thể được xem xét trong bối cảnh chuỗi phòng thủ trên lối vào Biển Bột Hải, chỉ xa hơn một chút về phía bắc.
Địa điểm phòng thủ này, theo các chuyên gia tình báo nguồn mở, được xây dựng trong 3 giai đoạn từ năm 2010. Có bốn vị trí bắn được xây dựng trên sườn đồi hướng ra biển. Các vị trí có boongke gần như trực tiếp phía sau, và các mảng tường chắn ở phía trước. Dường như có đường dành cho xe bánh lốp (nhiều hệ thống trước đó sử dụng đường ray).
Ông Sutton chưa thể xác định các hệ thống vũ khí đang được sử dụng tại địa điểm mới nhưng nó có thể là tên lửa chống hạm YJ-62.
Loại vũ khí giống tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ này có tầm bắn khoảng 400km, giống loại được sử dụng trên các tàu khu trục Type-052C. Theo quan sát của Sutton, mỗi xe phóng 8 bánh có 3 ống phóng.
Các hệ thống tên lửa chống hạm mới nhất của Trung Quốc, đặc biệt là YJ-62, có tầm bắn xa và có khả năng cơ động trên đường.
Và như thế, điều này sẽ phủ nhận nhu cầu về các boongke cố định trên bờ biển. Tính di động của các giàn phóng tên lửa là điều chủ chốt cho khả năng sống sót. Vì vậy, hệ thống boongke phòng thủ mới được xây dựng này có vẻ không hợp thời chút nào.
Tuy nhiên, bất chấp việc có khả năng cơ động, các khẩu đội tên lửa YJ-62 đôi khi được triển khai đến các vị trí phòng thủ ven biển đã có từ trước. Điều này có thể là để đơn giản hóa việc huấn luyện, đặc biệt là bắn đạn thật.
Các ụ súng / tên lửa là một phần của mạng lưới hệ thống giám sát lớn hơn, chủ yếu là radar. Chúng phục vụ cho cả mục đích dân sự và quân sự, theo dõi các mục tiêu trên không và trên biển.
Trung Quốc đã xây dựng các cụm radar ven biển trong 10-20 năm qua và hiện đang trang bị một loạt các radar hiện đại. Các mạng lưới này thường bao gồm các tòa nhà trên sườn đồi nhìn ra biển.
Nhiều radar hoạt động trong băng tần C và có thể nhìn thấy nhiễu trong hình ảnh vệ tinh của radar Sentinel-1 SAR. (Vệ tinh Sentinel-1 của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu là một công cụ mạnh mẽ cung cấp thông tin tình báo nguồn mở (OSINT).
Tác giả H.I Sutton lưu ý rằng hệ thống tên lửa HY-2 hiện đã không còn được sử dụng và có thể không còn hoạt động tại vị trí xây dựng nói trên.
Nhưng hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy rõ ràng chúng vẫn đang được sử dụng, dù chưa rõ với mục đích gì. Cũng có thể chúng phục vụ các hoạt động huấn luyện của quân đội Trung Quốc.
Anh Minh