3
category
334717

“Hiệu trưởng hạnh phúc” sẽ thay đổi ngành Giáo dục, tại sao không?

Lữ Khách 27/11/2019 16:37

Mới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có một phát ngôn về hạnh phúc, theo tôi đây là một quan điểm rất sâu sắc và tuyệt vời!

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh trong buổi toạ đàm với hơn 400 hiệu trưởng đến từ các trường học trong cả nước rằng “Cả nước hiện có gần 30.000 hiệu trưởng trường phổ thông, khi hiệu trưởng hạnh phúc sẽ tạo ra môi trường tốt cho hơn 800.000 giáo viên phổ thông, giáo viên sẽ tạo hạnh phúc cho trên 16 triệu học sinh, học sinh hạnh phúc sẽ lan tỏa tới phụ huynh, cứ như thế điều tốt, điều thiện sẽ tăng lên và lan tỏa trong xã hội”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đến thăm hỏi thầy cô và các em học sinh tại Trường Tiểu học Tân Hóa. Ảnh: T.ANH

Có ai trong cuộc đời chưa từng một lần trăn trở về câu hỏi “hạnh phúc là gì”? Có ai trong cuộc đời chưa từng nỗ lực để tìm kiếm hạnh phúc cho mình? Nhưng đáp án của mỗi người đều không giống nhau. Tôi không biết khái niệm hạnh phúc trong nhà trường thế nào? Nhưng trên quan điểm cá nhân thì đây là năng lượng mà có nó sẽ khiến giáo viên muốn đến trường, học sinh muốn đi học. Để làm được điều đó thì cần người đứng đầu dẫn lửa mà không ai khác chính là hiệu trưởng. Người đứng đầu có hạnh phúc thì mới truyền đạt được thứ năng lượng tích cực đó cho mọi người!

Và không phải bây giờ người đứng đầu ngành mới đưa khái niệm hạnh phúc này vào chương trình giảng dạy mà chính những vị học giả, các nhà khoa học có những nghiên cứu rất sâu về tâm lý đã khẳng định rất rõ về vấn đề này. Như Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói rằng “Thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới”.

Thật đúng vậy!

Thời đại tiện nghi, vật chất lên ngôi làm con người ta sống vội, có nhiều chọn lựa nhất thời. Những đứa trẻ vừa sinh ra gặp nhiều khó khăn về đời sống tinh thần, nhiều nỗi khổ niềm đau bởi nhiều tác động. Thế hệ học sinh hiện nay dễ bị tổn thương bởi những thứ vô hình nhưng thực chất là hữu hình. Những người thầy, người cô, cũng vì đó mà có nhiều trăn trở hơn trong việc giảng dạy. Không chỉ là trao truyền kiến thức sao cho dễ hiểu mà đóng vai trò là người sẻ chia, là người ươm mầm ngọn lửa, nhiệt huyết trong mỗi học trò luôn hướng đến những giá trị tích cực. Người thầy sẽ phải là người nhìn thấu những khó khăn đó để vực học sinh đứng dậy, truyền tải những thông điệp giản dị mà bấy lâu nay học sinh đã quên để nuôi dưỡng hạnh phúc cho các em. Mỗi sáng đến trường người thầy, người cô cần hỏi bản thân hôm nay mình có bình yên, mình có đủ tươi mát không? Nếu chưa đủ cần làm dịu bản thân lại để lên lớp tưới tẩm những điều tốt lành đến học sinh. Qua nhiều năm tháng những tốt lành nhỏ nhất từ thầy cô sẽ in bóng trên con người của học sinh. Quả ngọt luôn đợi trên những cành cây yêu thương. Và một ngày nào đó nhìn lại lứa học trò ngày ấy nên người, chín chắn là điều bất kì người thầy nào cũng mong đợi.

Thế nhưng nếu nói thầy cô sẽ tạo ra hạnh phúc cho những thế thế hệ học sinh vậy thì ai sẽ là người tạo ra hạnh phúc cho họ? Từ trước đến giờ người ta chỉ xem giáo viên là người lái đò, là kĩ sư tâm hồn thế nhưng đã có ai hỏi họ sống hạnh phúc chưa? Nhất là khi, có bộ phận rất lớn hiệu trưởng coi trường như là sở hữu của riêng mình, từ đó làm hỏng môi trường giáo dục, làm hỏng giáo viên, làm nhiều giáo viên giỏi tâm huyết bất mãn, chán nản. Đơn cử như vụ hiệu trưởng phát tán ảnh nóng của hiệu phó ở Cần Thơ rồi lại vu khống người ta. Rồi đến vụ cô hiệu trưởng lái xe tông học sinh gãy chân nhưng lại bắt cả một ngôi trường phải nói dối để chạy tội cho mình… Có lẽ chính vì vậy, mà người đứng đầu Bộ Giáo dục mới đưa ra những trăn trở về trách nhiệm của hiệu trưởng những ngôi trường này. Chỉ khi các hiệu trưởng hạnh phúc thì mới có sự cảm thông, chia sẻ, vị tha, tạo được môi trường mọi người thương yêu nhau.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh, khi tạo được môi trường hạnh phúc trong nhà trường sẽ hình thành những con người coi trọng cảm xúc để giúp họ phát triển toàn diện. Tôi rất tâm đắc với khái niệm này của Bộ trưởng bởi dường như chúng ta đang có những thế hệ học sinh chỉ biết nhìn vào thành tích từ đó tạo ra những gian lận thi cử chấn động; Chúng ta đang có những thế hệ thầy cô bất mãn và nghèo đói với chính cái nghề mà người ta vẫn nói “dưới ánh mặt trời không có gì cao quý bằng nghề giáo” từ đó có những bi kịch thảm thương như việc các cô phải quỳ gối hay đánh đổi bản thân để được xin vào biên chế; Chúng ta đang có những thế hệ trò không ra trò, thầy không ra thầy để rồi sinh ra những vụ bạo lực học đường, những vụ dâm ô học sinh gây nhức nhối và đau đớn!… Và việc biến chỉ số hạnh phúc là một trong những mục tiêu quan trọng của giáo dục sẽ khiến những vấn nạn trên giải quyết. Khi con người cảm thấy hạnh phúc thì mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản và nhẹ nhàng hơn bao giờ hết!

Như nhà giáo dục Vijaya Lakshmi Pandit đã khẳng định: “Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện”. Và tôi tin với tiêu chí hạnh phúc này thì chúng ta sẽ có những thế hệ học sinh có nước mắt từ trái tim chứ không phải vì não. Hạnh phúc là một quá trình, chúng ta cứ xây đắp, dần dần sẽ lan tỏa. Và từ nền tảng đó tôi tin nền giáo dục sẽ có một cuộc lột xác ngoạn mục trong bối cảnh phải chịu nhiều tai tiếng và áp lực như hiện nay.

Lữ Khách

Đọc nhiều