130115
topics
527375

Hiểu thế nào về tác dụng phụ vắc xin COVID-19?

25/06/2021 07:06

Việc phát triển được nhiều loại vắc xin ngừa SARS-CoV-2 chỉ trong vòng một năm kể từ lúc đại dịch bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) là chuyện chưa từng có và là thành tựu to lớn trong lịch sử nhân loại.

Hiểu thế nào về tác dụng phụ vắc xin COVID-19? - Ảnh 1.
Anh Sirgregory Allen thuộc Tổ chức cộng đồng Better Men Outreach đang gõ cửa một gia đình ở thành phố Detroit, bang Michigan (Mỹ) để cung cấp thông tin về những nơi họ có thể tới tiêm vắc xin COVID-19 trong khu vực cũng như trả lời mọi thắc mắc liên quan việc tiêm vắc xin trong tháng 5-2021 – Ảnh: Reuters

Tính đến ngày 3-6 năm nay, dựa trên các đánh giá về mức độ an toàn và hiệu quả bảo vệ kháng virus SARS-CoV-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 6 loại vắc xin COVID-19 của các công ty: Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sinopharm và Sinovac.

Người trẻ dễ gặp tác dụng phụ

Hiệu quả của nhiều loại vắc xin COVID-19 đã vượt quá mong đợi, nhiều người hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi. Tuy nhiên, một số thách thức vẫn còn.

Việc chủng ngừa vẫn chưa hoàn thành ở các nước phát triển và hầu như chưa được bắt đầu ở nhiều nước đang phát triển, khi quan sát trên bản đồ vắc xin thế giới. Điều này cho thấy việc đạt được miễn dịch trên toàn thế giới để kháng lại virus SARS-CoV-2 có thể mất vài năm.

Tại Việt Nam, đến nay chỉ khoảng 2,4 triệu liều vắc xin được tiêm chủng, trong đó số lượng người tiêm đủ 2 liều là hơn 120.000 người, chiếm 0,12% tổng dân số cả nước. Đây là một con số vô cùng khiêm tốn khi so sánh với các nước láng giềng như Thái Lan (3,2%), Lào (6,3%), Campuchia (16,7%), Singapore (36,1%) nếu như bỏ qua nguồn gốc vắc xin sử dụng.

Các chuyên gia y tế khẳng định các vắc xin COVID-19 được WHO cấp phép là an toàn và là giải pháp quan trọng giúp chúng ta thoát khỏi đại dịch. Việc tiêm phòng vắc xin COVID có thể giúp mọi người ngăn chặn bệnh nặng hoặc tử vong do COVID-19.

Thế nhưng, sự do dự tiêm phòng vắc xin vì nỗi sợ hãi về các tác dụng phụ của nó đang ngày càng gia tăng ở một số nhóm người có thể làm đại dịch kéo dài.

Trên thực tế, hầu hết các loại vắc xin, bao gồm cả vắc xin COVID-19, đều có tác dụng phụ ở các mức độ khác nhau tùy vào độ tuổi và cơ địa mỗi người. Nhóm người trẻ tuổi có hệ thống miễn dịch mạnh hơn, thường ghi nhận gặp tác dụng phụ mạnh hơn so với người lớn tuổi.

Các tác dụng phụ ngắn hạn thường gặp nhất sau khi tiêm vắc xin COVID-19 là đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh và có thể sốt nhẹ. Hầu hết các phản ứng này đều nhẹ và tự biến mất trong vài ngày.

Trong hầu hết các trường hợp, chúng có thể được kiểm soát bằng cách nghỉ ngơi, uống nhiều nước không cồn, vận động nhẹ cánh tay và sử dụng thuốc với các tác dụng phụ điển hình (như dùng paracetamol để hạ sốt và giảm đau).

Những tác dụng phụ này là dấu hiệu của việc hệ thống miễn dịch bắt đầu hoạt động. Chúng không phải là tín hiệu cho thấy vắc xin không an toàn. Các tác dụng phụ sau lần tiêm vắc xin thứ hai có thể dữ dội hơn so với lần tiêm đầu tiên.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, việc chích vắc xin COVID có khả năng gây ra sốc phản vệ – đó là một phản ứng dị ứng cấp tính và có khả năng đe dọa tính mạng.

Xác suất rất thấp

Trong số 2,4 triệu liều vắc xin đã được chích ở Việt Nam, cho tới nay Bộ Y tế chỉ ghi nhận một trường hợp sốc phản vệ dẫn đến tử vong sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca vào ngày 7-5 tại An Giang. Một con số cực thấp nếu ta so sánh với số người đã chết vì COVID-19 ở Việt Nam (72 người).

Tương tự, cả vắc xin của Pfizer-BioNTech và Moderna (hai loại vắc xin được cho là tốt nhất hiện nay) đều có khả năng gây ra sốc phản vệ với xác suất rất thấp.

Dữ liệu gần đây nhất từ Cơ quan Quản lý và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy sốc phản vệ xảy ra từ 2 đến 5 trường hợp trên một triệu liều tiêm vắc xin.

Đa số các trường hợp sốc phản vệ đều xảy ra trong vòng 30 phút sau khi tiêm. Đặc biệt, nhiều người bị sốc phản vệ có tiền sử dị ứng nghiêm trọng và một số người đã từng bị sốc phản vệ trước đó.

Do vậy, trung tâm tiêm ngừa vắc xin phải thực hiện khám sàng lọc trước khi tiêm với những người có tiền sử phản ứng phản vệ hay dị ứng, và khuyến cáo mọi người nên được theo dõi trong 30 phút sau khi tiêm vắc xin COVID-19.

Trong trường hợp khác như khó thở, đau ngực, lú lẫn, mất khả năng nói hoặc khả năng vận động sau 24h tiêm, hãy gọi ngay cho bác sĩ hoặc chuyển đến trạm y tế địa phương gần nhất.

Tóm lại, tiêm ngừa vắc xin COVID-19 là giải pháp an toàn giúp bạn ngăn chặn diễn tiến bệnh nặng hoặc tử vong gây ra do virus SARS-CoV-2.

Dẫu vậy, vắc xin COVID-19 có thể không hoàn toàn ngăn chặn sự xâm nhiễm của virus SARS-CoV-2. Do đó, tuân thủ quy tắc 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) vẫn luôn cần thiết để phòng dịch bệnh ngay cả với những người đã tiêm vắc xin.

TRẦN MINH TRANG

Đọc nhiều