419
category
401377

Hiểu thế nào cho đúng chuyện “bỏ sổ hộ khẩu”?

Han Cao 16/06/2020 11:50

Cần phân biệt rõ chính sách “bỏ sổ hộ khẩu” chứ không phải “bỏ hộ khẩu”. Thoạt nghe có vẻ hai cụm từ không khác nhau là mấy nhưng về bản chất lại khác nhau hoàn toàn và có thể gây hiểu nhầm trong quá trình thực hiện.

Bỏ sổ hộ khẩu là một bước tiến lớn trong quá trình cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam.

Bỏ sổ hộ khẩu là bỏ hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu

Bỏ sổ hộ khẩu là bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu thay bằng hình thức quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Hiện nay theo luật Cư trú do Quốc hội ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2006, sổ hộ khẩu có giá trị xác định nơi thường trú của công dân được cấp cho cá nhân hoặc hộ gia đình. Nếu bỏ sổ hộ khẩu nghĩa là bỏ hình thức quản lý bằng sổ, những giá trị thông tin về nơi thường trú của công dân sẽ được cập nhật lên hệ thống điện tử. Trong đó mỗi công dân sẽ có một mã số định danh cá nhân thể hiện đầy đủ các thông tin liên quan về tên, tuổi, giới tính, ngày sinh, quan hệ nhân thân…

Nhiều cá nhân nhầm với việc bỏ hộ khẩu là rất tai hại trong quá trình thực thi chính sách. Nếu bỏ hộ khẩu thì việc quản lý dân cư rất phức tạp, có thể dân cư các tỉnh lẻ sẽ tràn hết về các thành phố trung tâm, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Khi đó việc quản lý dân cư càng trở nên khó khăn. Căn cứ vào Luật Cư trú năm 2006, luật Thủ đô năm 2012, luật Hộ tịch 2014 … giúp quản lý và hạn chế một cách mạnh mẽ lượng dân cư  di dân tự do vào sống ở các thành phố lớn.

Có bỏ hộ khẩu được không?

Giả sử nếu bỏ hộ khẩu là có thật trong tương lai thì là một điều rất đáng mừng vì khi đó luật hiện thực hóa được tinh thần của Hiến pháp 2013: “Người dân có quyền tự do cư trú”. Nhưng làm công tác quản lý nhà nước cần dựa trên tình hình thực tế để có chính sách phù hợp và đúng lúc. Bỏ hộ khẩu trong điều kiện hiện nay là chưa thể và chưa khả quan, bởi lẽ:

Thứ nhất, bỏ hộ khẩu liên quan đến vấn đề cư trú, vấn đề cư trú được quản lý dựa theo luật Cư trú 2006 có quy định về tạm trú, thường trú, điều kiện đăng ký hộ khẩu, nhập hộ khẩu, tách hộ khẩu … Hơn thế nó còn liên quan đến nhiều luật khác nữa như: Luật Hộ tịch 2014, luật Đất đai 2013, luật Nhà ở 2014, luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung 2014, luật Căn cước công dân 2014… Như vậy nếu bỏ hộ khẩu tức là phải bàn bạc, chuẩn bị rất nhiều bước để các luật liên quan cũng được bổ sung và sửa đổi cho phù hợp. Việc bỏ hộ khẩu là chưa thể diễn ra và chúng ta không nên nhầm lẫn bỏ sổ hộ khẩu và bỏ hộ khẩu, bản chất hai hành vi khác nhau rất lớn.

Thứ hai, bỏ hộ khẩu hiện tại chưa thể thực hiện là vì nếu bỏ hộ khẩu thì công tác quản lý dân cư hiện đã phức tạp càng thêm phức tạp. Lấy ví dụ trường hợp Hà Nội hiện nay có khoảng hơn 9 triệu dân trong đó có hơn 1,2 triệu dân thuộc diện tạm trú. Nếu bỏ hộ khẩu đồng nghĩa họ không chịu các điều kiện sàng lọc trong luật Cư trú 2006 và ngay lập tức họ sẽ yêu cầu chuyển sang thường trú. Khi này họ sẽ được hưởng các chính sách an sinh xã hội hiển nhiên đối với dân cư thường trú tại Hà Nội. Bài toán đặt ra phân bổ ngân sách như nào? Lấy thêm nguồn ngân sách ở đâu để bù vào lượng dân tăng một cách cơ học đó? Trong khi vấn đề dân cư tăng cơ học đã rất khó khăn nan giải đối với các quận nội thành, hầu như không thể giải quyết thêm vì nó liên quan đến vấn đề kinh tế, chi phí. Thêm vào đó, việc gia tăng dân số như vậy kéo theo nhiều vấn đề khác về an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn trung tâm tỉnh, thành phố đó. Những khó khăn đó hiện đang được điều chỉnh bởi luật Thủ đô 2012 nhằm hạn chế sự di dân cơ học vào trung tâm Thành phố Hà Nội. Tuy nó gây ra sự bất bình đẳng về người có hộ khẩu ở Hà Nội và người không có hộ khẩu ở Hà Nội, nhưng là giải pháp cần thiết trong điều kiện hiện nay.

Thứ ba, việc bỏ sổ hộ khẩu hiện đang được tiến hành gấp rút vẫn chưa hoàn thành đừng nói đến chuyện bỏ hộ khẩu. Hiện nay mới có 18 triệu mã số định danh công dân được cấp còn gần 80 triệu mã số nữa chưa được cấp. Liệu có kịp thời hạn sang năm để bỏ sổ hộ khẩu? Chúng ta nên hiểu rõ bản chất hai cụm từ “bỏ sổ hộ khẩu” và “bỏ hộ khẩu” để công tác thực thi được tiến hành thuận lợi, nhanh chóng.

Tóm lại, hiện nay chúng ta đang tiến hành chính sách “bỏ sổ hộ khẩu” tức là bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ sang hình thức quản lý điện tử bằng mã số định danh cá nhân. Hoàn toàn không phải là “bỏ hộ khẩu”, tránh trường hợp hiểu nhầm dẫn đến tuyên truyền và thực hiện sai.

“Bỏ sổ hộ khẩu” chúng ta được nhiều hơn mất

Thay đổi sổ hộ khẩu bằng mã số định danh là một cải cách rõ nét về thủ tục hành chính hướng tới mục tiêu quản lý dân cư hiệu quả hơn tiết kiệm chi phí hơn. Cụ thể, bỏ sổ hộ khẩu người dân sẽ bớt đi rất nhiều thủ tục hành chính, mỗi lần đi làm thủ tục hành chính chúng ta phải mang theo sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận các loại… Nhưng với hình thức quản lý bằng mã số định danh thì các thông tin cá nhân của công dân đã có sẵn trên hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hiện có khoảng 2.705 thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin cá nhân của công dân, 1273 thủ tục hành chính yêu cầu có thông tin về bản sao có chứng thực giấy tờ của công dân. Nếu bỏ sổ hộ khẩu thay vào số định danh cá nhân thì các thông tin đó cơ quan quản lý đã có sẵn nên người dân không cần xuất trình hay chứng minh nữa.

Khi kho dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thành kết nối liên thông với các lĩnh vực quản lý xã hội khác thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và lưu trữ. Các ngành như bảo hiểm, ngân hàng, y tế, giáo dục có thể khai thác kho dữ liệu dân cư quốc gia qua đó giảm bớt các chi phí hành chính cũng như thủ tục cho người dân.

Về mặt quản lý nhà nước, rõ ràng khi quản lý bằng số định danh cá nhân sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, tăng tính công khai minh bạch, tiết kiệm thời gian và công sức của công chức, viên chức cũng như người dân. Ở góc độ này công tác quản lý theo hướng điện tử hóa, phù hợp chủ trương chính phủ điện tử, quản lý nhà nước thời đại 4.0. Suy cho cùng đều nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giảm thiểu thời gian, thủ tục hành chính cho người dân từ đó tiết kiệm ngân sách từ tiền thuế của người dân, mở lối cho sự hội nhập quốc tế. Bỏ sổ hộ khẩu chúng ta được rất nhiều, nếu mất có chăng chúng ta mất đi sự rườm rà trong thủ tục hành chính trước nay.

Từ những lợi ích thiết thực của việc “bỏ sổ hộ khẩu” trên, chúng ta cần hiểu rõ và hiểu chính xác khái niệm để tuyên truyền và giải thích xác đáng cho người dân cũng như hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi sang hình thức quản lý bằng số định danh cá nhân kịp tiến độ.

Han Cao

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều