Hiểu đúng vị thế của Việt Nam trong ý tưởng gắn kết Mỹ với châu Á
Trong bối cảnh quan hệ quốc tế tại châu Á – Thái Bình Dương ngày càng chuyển biến nhanh chóng, khó lường, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn đã được đặt ra. Trong đó, yêu cầu về một khuôn khổ kinh tế, chính trị mới cho khu vực và thế giới. Việt Nam đã và đang tham gia rất tích cực vào quá trình ấy, với vị thế là một kênh tham khảo.
Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) là một sáng kiến do chính quyền Tổng thống Mỹ Biden khởi xướng, với mục đích kết nối các quốc gia châu Á lại với nhau trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Xem xét những thách thức mà các nền kinh tế này phải đối mặt trong thế kỷ XXI và tập trung vào các vấn đề chưa xử lý được trong quá khứ cũng là những nhiệm vụ của định chế trên. Không dừng lại ở đó, như tên gọi của mình, IPEF còn có tham vọng kiến tạo một khuôn khổ kinh tế cho khu vực châu Á, trên cơ sở của 4 trụ cột, gồm: Kinh tế số, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và minh bạch về đầu tư. Các bên tham gia sẽ cùng thảo luận các nguyên tắc liên quan, có thể lựa chọn tham gia bất kỳ trụ cột nào hoặc cả bốn.
Trong suốt quá trình từ xây dựng ý tưởng cho đến triển khai trên thực tế, Việt Nam chỉ đang ở vào giai đoạn tham gia thảo luận hình thành khuôn khổ, không phải đàm phán chính thức. Do đó, trên lý thuyết, điều này vẫn không đi ngược lại với chủ trương, đường lối về một Việt Nam độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Chưa kể, mặc dù xuất phát từ cạnh tranh nước lớn và nhu cầu mở rộng ảnh hưởng, lợi ích của Mỹ, nhưng rõ ràng là, sự có mặt của Việt Nam với tư cách là một kênh tham khảo chính, một chủ thể không thể bỏ qua của một khuôn khổ kinh tế mới đang và sẽ hình thành cho thấy nhiều điều tích cực. Trước hết, đó là vị thế của nước ta ngày càng được đánh giá cao trong nhãn quan của các nhà hoạch định chính sách quốc tế. Nhân tố Việt Nam trở nên cực kì quan trọng nếu các bên liên quan muốn tạo ra một chiến lược phát triển lâu dài. Ngoài ra, xét về lợi ích, Việt Nam cũng sẽ hưởng được nhiều từ sự ra đời của các mô hình liên kết khu vực kiểu như IPEF.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, phần lớn các trụ cột mà IPEF đưa ra tương đối phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam. Ngoài ra, IPEF cũng sẽ góp phần củng cố thêm mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư với đối tác kinh tế lớn nhất thế giới này. Cho đến nay, nhiều người vẫn đang rất kỳ vọng rằng khuôn khổ này sẽ trở thành bước đệm hỗ trợ Việt Nam trở thành nền kinh tế nổi bật trong khu vực. Một chương trình nghị sự kinh tế tích cực, hiệu quả, khả thi cho khu vực và cho mỗi nước, hướng đến một khuôn khổ hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, vì hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng cho khu vực và thế giới là điều mà mọi người dân ở mọi nước hằng mong mỏi khi một năm đầy sóng gió và ảm đảm đã đi qua.
Tuy nhiên, trong hiện tại, Việt Nam vẫn đang tìm kiếm các cuộc thảo luận sâu hơn để làm rõ các khía cạnh của IPEF, đảm bảo phù hợp với chiến lược tăng trưởng của Việt Nam. Đặc biệt hơn, điều khiến cho nhiều người kỳ vọng vào sự thành công của IPEF là nó tuyên bố sự trung lập của mình trước câu chuyện cạnh tranh giữa các đại cường. Không gây ra tư duy “kiềm chế sức mạnh Trung Quốc” được cho là một nguyên tắc quan trọng của IPEF. Các nước tham gia thảo luận, trong đó có Việt Nam, khẳng định, sự có mặt của họ trong các buổi thảo luận kiểu như thế không có nghĩa rằng họ đã chọn “phe” trong ván cờ quyền lực giữa các nước lớn. Họ hoàn toàn có quyền thảo luận và góp phần hình thành một trật tự kinh tế mới.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam cho rằng IPEF cần dựa trên các nguyên tắc mở, bao trùm, minh bạch, phù hợp với luật pháp quốc tế, vai trò trung tâm của ASEAN và bổ sung cho cho các liên kết kinh tế đã có”. Từ đó, chúng ta càng thấy rõ chủ trương và tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam với IPEF.
Đăng V