Hiệp hội thép phản ứng mạnh với đề xuất “tăng thuế để ngăn thép Trung Quốc”
Bộ Tài chính cho rằng việc tăng thuế suất thép cán nóng sẽ giúp tăng thu ngân sách nhà nước khoảng 137,15 triệu USD, tương đương 3.152 tỉ đồng.
Liên quan đến việc Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Nghị định 125/2017 theo hướng tăng thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thường (MFN) đối với thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 từ 0% lên 5%, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có văn bản góp ý vấn đề này.
VSA cho rằng biện pháp tăng thuế suất MFN đối với thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 không những không hạn chế được thép Trung Quốc mà còn tạo cơ hội để lượng thép nhập từ Trung Quốc gia tăng.
Cụ thể, Việt Nam và Trung Quốc đều tham gia Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) nên thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt 0% theo hiệp định này. Do đó, nếu tăng thuế suất MFN từ 0% lên 5%, thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 của Trung Quốc sẽ vẫn được nhập khẩu vào Việt Nam với thuế suất 0%.
VSA dẫn số liệu 5 tháng đầu năm 2019 cho thấy Việt Nam nhập khẩu thép cuộn cán nóng từ Trung Quốc chiếm 35%, tiếp theo là Ấn Độ và một số thị trường khác. Việc tăng thuế suất MFN vô hình trung sẽ ngăn chặn các nguồn nhập khẩu thép từ Ấn Độ, Brazil… Và việc thép cuộn cán nóng nhập từ Ấn Độ, Brazil,…. phải chịu mức thuế suất 5% thay vì 0% như hiện nay (do Việt Nam chưa có FTA với những nước này hoặc không cam kết thuế nhập khẩu ưu đãi), dẫn đến không cạnh tranh được với thép Trung Quốc. “Khi đó lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ chiếm tỉ trọng ít nhất 70%-80% tổng lượng thép cuộn cán nóng nhập khẩu vào Việt Nam” – VSA nhận định.
Cũng theo VSA, việc tăng thuế sẽ gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất cán nguội, tôn mạ và ống thép nội địa trong bối cảnh các ngành sản xuất này đang gặp khó khăn. Lý do là các doanh nghiệp sẽ bị hạn chế nguồn cung trong khi sản lượng sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ thép cuộn cán nóng của Việt Nam hiện nay vào khoảng 10-11 triệu tấn/năm nhưng công suất sản xuất trong nước tối đa chỉ khoảng 4 triệu tấn/năm, tức chỉ đáp ứng khoảng 30%. Tuy nhiên, thực tế sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 10%-13%/năm.
Đặc biệt, nếu thuế nhập khẩu tăng lên sẽ ảnh hưởng đến chi phí giá thành sản phẩm. Từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôn mạ Việt Nam. Nếu tăng thuế thêm 5% thì giá nguyên liệu trung bình tại Việt Nam cao hơn giá thế giới từ 8% – 9%, giá thành phẩm cũng tăng tương ứng.
Do đó, VSA kiến nghị Bộ Tài chính không điều chỉnh tăng thuế suất MFN đối với sản phẩm này. Đồng thời, Bộ Công Thương chưa áp dụng bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào đối với mặt hàng thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 nói chung.
Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, việc tăng thuế suất thép cán nóng từ 0% lên 5% giúp tăng thu ngân sách nhà nước khoảng 137,15 triệu USD, tương đương 3.152 tỉ đồng.
Tr.Nguyễn – P.Nhung/Người Lao Động