‘Hiệp định thương mại tham vọng nhất’ và vị thế đặc biệt của Việt Nam
EVFTA chắc chắn sẽ là một động lực tích cực trong nỗ lực hình thành hiệp định thương mại tự do của toàn khu vực ASEAN với Liên minh châu Âu, trong đó Việt Nam đóng vai trò cầu nối.
Nicholas Chapman là nhà nghiên cứu người Anh hiện làm việc tại Nhật Bản. Ông nhận bằng Tiến sĩ Quan hệ quốc tế của Đại học quốc tế Nhật Bản. Nghiên cứu của ông liên quan tới các vấn đề an ninh quốc tế và nội chính của các nước châu Á – Thái Bình Dương, tập trung vào Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản.
Nhà kinh tế học người Mỹ Walt Whitman Rostow từng chỉ ra năm giai đoạn của tăng trưởng, bắt đầu từ xã hội truyền thống, tiền cất cánh, cất cánh, trưởng thành về công nghệ, cuối cùng là phân phối đại trà.
Việt Nam lúc này đã hoàn tất giai đoạn thứ ba và đang tiến đến trưởng thành về công nghệ.
Vài tuần trước, những chiếc ôtô Việt đầu tiên bắt đầu lăn bánh. Trước đó, ngân hàng DBS dự đoán quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt Singapore vào năm 2029.
Và ngày 30/6, sau 3 năm 6 tháng chờ đợi, hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức được ký kết.
Thời khắc quan trọng
Để có được lễ ký kết ngày hôm nay, EVFTA đã trải qua không ít trắc trở.
Hiệp định thương mại tự do này nhen nhóm từ giữa năm 2012 và hoàn tất đàm phán cuối năm 2015, nhưng hàng loạt rào cản khiến hai bên chưa thể đặt bút ký chính thức.
Thế nhưng, Việt Nam đã thể hiện cam kết chắc chắn trong việc cải thiện thể chế thông qua nhiều biện pháp, đặc biệt là cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
EVFTA xuất hiện giúp Việt Nam vừa làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại với EU, vừa như một chiến lược phòng vệ rủi ro.
Có thể nói, EVFTA là một trong những hiệp định tham vọng nhất giữa EU với một nước đang phát triển. Ngoài việc châu Âu hiện là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của Việt Nam chỉ sau Trung Quốc, thời điểm hiệp định được ký kết cũng vô cùng thú vị trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ -Trung vẫn tiếp diễn.
Nghiên cứu của ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu hàng hoá từ các nền kinh tế như Việt Nam, Chile và Đài Loan để tránh những màn trả đũa thuế quan trong bối cảnh căng thẳng thương mại. Kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ và Trung Quốc chiếm gần 8% GDP của Việt Nam.
Tuần rồi, Tổng thống Mỹ Donald Trump có phát biểu về quan hệ kinh tế – thương mại Việt Nam – Mỹ, cảnh báo Việt Nam có thể sẽ là quốc gia tiếp theo bị Mỹ đánh thuế. Trong lúc mọi thứ vẫn còn mơ hồ, EVFTA xuất hiện giúp Việt Nam vừa làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại với EU, vừa như một chiến lược phòng vệ rủi ro.
Khi có hiệu lực, hiệp định sẽ loại bỏ ngay lập tức 65% thuế quan đối với hàng EU vào Việt Nam, và 71% thuế quan đối với hàng Việt sang EU. Tổng thể, EVFTA sẽ dỡ bỏ 99% hàng rào thuế quan giữa hai bên.
EVFTA cũng phù hợp với những cam kết chung của Việt Nam về việc tiếp tục tham gia sâu hơn vào quá trình toàn cầu hóa, thương mại và hợp tác quốc tế.
EVFTA chắc chắn sẽ là một động lực tích cực trong nỗ lực hình thành hiệp định thương mại tự do của toàn khu vực ASEAN với EU.
Việt Nam ngày càng được tôn trọng hơn trong vai trò một đối tác toàn cầu hướng tới hòa bình. Dù Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều không đạt được kết quả như kỳ vọng, Việt Nam đã tổ chức sự kiện tận tâm, thành công và được đông đảo cộng đồng quốc tế khen ngợi.
Với vị trí chiến lược cũng như nền chính trị ổn định của mình, Việt Nam được xem như cây cầu giữa khối ASEAN và thị trường Trung Quốc. Thêm vào đó, vùng biển rộng lớn khiến Việt Nam có vai trò chiến lược trong thương mại hàng hải. Vì vậy, nhiều nước coi Việt Nam là nơi thử nghiệm trong việc làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác khu vực khác.
Một ví dụ khác là hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) được ký kết vào năm 2015. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khi đó cho rằng thỏa thuận giữa Việt Nam và EAEU là “dự án dẫn đường cho tự do thương mại giữa Nga và ASEAN” và “Việt Nam có thể đóng vai trò cầu nối làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại giữa Nga và khối ASEAN.”
Quan hệ đối tác thương mại Việt Nam – EU cũng không phải là ngoại lệ. EU đang tìm cách củng cố và mở rộng quan hệ với các đối tác khác trong ASEAN.
Do đó, EVFTA chắc chắn sẽ là một động lực tích cực trong nỗ lực hình thành hiệp định thương mại tự do của toàn khu vực ASEAN với Liên minh châu Âu.
Đưa Việt Nam đi đúng quỹ đạo
Một trong những khía cạnh thú vị nhất của EVFTA là từ đó, Việt Nam buộc phải xác định lại mô hình tăng trưởng kinh tế theo hai con đường.
Thứ nhất, EVFTA có riêng một chương về cam kết thương mại và phát triển bền vững. Nội dung chương này chỉ ra cam kết của cả hai bên trong việc đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và lao động.
Trong những năm trở lại đây, các nước tiên tiến đã tìm cách tận dụng lợi ích chung của các thỏa thuận thương mại để thúc đẩy một hệ thống thương mại “xanh” và công bằng hơn. Qua đó, góp phần vào việc bảo vệ môi trường cũng như quyền lợi của người lao động.
Tuy nhiên, về vấn đề môi trường, Việt Nam lại là một trong những nước có tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên biển tồi tệ nhất thế giới. Phát biểu tại phiên họp về khí hậu – môi trường ở thượng đỉnh G20 tại Osaka ngày 29/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định Việt Nam đã và đang huy động sự tham gia của cả xã hội vào phong trào chống rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Tập đoàn đồ uống Suntory của Nhật đang kêu gọi Việt Nam thành lập một hệ thống tái chế rác thải nhựa quy mô lớn. Coca-Cola và Nestle cũng có những động thái tương tự.
Trong lúc biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường luôn được quan tâm trong các chương trình nghị sự của cộng đồng thế giới, Việt Nam cần phải nâng cao năng lực của mình trong việc đảm bảo phát triển bền vững.
Nội dung chương về thương mại và phát triển bền vững đã nêu rõ: “Mỗi bên đều không được loại bỏ hay cắt giảm, hoặc đề nghị loại bỏ hay cắt giảm các tiêu chuẩn, quy định pháp luật về môi trường, lao động của mình theo hướng ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU”.
Điều này đồng nghĩa với việc EU có quyền đưa ra các hình thức giải quyết tranh chấp – được xác định trong một chương khác của EVFTA – trong trường hợp Việt Nam muốn loại bỏ các tiêu chuẩn về môi trường ra khỏi hiệp định.
Sự cam kết tuyệt đối của EU trong vấn đề bảo vệ môi trường buộc Việt Nam phải lưu tâm nhiều hơn hơn và giảm bớt sự tập trung chỉ vào tăng trưởng kinh tế.
Sự cam kết tuyệt đối của EU trong vấn đề bảo vệ môi trường buộc Việt Nam phải lưu tâm nhiều hơn và giảm bớt sự tập trung chỉ vào tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, việc thực thi các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam từ trước đến nay cho thấy những vấn đề phát sinh trong khi tăng trưởng là không thể tránh khỏi.
Dẫu vậy, Việt Nam đã và đang tạo được nhiều thành tựu. Chính vì thế, đây được xem là động lực đáng hoan nghênh với Việt Nam trong việc mở rộng phổ tăng trưởng kinh tế, bao gồm bảo vệ nền kinh tế cũng như người lao động.
Mô hình Rostow đề cập ở trên từng bị chỉ trích do con đường phát triển tuyến tính và các nguyên tắc theo chủ nghĩa tân tự do một cách khốc liệt. Tuy nhiên, trong một thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề của sức tiêu dùng khổng lồ, thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và EU sẽ giải quyết được những vấn đề này.
Thật vậy, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng đáng kể từ sau Đổi mới. Nhưng xu hướng toàn cầu gần đây đã chỉ ra một cách tiếp cận bên lề hơn, trong đó có những tiêu chuẩn về lao động và môi trường cần được xem xét. Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể trên các vấn đề này.
Vẫn cần thời gian để chứng minh kết quả của EVFTA. Nhưng chắc chắn hiệp định này là một bước đi đúng đắn và sẽ là một trong những yếu tố quan trọng với con đường phát triển của Việt Nam.
Nicholas Chapman
(Theo Zing News)