3
category
602445

Khi tổ chức Phóng viên không biên giới nói láo tình hình tự do báo chí ở Việt Nam

Mai Anh 09/05/2022 09:44

Tự do báo chí ở Việt Nam luôn là đề tài để những tổ chức phi Chính phủ không có thiện chí với Việt Nam nhắc tới với những thông tin không chính xác. Minh chứng rõ nét đó là Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) “lần thứ n” xếp Việt Nam ở vị trí 174/180 quốc gia và vùng lãnh thổ về Chỉ số tự do báo chí.

Hoạt động báo chí của Việt Nam khá thoải mái nhưng RSF vẫn xuyên tạc Việt Nam không có “tự do báo chí”.

Được biết, Tổ chức Phóng viên không biên giới là một tổ chức phi chính phủ hoạt động toàn cầu, hoạt động dựa trên Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền với mục đích bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ. Tổ chức này có tôn chỉ mục đích mỹ miều và cao quý là vậy, thế nhưng những hoạt động của tổ chức này dường như đang đi ngược lại mục đích của tổ chức khi được thành lập.

Thân sinh là một tổ chức phi chính phủ, tuy nhiên quỹ hoạt động của RSF lại đến phần lớn từ Chính phủ Pháp và Chính phủ Mỹ thông qua nhiều con đường khác nhau như thông qua Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ (NED). Tuy mục đích hoạt động là bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, nhưng RSF không đưa ra khái niệm về “tự do báo chí”, tức là tổ chức này đã không hình thành được một định nghĩa và cách hiểu cơ bản về tự do báo chí, những yếu tố được tổ chức này sử dụng để đánh giá tự do của một nền báo chí không cân nhắc đến các yếu tố văn hóa, xã hội, nhận thức của từng quốc gia riêng biệt mà những đánh giá và xếp hạng của tổ chức này luôn dựa vào “danh sách đen” của Bộ Ngoại giao Mỹ, mà trong “danh sách đen” này luôn có tên Việt Nam. Việc lấy tiêu chuẩn của “tự do báo chí” của Mỹ và phương Tây để đánh giá tự do báo chí toàn cầu đã khiến Việt Nam và những nước như Iran, Syria, Triều Tiên, Cuba, Trung Quốc đã nhiều lần “bức xúc” trước quy cách đánh giá “vô thiên vô pháp” và vô cùng phiến diện của tổ chức này.

Ở mặt khác, Tổ chức Phóng viên không biên giới lại “giả mù, giả điếc”, không đưa ra bất kỳ báo cáo nào về hoạt động chống lại nhà báo của Mỹ và các đồng minh như việc 176 người hoạt động trên lĩnh vực truyền thông bị giết hại tại Philippines từ năm 1986 đến nay, hay việc 16 nhà báo bị giết chết trong một lần NATO không kích Đài truyền hình Nam Tư (RTS) cũng tuyệt nhiên không được nhắc đến trong bất cứ một bản báo cáo nào. Có vậy chúng ta mới có thể thấy sức mạnh của “đồng đôla” có thể xoay chuyển cục diện của một tổ chức phi chỉnh phủ hoặc tiến xa hơn đó là sức mạnh “đổi trắng thay đen” một cách trắng trợn.

RSF tuyệt nhiên không bao giờ nhắc đến sự kiện NATO không kích Đài truyền hình Nam Tư.

Nghe đến việc Việt Nam xếp hạng gần áp chót bảng xếp hạng về chỉ số tự do báo chí, có lẽ những người “bức xúc” nhất phải kể đến là những người đã và đang hoạt động trong ngành báo chí, truyền thông. Bởi đánh giá như vậy không khác gì “xóa sổ” những bài viết trích dịch thông tin trên báo chí phương Tây mà giờ đây lại bị cho là hoạt động trong môi trường “không có tự do báo chí”. Tiếp theo là 816 cơ quan báo chí, 17.161 nhà báo và hơn 40.000 cộng tác viên báo chí là những đối tượng bị “tổn thương sâu sắc” bởi cách xếp hạng chủ quan này.

Vì cách đánh giá phiến diện đó, Tổ chức Phóng viên không biên giới chắc chắn không biết Việt Nam là quốc gia thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, sớm tham gia vào các điều ước quốc tế về bảo đảm các quyền cơ bản của con người và quyền công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Trên phương diện pháp lý, tổ chức này ắt hẳn không nắm được tất cả các bản Hiến pháp của nước ta (các năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013) đều có những quy định về tự do ngôn luận, tự do báo chí và khẳng định đây là một trong những quyền cơ bản nhất của con người, của mọi công dân. Ở mỗi bản Hiến pháp, nội dung này được kế thừa, phát triển phù hợp từng điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Từ ngay Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đã quy định một cách khái quát quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Những quyền cơ bản này đã được phát triển xuyên suốt trong các bản Hiến pháp của Việt Nam và tiếp tục được khẳng định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy, qua các lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, Việt Nam luôn khẳng định, tôn trọng và có quy định bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí chân chính của nhân dân.

Nội hàm của quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân tiếp tục được thể hiện trong các Điều 10 và Điều 11 Luật Báo chí năm 2016, theo đó công dân đầy đủ có các quyền tự do báo chí: Sáng tạo tác phẩm báo chí; Cung cấp thông tin cho báo chí; Phản hồi thông tin trên báo chí; Tiếp cận thông tin báo chí; Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; In, phát hành báo in. Còn nếu RSF vẫn còn “ngoan cố” đánh giá sai về tình hình tự do báo chí thì Điều 13, Luật Báo chí năm 2016 sẽ vạch trần sự “lếu láo” của bảng xếp hạng kia, theo đó đã ghi rõ: “Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”.

Trang Đài Á Châu tự do liên tục đăng bài tiếp tay bêu riếu tình hình tự do báo chí của Việt Nam.

Sức mạnh và tính tự do báo chí tại Việt Nam là điều không thể chối cãi, việc đưa thông tin chính xác, nhanh nhạy, làm tốt vai trò phản biện xã hội của báo chí đã đưa nhiều vụ việc ra ánh sáng và đến hồi kết như Dự án khách sạn trong khuôn viên Công viên Thống nhất, Trung tâm thương mại 19-12, thành phố hai bên bờ sông Hồng, đường sắt cao tốc, bô xít Tây Nguyên, sự cố thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam), được – mất khi xây dựng thủy điện Đông Nai 6 và 6A, vụ thu hồi đất đai tại Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên)…

Tựu chung lại, việc quy chụp, xuyên tạc để “bẻ cong” tình hình báo chí Việt Nam là một trong nhiều chiêu bài nhằm chống phá của những kẻ luôn nuôi tham vọng thay đổi chế độ ở Việt Nam. Điều này đã trở nên “lạc lõng” khi tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được tôn trọng và bảo vệ trên cơ sở từng người dân, từng nhà báo thực hiện đúng pháp luật, nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của công dân.

Mai Anh

Đọc nhiều