Hiến kế giải quyết tình trạng người dân ồ ạt về quê sau ngày giãn cách
Tối qua, sau khi nới lỏng quy định giãn cách, cửa ngõ của TP.HCM lại thất thủ. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên, mà nó diễn ra liên tục khi thành phố có quy định đóng hay mở cửa mới. Người dân muốn về, lãnh đạo thành phố kêu gọi ở lại, bài toán lập đi lập lại chưa có lời giải.
Thẳng thắn thừa nhận, thời gian qua dù chính quyền thành phố đã nỗ lực tìm mọi cách hỗ trợ cho người dân thế nhưng thật sự là quá tải. Bởi không chỉ là miếng ăn mà còn là chỗ ở, việc làm. Người dân khó khăn, công việc không có, tiền dành dụm tiết kiệm cũng đã hết, họ gắng gượng chờ đến ngày thành phố nới lỏng để ra về. Bởi vậy, chỉ ngay trong đêm mà từng tốp người lớp lớp khăn gói quả mướp trở về. Nhìn những đứa trẻ phải chịu đựng cảnh nóng nực, ngột ngạt, vất vưởng ngoài đường thật sự thương không kể xiết. Không dám nghĩ đến, nếu chỉ trong đám đông có vài ca F0 thì hậu quả sẽ thế nào!
Nhưng tất nhiên đó là tâm lý của những người sợ dịch bệnh, những người có thể còn bám trụ lại ở thành phố. Còn những người dân tại cửa ngõ ngày hôm qua họ đã thực sự bế tắc. Họ sợ chết đói (vì thiếu tiền, không có công việc) hơn là chết vì dịch. Cái họ phải đối diện hằng ngày trong thời gian giãn cách đó chính là câu hỏi: “làm gì để sống tiếp?”. Và tất nhiên, từ việc hiểu đúng bản chất vấn đề, chúng ta sẽ tìm ra được lời giải cho bài toán trên.
Thành phố đã bắt đầu dần ổn định, cho phép các doanh nghiệp nhà máy có cơ hội tăng tốc để sản xuất, chính vì thế chắc chắn sẽ thiếu hụt một lượng công nhân rất lớn. Một phần là do họ về quê tránh dịch và phần vì tự động nghỉ việc do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Trong khi những người dân mắc kẹt tại cửa ngõ thành phố ngày hôm qua đa phần đều là người có thu nhập thấp, bấp bênh và họ sẽ là một lực lượng lao động thay thế vô cùng tốt. Do chính bản thân họ vẫn còn ở lại thành phố có thể đảm bảo tiếp nhận công việc ngay và hầu như ai cũng đã tiêm ít nhất một mũi vaccine. Chính vì thế, rất cần một sự kết nối giữa doanh nghiệp cần lao động và những người đang thất nghiệp ở trên.
Doanh nghiệp thì rất cần tìm một nguồn lao động thay thế như vậy, trong khi người lao động thì có sẵn thì lại khó khăn, thiếu tiền trang trải cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Họ không thể nào đợi 1-2 tháng lương như trước khi dịch được. Chính vì vậy, chính quyền thành phố nên đứng ra kêu gọi và thành lập một kênh kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Muốn tạo động lực mới thì thành phố phải đảm bảo cho doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất 0% trong vòng 3 tháng. Một phần để họ có vốn để tái sản xuất, một phần sẽ cho công nhân ứng trước 2 tháng lương ngay khi bắt đầu nhận việc, nhằm giúp người lao động có thể trang trải được cuộc sống. Chính sách cho người lao động ứng trước 2 tháng lương là bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp nếu muốn vay vốn. Và cũng cần phải có quy định nghiêm khắc, để đảm bảo rằng người lao động sẽ tuân thủ cam kết với doanh nghiệp.
Tất nhiên, khi đề ra một giải pháp thì đơn giản nhưng khi bắt tay vào làm mới rất khó vì còn nhiều vấn đề phát sinh. Có thể sẽ còn nhiều biện pháp hay hơn nữa, tốt hơn nữa, nhưng điều tiên quyết là phải nhanh lên, vội vàng lên. Người dân họ đã chờ đợi gần 5 tháng rồi!
Hạ Anh