Hết đường rút ruột công trình

Công Luân 15/03/2023 12:11

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp mới đây đã đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về việc xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình dài 88 km và Gia Nghĩa – Chơn Thành dài 129 km. Đặc biệt, Thủ tướng cũng chỉ đạo rất quyết liệt yêu cầu các tỉnh chuẩn bị ngay các mỏ và giao trực tiếp cho chủ đầu tư, nhà thầu, không được giao “lòng vòng”. Cuối cùng bài toán rút ruột đã được giải…

Những ổ voi, ổ gà ở cao tốc Quảng Ngãi – Đà Nẵng

Tham nhũng trong thi công làm đường đã trở thành “công nghệ”. Đường lớn ăn theo lớn, đường nhỏ ăn theo nhỏ, thậm chí đường làng cũng bị rút ruột. Ấy thế nhưng đến khi đường xuống cấp thì lại bắt người dân đóng phí bảo trì. Không đóng thì không có đường đi mà đóng thì ấm ức bởi tiền này thực chất là để “bảo trì” những bất cập, yếu kém, thậm chí tiêu cực của các cơ quan chức năng. Đã rất nhiều vụ việc bị xử lý, rất nhiều đối tượng rút ruột đã bị đưa ra khởi tố. Thế nhưng, rõ ràng đây cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Còn rất nhiều thủ đoạn, rất nhiều kẻ tham lam từng khối cát, từng viên đá vẫn nhởn nhơ ngoài kia, chỉ chực có dự án là tìm cách bòn rút!

Chính thì thực trạng này đã “giúp” Việt Nam có chi phí làm đường cao tốc lọt vào top đắt nhất thế giới. Đơn cử như cao tốc TP.HCM – Trung Lương là đường cao tốc đúng chuẩn đầu tiên của Việt Nam có chi phí 9,9 triệu USD/km cho bốn làn xe cơ giới. Đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cũng lên tới 18,3 triệu USD/km. Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành có chi phí xây dựng dự kiến lên tới 28,2 triệu USD/km. Trong khi đó, số liệu thống kê chi phí xây dựng đường cao tốc tại Trung Quốc chỉ khoảng 6 triệu USD/km, tại Mỹ chỉ khoảng 8 triệu USD/km. Ngay cả nếu trừ chi phí xây dựng cầu và đền bù giải tỏa (khoảng 286 triệu USD) thì vẫn phải tốn khoảng 13 triệu USD/km, đắt hơn nhiều. Lẽ ra ở Việt Nam nhân công rẻ, mọi thứ cũng rẻ hơn thì chi phí xây dựng đường phải thấp hơn các nước, nhưng thực tế thì…

Trong khi đó, tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là mục tiêu lớn mà Chính phủ đang hướng tới để tạo đà phát triển vượt bậc về kinh tế. Chính vì vậy, trong thời gian hàng loạt các dự án cao tốc đã được triển khai đồng bộ ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam để tạo ra một mối liên kết vùng, một đường nối dài xuyên suốt chạy dài khắp đất nước. Và trong tinh thần ấy, Thủ tướng nhận định các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Bình Phước có rất nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, đặc biệt là thiếu đường cao tốc kết nối. Do đó, 2 tuyến đường cao tốc này có vai trò, vị trí hết sức quan trọng, tạo động lực, không gian và mở ra sự phát triển mới cho vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ và các địa phương.

Và để giải quyết bài toán chậm tiến độ, trây lì, đội vốn do nhiều nguyên nhân trong đó có tham nhũng vật liệu làm đường, Thủ tướng đã có những chỉ đạo rất rõ ràng, phân cấp nhiệm vụ trách nhiệm chi tiết tới từng địa phương bộ ngành và trong từng vấn đề cụ thể. Đơn cử như là tỉnh có nhiều kinh nghiệm làm đường cao tốc, Ninh Bình được Thủ tướng giao là cơ quan chủ đầu tư đoạn đi qua địa phương, hoàn chỉnh lại các hồ sơ theo tinh thần đầu tư dự án bằng nguồn vốn đầu tư công. Đối với đoạn tuyến Nam Định, Thái Bình ra Hải Phòng, Thủ tướng giao Thái Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền phụ trách. Với tuyến Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), giao tỉnh Bình Phước là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các tỉnh liên quan trong quá trình thực hiện cũng phải phối hợp chặt chẽ với Thái Bình, Bình Phước để triển khai dự án…

Đã có quá nhiều nhũng nhiễu, đã có quá nhiều tiêu cực vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây mất niềm tin trong nhân dân. Chính vì thế, với sự quyết liệt lần này tin tưởng mục tiêu năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc sẽ đạt và thành công rực rỡ hơn mong đợi!

Công Luân

Đọc nhiều