Hệ thống siêu thị Auchan rút khỏi Việt Nam, để lại vụ kiện hàng trăm tỉ đồng
Sau khi hệ thống siêu thị Auchan tuyên bố rút khỏi Việt Nam thì đã phát sinh tranh chấp việc thuê mặt bằng hàng trăm tỉ đồng
Ngày 21.8, TAND Q.10 (TP.HCM) xét xử sơ thẩm vụ án dân sự “tranh chấp hợp đồng thuê mặt bằng” giữa nguyên đơn là Công ty TNHH thương mại Tổng hợp An Lạc (gọi tắt là An Lạc) và bị đơn là Công ty TNHH MTV Marone (gọi tắt mà Marone), liên quan đến việc thuê mặt bằng hệ thống siêu thị Auchan.
Theo đơn khởi kiện, phía An Lạc trình bày xuất phát từ hợp đồng nguyên tắc các bên ký kết nêu An Lạc sẽ cho Marone thuê mặt bằng để Marone phát triển một siêu thị dưới thương hiệu “Auchan”; hoặc bất cứ thương hiệu nào, do bên thuê là Marone quyết định.
Từ đó, ngày 20.2.2017, các bên ký hợp đồng thuê mặt bằng số 332 Lũy Bán Bích (P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM). Theo đó, An Lạc cho Marone thuê tổng diện tích hơn 2.000 m2 gồm 3 tầng; thời hạn thuê là 20 năm (đến năm 2037) và ưu tiên gia hạn thêm.
Về giá thuê, các bên thỏa thuận 5 năm đầu là hơn 29 tỉ đồng và sẽ tăng 15% sau mỗi 5 năm dựa trên tiền thuê của 5 năm liền kề trước đó. Marone đặt cọc hơn 5,8 tỉ đồng và thanh toán tiền thuê của 5 năm đầu tiên.
Tuy nhiên, theo diễn biến sau đó, từ năm 2018 – 2019, Marone nhiều lần có công văn đề nghị đề cập đến việc đóng cửa siêu thị Auchan và đề xuất chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng. Song, ngày 18.4.2019, Marone lại có công văn gửi An Lạc với nội dung tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê và tiếp tục hoạt động kinh doanh siêu thị. Dù vậy, ngày 14.5.2019, chủ sở hữu Marone là Tập đoàn Auchan đã công bố việc chấm dứt hoạt động kinh doanh bán lẻ tại thị trường Việt Nam và rút toàn bộ vốn về nước. Đồng thời, ngày 20.5.2019, Marone gửi công văn cho An Lạc thông báo về việc đóng cửa siêu thị Auchan tại số 332 Lũy Bán Bích.
Theo An Lạc, từ những căn cứ trên, cho thấy Marone có hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng và việc đơn phương này trái với thỏa thuận các bên và quy định pháp luật nên theo hợp đồng, An Lạc yêu cầu Marone phải thanh toán cho An Lạc tiền thuê từ năm thứ 6 đến năm thứ 20 với số tiền hơn 116 tỉ đồng.
Tại tòa, An Lạc trình bày, căn cứ nội dung tại Mục 14 Phần B của Hợp đồng thuê mặt bằng, các bên đã thỏa thuận mục đích thuê mặt bằng là Marone phát triển và kinh doanh siêu thị với thương hiệu “Auchan”. Nay Marone thông báo đóng cửa siêu thị Auchan, rút khỏi thị trường Việt Nam, và tìm kiếm đối tác khác để chuyển nhượng lại mặt bằng thuê, là vi phạm thỏa thuận về mục đích thuê.
Theo An Lạc, ngày 2.6.2019, Marone chính thức đóng cửa siêu thị, đồng nghĩa với việc mục đích thuê mà các bên đã cam kết không đạt được. Điều này chứng minh rằng Marone đã có hành vi vi phạm và đơn phương chấm dứt hợp đồng nên bên thuê là Marone phải trả một khoản tiền tương ứng với giá trị tiền thuê của tổng thời hạn thuê còn lại của hợp đồng thuê, trong đó tiền đặt cọc và tiền thuê chưa sử dụng được khấu trừ vào khoản đền bù này (khoản b Điều 23.2 Hợp đồng thuê mặt bằng).
Ngược lại, quá trình thụ lý giải quyết vụ án, Marone có đơn phản tố, yêu cầu An Lạc phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền thuê đã nhận từ Marone mà chưa được sử dụng, là gần 17,4 tỉ đồng; hoàn trả lại hơn 5,8 tỉ đồng tiền cọc.
Tuy nhiên, tại tòa, Marone rút toàn bộ yêu cầu phản tố. Theo Marone, hợp đồng thuê mặt bằng giữa các bên đang có hiệu lực nên An Lạc có quyền sử dụng tiền thuê. Cũng theo Marone, siêu thị Auchan ngừng kinh doanh từ 2.6.2019.
Đến cuối giờ chiều 21.8, phiên tòa liên quan đến việc tranh chấp hợp đồng siêu thị Auchan vẫn đang tiếp tục.
PV/TN