Hệ thống phòng không tầm thấp trên tàu chiến của Việt Nam hiện tại

17/02/2021 05:39

Các hệ thống phòng không tầm thấp trên tàu chiến của Hải quân Việt Nam cho phép đối phó tốt với những mối nguy từ trực thăng hoặc máy bay do thám đối phương.

Hiện nay, các tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 trong biên chế Hải quân Việt Nam được trang bị các hệ thống phòng không tầm gần CIWS Palma-SU cực kỳ hiện đại, vũ khí chính là hai pháo cao tốc AO-18 6 nòng 30mm và 2 cụm 4 ống phóng tên lửa Sosna-R cho phép tàu có khả năng phòng không khá tốt trong bán kính 10km
Ảnh: Tổ hợp Palma-SU trên tàu hộ vệ Gepard 3.9 Việt Nam.
Tuy nhiên, hầu hết các tàu tên lửa tấn công nhanh cỡ nhỏ, tàu pháo hiện đại của Hải quân Việt Nam, ta vẫn dùng chủ yếu cho nhiệm vụ phòng không là các pháo cao tốc AK-630 6 nòng 30mm. Các pháo này có tốc độ xả đạn nhanh và được đánh giá khá tốt, được dẫn bắn bằng radar điều khiển hoả lực MP-123.
Một số tàu như tàu pháo TT-400TP, tàu săn ngầm Petya,… ngoài các bệ pháo cao tốc AK-630 còn được trang bị các bệ phóng tên lửa phòng không vác vai Strela-2, Igla cố định được điều khiển bằng cơ nhằm nâng cao khả năng phòng không của tàu.
Ảnh: Bệ phóng tên lửa phòng không vác vai cố định trên tàu pháo TT-400TP.
Các bệ phóng này có ưu điểm là khả năng triển khai cùng lúc 2 hệ thống tên lửa phòng không vác vai đặt cố định 2 bên khung, làm ổn định mặt phẳng tác xạ hơn rất nhiều so với việc xạ thủ sử dụng ống phóng vác vai đơn thuần trên tàu, dễ bị chao đảo do rung lắc khi đi biển. Ngoài ra còn được bổ sung hệ thống kính ngắm cơ cho phép bắt bám mục tiêu tốt hơn
Ảnh: Bệ phóng tên lửa phòng không vác vai trên tàu hộ vệ săn ngầm Petya
Tuy nhiên, kiểu thiết kế này phụ thuộc khá nhiều vào năng lực thuần thục trong chiến đấu của xạ thủ. Do sử dụng bệ ngắm cơ nên hạn chế lớn trong điều kiện tác chiến ban đêm và tốc độ bắt bám mục tiêu không đủ nhanh.
Ảnh: Bệ phóng tên lửa phòng không vác vai trên tàu TT-400TP
Một số loại tàu tên lửa tấn công nhanh còn không được trang bị các bệ phóng tên lửa phòng không cố định mà chỉ dựa vào pháo cao tốc AK-630 cũng như các tên lửa phòng không vác vai khai hoả trực tiếp để ngăn chặn những mối đe doạ từ trên không. Tiêu biểu như tàu tên lửa 12418 Molniya hay 1241RE.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang phát triển các tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn trên mặt đất, được đặt cơ động trên khung gầm xe cơ giới việt dã. Các hệ thống này đều đã được thử nghiệm với tính năng khá tốt, đạt yêu cầu tác chiến
Ảnh: Thử nghiệm hệ thống phòng không tầm ngắn do Việt Nam chế tạo.
Các hệ thống này sử dụng các đạn tên lửa vác vai Igla hay Strela-2 có tầm bắn giao động từ 3 đến 5km, sử dụng đầu dò hồng ngoại và ngòi chạm nổ, bắt bám mục tiêu rất tốt. Đồng thời với đó là bổ sung các khối quang điện như camera quang ảnh nhiệt quan sát ngày/đêm, giúp khí tài có thể tác chiến 24/7 bất kỳ thời điểm nào mà không phụ thuộc vào nguồn sáng bên ngoài.
Cùng với đó là người điều khiển có thể điều khiển tự thống tự động bắt bám mục tiêu nhanh nhạy, chuyển động bằng khối tự động nên nhanh hơn rất nhiều so với điều khiển cơ như các bệ phóng cũ đặt trên nhiều tàu chiến hiện nay.
Ảnh: Tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn sử dụng đạn tên lửa Igla do Việt Nam chế tạo.
Do đó, việc trang bị các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn tự động do Việt Nam chế tạo lên các tàu chiến cỡ nhỏ nhằm bổ sung và thay thế các bệ phóng cố định bằng cơ kiểu cũ là một phương án rất khả dĩ để có thể nâng cao năng lực tác chiến phòng không của tàu mặt nước Hải quân Việt Nam lên đáng kể. Nguồn ảnh: TH.

Hùng Dũng

Tags :
Đọc nhiều