Hé lộ nội dung mẩu giấy nhắn cuối cùng của tướng Iran trước khi tử vì đạo dưới rocket Mỹ
Truyền thông Iran cho biết tướng Qasem Soleimani đã để lại một đoạn tin nhắn viết tay trong căn phòng ở Damascus, trước khi thực hiện chuyến bay cuối cùng của mình.
Theo hãng tin Mehr (Iran), ông Soleimani đã để lại mẩu giấy nhắn trong căn phòng tại thủ đô Damascus, Syria, vào ngày thứ Năm (2/1), trước khi lên đường bay tới Baghdad và bị thiệt mạng trong vụ không kích do Mỹ tiến hành ngày 3/1.
Theo bản dịch của Mehr, vị tư lệnh lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran đã viết ra những lời cầu nguyện Chúa trời đón nhận và ở bên cạnh ông.
“Ôi Chúa! Xin đừng để con một mình. Ôi chúa! Xin hãy tiếp nhận con…” lời nhắn của viên tướng quá cố có đoạn.
Iran đã tổ chức tang lễ cho ông Soleimani theo nghi thức quốc tang vào hôm Chủ nhật, 5/1, vừa qua. Hàng triệu người đã di chuyển đến các thành phố Ahvaz và Mashhad để tỏ lòng tôn kính và tưởng niệm khi di hài của ông này được diễu hành trên phố.
Các báo cáo nói rằng tang lễ của Soleimani là nghi thức đưa tang lớn nhất ở Iran kể từ đám tang của nhà sáng lập nước Cộng hòa Hồi giáo, Ayatollah Ruhollah Khomeini. Trong một động thái được đánh giá là thể hiện cảm xúc hiếm hoi, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã rơi nước mắt trong lễ tang Soleimani – nhà chỉ huy quân sự được đánh giá là quan trọng nhất của Iran và có mối liên hệ sâu sắc với ông Khameinei.
Vụ sát hại ông Qasem Soleimani đã khơi dậy quan ngại trên khắp thế giới về khả năng bùng phát xung đột khu vực ở Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/1 đe dọa lực lượng Mỹ đã đưa 52 mục tiêu Iran – bao gồm các địa danh văn hóa – vào tầm ngắm nếu như Iran tiến hành công kích nhằm vào công dân hay tài sản Mỹ để trả đũa cho Soleimani. Con số 52, theo ông Trump, đại diện cho số người trong đại sứ quán Mỹ bị giữ làm con tin trong suốt 444 ngày sau cuộc cách mạng Iran năm 1979.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani sau đó đáp trả ông Trump trên Twitter: “Những người đề cập đến con số 52 thì cũng nên nhớ đến con số 290. #IR655.”
Con số 290 trong thông điệp của ông Rouhani đề cập đến sự cố xảy ra năm 1988, khi một máy bay dân sự Iran bị bắn hạ bởi tên lửa phóng từ tàu tuần dương USS Vincennes của Mỹ, làm 290 người thiệt mạng.
“Đừng bao giờ đe dọa đất nước Iran,” ông Rouhani cảnh báo Mỹ trong một thông điệp khác.
Theo lý giải của chính phủ Mỹ, trong sự vụ năm 1988, chiến hạm USS Vincennes đã nhận diện nhầm máy bay dân sự Airbus A300 của Iran thành chiến đấu cơ F-14 Tomcat, loại máy bay mà không quân Iran sử dụng từ thập niên 1970. Trong khi đó, Tehran buộc tội Mỹ hành động bất cẩn và khẳng định chiếc Airbus đã phát đi tín hiệu cho phép xác định là máy bay dân sự.
Tướng Esmail Ghaani, người được bổ nhiệm thay thế vị trí tư lệnh lực lượng Quds của ông Soleimani, tuyên bố “sẽ kiên định tiếp tục hành trình của tử sĩ Soleimani như trước đây, với sự trợ giúp của Chúa trời, và để đáp lại sự tử vì đạo của ông ấy, chúng ta sẽ loại trừ Mỹ khỏi khu vực”.
Yêu cầu của Iran đã trở nên thực tế hơn sau khi Quốc hội Iraq ngày 5/1 họp bất thường và thông qua nghị quyết yêu cầu chính phủ trục xuất các lực lượng nước ngoài khỏi lãnh thổ Iraq. Thủ tướng Iraq Abdel Abdul Mahdi ngày 6/1 thông báo với đại sứ Mỹ tại Baghdad rằng cả hai nước cần phải tuân thủ nghị quyết này, nhưng không đưa ra lộ trình cụ thể.
Trong khi đó, ông Trump cảnh báo sẽ áp đặt trừng phạt nặng nề đối với Iraq, thậm chí hơn cả các lệnh cấm vận với Iran, nếu Baghdad theo đuổi kế hoạch trục xuất lính Mỹ.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 6/1 cho biết “không có quyết định” về việc rút lính Mỹ khỏi Iraq.
Hải Võ/SH