8
category
598705

Hé lộ những thành phần cộm cán trong ‘đường dây’ của ông Trịnh Văn Quyết

31/03/2022 09:43

Không chỉ Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, các cá nhân thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS cũng là đối tượng trong danh sách điều tra, xác minh của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi về quan hệ giữa ông Trịnh Văn Quyết, Tập đoàn FLC và Chứng khoán BOS. 

Hé lộ quan hệ giữa ông Trịnh Văn Quyết, Tập đoàn FLC và Chứng khoán BOS

Theo tìm hiểu, Công ty Chứng khoán BOS (mã: ART) không phải là công ty con hay công ty liên kết của Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết, vừa bị bắt tam giam – nhưng lại có chung lãnh đạo chủ chốt.

Cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung đồng thời là Chủ tịch Chứng khoán BOS.

Bà Hương Trần Kiều Dung được bổ nhiệm vào ghế Chủ tịch Công ty Chứng khoán BOS vào 18/6/2020, sau 1 năm được bầu làm thành viên HĐQT (18/6/2019). Đồng thời, bà cũng người đại diện pháp luật của Chứng khoán BOS – theo công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp vào tháng 6/2021.

Hé lộ quan hệ giữa ông Trịnh Văn Quyết, Tập đoàn FLC và Chứng khoán BOS - Ảnh 1.
Giới thiệu về và Hương Trần Kiều Dung trên website Chứng khoán BOS. (Ảnh chụp màn hình)

Thành viên HĐQT Chứng khoán BOS Lê Bá Nguyên từng là Thành viên HĐQT của Tập đoàn FLC.

Ngoài ra, bà Trịnh Thị Thúy Nga, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc của Chứng khoán BOS đồng thời là em gái của ông Trịnh Văn Quyết. Bản thân ông Trịnh Văn Quyết cũng từng ngồi “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT của công ty chứng khoán này, trước khi ông Doãn Văn Phương được bổ nhiệm thay thế vào tháng 12/2011.

Theo báo cáo quản trị năm 2021, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết hiện là cổ đông liên quan tới người nội bộ của Chứng khoán BOS (bà Trịnh Thị Thúy Nga – thành viên HĐQT, kiêm Phó Tổng giám đốc) sở hữu 3,156 triệu cổ phiếu ART của CTCP Chứng khoán BOS, tương ứng tỷ lệ sở hữu 3,2% vốn.

Hé lộ quan hệ giữa ông Trịnh Văn Quyết, Tập đoàn FLC và Chứng khoán BOS - Ảnh 2.
Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch FLC là cổ đông liên quan tới người nội bộ của Chứng khoán BOS (bà Trịnh Thị Thúy Nga – thành viên HĐQT, kiêm Phó Tổng giám đốc Chứng khoán BOS).

Công ty chứng khoán BOS từng bị UBCKNN xử phạt

Được biết, Công ty CP Chứng khoán BOS mới đổi tên từ ngày 8/7/2019, tiền thân trước đó là Công ty CP Chứng khoán Artex – Công ty khá “nổi tiếng” trên thị trường với các báo cáo phân tích và đưa ra nhận định về giá của cổ phiếu ROS trước đây.

Trên thực tế, công ty này đã “kinh qua” nhiều lần đổi tên: Đầu tiên là Công ty CP Chứng khoán Artex (tháng 3/2008); sau đó là Công ty CP Chứng khoán FLC (FLCS – vào tháng 8/2011), do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT – đến tháng 12/2011, ông Doãn Văn Phương được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay ông Quyết); đến tháng 8/2013, FLSC lại đổi quay về tên cũ là Công ty CP Chứng khoán Artex.

Tháng 8/2017, cổ phiếu ART của công ty này chào sàn HNX và tăng trần 9 phiên liên tiếp. Giá cổ phiếu ART thời kỳ đó tăng vùn vụt từ 7.000 đồng/cổ phiếu lên 20.800 đồng/cổ phiếu chỉ sau 9 phiên, tăng gần 300%.

Đỉnh cao, ngày 25/8/2017, giá cổ phiếu ART tăng lên mức 36.500 đồng/cổ phiếu cũng sau 1 loạt phiên tăng trần. Như vậy, chỉ sau 18 phiên, cổ phiếu này tăng tới hơn 500%.

Tuy nhiên, trong năm 2019, 2020 thị giá ART “rớt thảm” và bắt đầu ngoi lên từ năm 2021 cho tới nay.

Hé lộ quan hệ giữa ông Trịnh Văn Quyết, Tập đoàn FLC và Chứng khoán BOS - Ảnh 3.

Không chỉ biến động của giá cổ phiếu khiến nhà đầu tư “ngã ngửa”, kết quả kinh doanh của Chứng khoán BOS cũng không phải là con số đáng tự hào gì đối với Công ty có quy mô vốn điều lệ lên tới gần 970 tỷ đồng này.

Theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp này, trong năm gần nhất Chứng khoán BOS ghi nhận 94 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận trước thuế 34 tỷ đồng. Mặc dù thấp hơn so với giai đoạn 2017 – 2019, nhưng chưa “thê thảm” như năm 2020.

Năm 2020, doanh thu của Chứng khoản BOS dù ghi nhận ở mức 151 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng, kéo theo tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân chỉ đạt 0,14%.

Hé lộ quan hệ giữa ông Trịnh Văn Quyết, Tập đoàn FLC và Chứng khoán BOS - Ảnh 4.

Chưa hết, trong quá trình hoạt động Chứng khoán BOS cũng từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt.

Chẳng hạn, vào cuối năm 2019, công ty này bị xử phạt 125 triệu đồng, vì có hành vi cho khách hàng mua chứng khoán khi không đủ tiền.

Tháng 2/2021, công ty này tiếp tục bị xử phạt 125 triệu đồng do cho khách hàng mua chứng khoán khi không có đủ tiền theo quy định (Trong giai đoạn từ ngày 01/9/2019 đến ngày 15/4/2020, tại một số thời điểm, Công ty cho một số khách hàng đặt lệnh mua chứng khoán khi không có đủ 100% tiền).

Đồng thời, phạt 85 triệu do không lưu giữ đầy đủ hồ sơ, dữ liệu, tài liệu, chứng từ liên quan đến hoạt động của công ty chứng khoán.

Mới nhất, Chứng khoán BOS được nhắc đến trong vụ việc Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam của cơ quan cảnh sát điều tra.

Theo đó, vào chiều tối ngày 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) cho biết đã tiến hành điều tra, xác minh đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hồng Anh 

Đọc nhiều