Hé lộ nguyên nhân tuyến tránh Chư Sê vừa làm xong đã nứt gãy như ‘động đất’
Vết nứt tại tuyến tránh Chư Sê (Gia Lai) ngày một sâu thêm, đến sáng 6.9, chỗ nứt sâu nhất lên tới 1,2 m. Nguyên nhân ban đầu được xác định do địa chất khác thường, do gần vị trí ao cũ, hoặc dòng chảy ngầm.
Trao đổi với PV hôm nay 6.9, ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT), đại diện chủ đầu tư dự án tuyến tránh Chư Sê dự án đường Hồ Chí Minh, cho biết vết nứt được phát hiện tại vị trí Km10 200 – Km10 300 ngày 3.9, với chiều dài khoảng 130 m.
Đáng chú ý, vết nứt gãy tụt thẳng đứng xuống trong phạm vi 40 m và ngày càng sâu thêm, tính đến sáng 6.9, vết nứt sâu nhất đo được là 1,2 m, tăng gần 80 cm so với ngày đầu phát hiện.
Ban Quản lý dự án 6 đã chỉ đạo nhà thầu phong toả 1,8 km xung quanh khu vực để đảm bảo an toàn giao thông, tránh tai nạn khi xe cộ lưu thông.
Ông Hưng cũng cho hay, ngay sau khi phát hiện vết nứt, Ban Quản lý dự án 6 và đơn vị tư vấn thiết kế (liên danh Công ty CP tư vấn thiết kế cầu đường thuộc TEDI và Công ty CP tư vấn thiết kế 8) đã mời một số chuyên gia đầu ngành về địa chất vào kiểm tra hiện trường.
“Kết quả kiểm tra sơ bộ thấy có điểm lạ thường trong vị trí nứt gãy. Bình thường sụt trượt võng xuống ở giữa thì 2 bên sẽ vồng cao lên, nhưng tại khu vực này nứt gãy theo phương thẳng đứng, nền 2 bên vẫn bình thường, vì thế chúng tôi nhận định do địa chất phức tạp. Qua tìm hiểu, điều tra dân sinh thì người dân cho biết, trước đây khu vực này có 3 ao nước có độ sâu từ 4 – 5 m, gần đó có suối, nước ngầm để tưới cà phê”, ông Hưng cho hay.
Cụ thể, theo giả thiết ông Hưng phân tích, ao nước của người dân dù đã được lấp lại khá lâu (gần 10 năm), bề mặt phía trên bằng phẳng, nhưng phía dưới sâu có thể đã hình thành túi bùn, dẫn tới khi mưa to khối lượng lớn dồn dập (trong các ngày từ 1 – 2.9) đã tạo áp lực khiến nền đất bị lún trôi xuống các túi bùn này, tạo ra nứt gãy thẳng đứng trên bề mặt đường.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6 cho rằng, để xác định nguyên nhân chính xác, cần đợi kết quả khoan thăm dò của đơn vị tư vấn, khảo sát lại địa hình, địa chất trước khi kết luận. Dự kiến sẽ có 12 mũi khoan thăm dò địa chất tại vị trí bị nứt dài 130 m này.
Do tư vấn thiết kế sơ suất?
Đáng chú ý, quá trình lập hồ sơ thiết kế dự án, tư vấn đã khoan 20 mũi thăm dò địa chất (theo quy định mỗi mũi khoan cách nhau 500 m) trên toàn dự án (dài 10,8 km), nhưng vị trí xảy ra nứt gãy lại không được khoan thăm dò.
Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân nứt gãy đường có phải do tư vấn đã không thực hiện đầy đủ khảo sát địa chất nên đã không có cảnh báo đầy đủ để xử lý nền đất yếu, dễ sạt trước trước khi thi công?
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Hữu Hùng, Giám đốc Công ty CP tư vấn thiết kế cầu đường, cho rằng tư vấn thiết kế đã làm đúng quy trình về khoảng cách các mũi khoan thăm dò địa chất trước khi lập bản vẽ thi công dự án.
“Theo quan sát bằng mắt thường thì khu vực bên cạnh vị trí nứt gãy bằng phẳng, phần nền đất cứng do người dân đã lấp canh tác lâu năm, nên tư vấn chỉ khoan các vị trí bất thường là cống ở gần đó”, ông Hùng cho biết.
Về phía Ban Quản lý dự án 6, lãnh đạo ban này cho rằng, tư vấn đã làm đúng quy trình, nhưng có những sơ suất nhất định như chưa lường hết được phạm vi ảnh hưởng.
Theo ông Nguyễn Hữu Long, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 6, để có giải pháp xử lý triệt để nhằm đảm bảo ổn định, Ban đã yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế khẩn trương khảo sát bổ sung về địa hình, khoanh vùng bị ảnh hưởng để tiến hành khoan khảo sát địa chất và tính toán thuỷ văn, hoàn thành trước ngày 18.9 để báo cáo Bộ GTVT hướng xử lý.
“Sau khi xác định chính xác nguyên nhân, liên quan đến trách nhiệm của tư vấn thì tư vấn phải chịu, nhưng Ban cũng chịu một phần trách nhiệm”, ông Long nói.
PV đã đưa tin, dự án đường Hồ Chí Minh tuyến tránh huyện Chư Sê (Gia Lai) vừa hoàn thành được 3 tháng đã bị lún sâu, mặt đường rách toạc với nhiều vết nứt, có vết sâu gần 1 m. Các vết nứt to chạy dọc tim đường. Nhiều tấm kè chống sạt hai bên đường bị đánh sạt, trôi đi.
Dự án có tổng vốn gần 250 tỉ đồng, thiết kế theo quy mô đường cấp 3 đồng bằng. Tổng chiều dài hơn 10,8 km; thi công vào tháng 5.2018; hoàn thành vào tháng 6.2019.
Dự án hiện chưa được Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng thông qua. Kinh phí khắc phục, sửa chữa đoạn nứt gãy sẽ được lấy từ phần bảo hiểm của dự án, trường hợp phát sinh thêm do nhà thầu đảm nhận.
Mai Hà/ Thanh Niên