Lạm phát – Mối nguy lớn sau đại dịch
Sau thời gian dài nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19, hiện nay, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang tích cực triển khai các gói kích thích tăng trưởng, đẩy mạnh tiến trình phục hồi kinh tế. Hiện tượng này đang góp phần tạo nên áp lực lạm phát bởi thực trạng giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng nhanh để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Dù tình hình kinh tế Việt Nam rất khởi sắc trong 5 tháng đầu năm với GDP dự báo vào năm 2022 có thể đạt mức 6-6,5% thì cũng không thể lơ là cảnh giác trước nguy cơ lạm phát đang ngày một tăng cao. Đây là tình huống bất khả kháng, bởi không chỉ Việt Nam mà còn rất nhiều các cường quốc khác trên thế giới đang gặp vấn đề này như Mỹ, Nhật Bản và các nước Châu Âu.
Nếu lạm phát xảy ra thì người bị thiệt thòi đầu tiên chính là người lao động khi giá hàng hoá thì tăng nhưng thu nhập thực tế vẫn dậm chân tại chỗ. Đặc biệt, lạm phát còn làm tỷ giá tăng và đồng tiền trong nước trở nên mất giá nhanh hơn so với đồng tiền nước ngoài dẫn đến các khoản nợ quốc tế thêm phần trầm trọng.
Nguyên nhân phát trực tiếp từ xung đột giữa Nga và Ukraine, kéo theo giá nhiên liệu tăng cao chưa từng thấy so với trước đây. Đặc biệt là xăng dầu, các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga khiến nguồn cung dầu thô và xăng dầu thành phẩm thiếu hụt làm cho giá mặt hàng này trên thị trường thế giới tăng cao. Trong khi đó, xăng dầu là hàng hoá thiết yếu, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của người dân. Nhất là đối với những cá nhân hành nghề giao hàng hay tài xế công nghệ, giá xăng leo thang khiến thu nhập của họ thêm eo hẹp, cuộc sống thêm khó khăn.
Một nguyên nhân nữa chính là Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng từ sự bất ổn của nền kinh tế thế giới và tàn dư còn sót lại của đại dịch vừa qua. Một số mặt hàng khan hiếm trong khi nhu cầu của người dân tăng cao dẫn tới tình trạng vật giá leo thang. Có thể kể đến việc Covid-19 khiến hàng loạt doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hay doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu xây dựng đóng cửa dẫn tới mặt hàng này và các ngành khác liên đới tới mặt hàng này tăng giá đáng kể. Nhu cầu về bình ổn giá để cân bằng cuộc sống của người dân ngày một tăng cao.
Dù cho giá xăng tăng cao khó kiểm soát nhưng nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân nên giá vẫn được bình ổn. Chưa kể đến còn có một số mặt hàng giảm giá so với cùng kỳ năm ngoái như thịt lợn, mỡ ăn và thịt chế biến,… Một số ngành như giáo dục và cho thuê bất động sản, nhà ở cũng đã hạ giá trong năm nay theo thống kê của Tổng cục Thống kê Chính phủ. Vì vậy, người dân hoàn toàn có cơ sở và khả năng để “lấy chỗ này đắp chỗ kia” sao cho cân đối cuộc sống và mức chi tiêu
Về tình trạng khan hiếm hàng hoá, Chính phủ đã ban hành các chính sách giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Qua đó góp phần giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống còn 8% từ ngày 01/02/2022. Chính phủ cũng chủ trương giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022. Các địa phương tăng cường quản lý giá trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình bình ổn giá.
Theo Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy, sự tác động qua lại của tăng trưởng kinh tế và lạm phát hết sức phức tạp, không phải lúc nào cũng tuân theo những quy luật kinh tế, vì vậy cân bằng kinh tế là bài toán chung không chỉ cho các cơ quan đầu ngành mà còn cho toàn dân. Người dân biết ổn định nhu cầu, cân đối chi tiêu, không để xảy ra hiện tượng đầu cơ tích trữ thì chính là đang góp phần đẩy lùi lạm phát. Trong trường hợp nhu cầu về nguồn cung tiền tiếp tục tăng cao, người dân cứ bất chấp vay tín dụng để đầu tư bất động sản, tiền ảo,… mà không thể đảm bảo được khả năng chi trả thì bài toán lạm phát sẽ lại là thách thức lớn cho cơ quan chức năng. Một bộ phận cứ tập trung chỉ trích Chính phủ điều hành yếu kém mà không hay biết rằng ý thức của người dân mới là yếu tố quyết định thành bại của một quốc gia.
Các chuyên gia dự báo rằng tỷ lệ lạm phát của Việt Nam trong năm nay khó mà duy trì ở mức 4%. Vì vậy, mỗi người Việt càng cần nâng cao ý thức, kỷ luật tiêu dùng hơn nữa vì chúng ta đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa lạm phát.
LS Lê