130115
topics
371409

Hãy trách nhiệm, trung thực với cộng đồng để cùng nhau sống sót!

Quỳnh Quỳnh 10/03/2020 18:17

“Hà Nội toang rồi, toang rồi mọi người ạ!”. Sáng sớm cầm điện thoại đọc tin tức trên facebook, tôi bắt gặp không dưới 40 cái status tương tự như thế này và hàng chục cái khác nguyền rủa cô gái vừa bị phát hiện COVID-19 dương tính tối 6/3.

Nhìn con số hàng trăm khách lỡ đi cùng chuyến bay với bệnh nhân số 17 phải cách ly rải khắp các tỉnh thành, cả guồng máy công vụ tại Hà Nội vận hành hết công suất để kiểm tra, khoanh vùng, khống chế, cách ly, điều trị mới thấy, chúng ta đang phải căng sức, gồng gánh, chống đỡ khối công việc khổng lồ mà nếu như bệnh nhân số 17 biết hành xử trung thực, trách nhiệm hơn, đã có thể tránh khỏi.

Dĩ nhiên cô gái đó có lỗi vì ý thức kém và sự ích kỷ của mình khi không khai báo.

Dĩ nhiên cô gái đó có lỗi vì ý thức kém và sự ích kỷ của mình. Điều muốn nói là đây là dịp tất cả những người Việt Nam chúng ta không kể vùng miền, không kể tầng lớp hay quan điểm chính trị, hãy suy nghĩ nghiêm túc về ý thức cộng đồng và tinh thần trách nhiệm của chúng ta thay vì khi có chuyện lại quay ra chửi nhưng không ai thấy rằng mình cũng góp phần trong đó.

Hãy có trách nhiệm với cộng đồng thay vì ‘tát nước theo mưa’

Sáng 9/3, Bộ Y tế gửi tặng ngay một tin nhắn thời COVID-19, đại ý hãy thể hiện trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng để chung tay chặn đứng dịch bệnh, khi nhập cảnh phải khai báo y tế chính xác, trung thực…

Có thể nói : “Trách nhiệm”, “chính xác”, “trung thực”, là 3 nhưng cũng là 1, gói đầy đủ các phẩm chất cần thiết trong thời điểm này, ở bất kỳ công dân nào, tổ chức hay nhóm cộng đồng nào để đủ khỏe mạnh mà đương đầu, chống trả và sống sót qua cơn dịch bệnh.

Nhìn con số hàng trăm khách lỡ đi cùng chuyến bay với bệnh nhân số 17 phải cách ly rải khắp các tỉnh thành, cả guồng máy công vụ tại Hà Nội vận hành hết công suất để kiểm tra, khoanh vùng, khống chế, cách ly, điều trị mới thấy, chúng ta đang phải căng sức, gồng gánh, chống đỡ khối công việc khổng lồ mà nếu “vật chủ” số 17 biết hành xử trung thực, trách nhiệm hơn, đã có thể tránh khỏi.

Ấy vậy mà chỉ một cá thể – ca nhiễm thứ 17 đã không tự mình trung thực để khai báo y tế chính xác một cách có trách nhiệm (với cộng đồng) đã phá bỏ mọi nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống toàn xã hội trong suốt hơn 2 tháng qua, nhất là 22 ngày “vàng” không có ca nhiễm mới.

Một bệnh nhân trốn khỏi khu cách ly

Trong cơn quay cuồng chống trả dịch bệnh, tức chống lại sự lây lan, truyền nhiễm của con virus đang giấu mặt, hoặc đột biến dưới một “khuôn mặt” quái ác khác mà con người chưa tìm ra vắc-xin phòng chống thì chẳng thể ngồi yên để “kiến nghị” với sự đong đo, cân đếm nào là kiệt sức tài chính, kiệt quệ doanh thu, mất dần tính thanh khoản… với mục tiêu duy nhất còn lại: bảo đảm cao nhất quy trình phòng chống dịch, bảo vệ an toàn cho cộng đồng, không để lây lan, dẫn tới mất kiểm soát.

Chúng ta nên làm gì?

Người dân hãy nghiêm khắc hơn với bản thân mình chứ không phải chỉ suốt ngày chia sẻ những đường link cập nhật về dịch COVID-19 hoặc lên tiếng tức giận để chứng tỏ mình là người quan tâm và hiểu biết nhưng không làm gì để thay đổi thói quen sinh hoạt của mình. Những điều bạn có thể làm rất đơn giản nhưng chúng thể hiện được ý chí và bản lĩnh của bạn nhưng quan trọng hơn hết là chúng giúp bạn bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trong việc chống dịch. Nếu nói về ý thức xã hội, bạn đang làm tốt trách nhiệm của một công dân tốt. Nếu nói về tâm linh, bạn đang tạo ra những nghiệp tốt và tích âm đức.

1. Hạn chế ra đường trừ khi có những việc hết sức cần thiết. Và dĩ nhiên những việc cần thiết KHÔNG BAO GỒM ăn nhậu, tụ tập, giỗ chạp, sinh nhật.

2. Giữ gìn vệ sinh cho bản thân: hạn chế ăn uống hàng quán, đeo khẩu trang khi ra đường, rửa tay đúng cách ngay khi về nhà.

3. Đi khám ngay nếu có triệu chứng khả nghi. Đừng giấu bệnh.

4. Nếu thực sự cần phải cách ly theo dõi, hãy nghiêm túc thực hiện việc cách ly. Đừng bỏ trốn.

5. Cho con cái nghỉ học ở nhà ngay cả khi có quyết định đi học lại.

6. Đừng vì buồn chán mà hẹn hò rủ rê bạn bè đi ăn chơi nhậu nhẹt. Buồn chán không giết chết bạn, nhưng COVID-19 thì có thể.

7. Người lớn làm ơn đừng ôm hôn nựng nịu các em bé nhất là con của người khác.

8. Thay vì lên facebook post những status câu like kiểu “toang rồi, thất thủ rồi” để gây thêm hoang mang, hãy bình tĩnh quan sát và dự trù một kịch bản cho bản thân và gia đình nếu trường hợp bùng dịch có thể xảy ra. Đôi khi cần phải im lặng cái mồm để cái đầu có cơ hội hoạt động một chút.

Sự vô ý thức và ích kỷ của chúng ta sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng nhiều hơn bạn nghĩ.

Hãy nghĩ tới những người trong gia đình bạn phải chịu nguy hiểm đến tính mạng vì sự khinh suất và yếu bản lĩnh của bạn. Hãy nghĩ tới bạn bè hoặc những người tiếp xúc với bạn và gia đình họ. Hãy nghĩ tới việc những người phụ trách công tác chống dịch hiện tại đang phải tìm cách xác định, sàng lọc, tiếp cận, cách ly những người đã tiếp xúc với cô gái nhiễm COVID-19 kia.

Đó là một công việc tốn rất nhiều tiền bạc, thời gian và nhân lực, tốn hao tài nguyên xã hội. Hãy nghĩ tới những người sống trong xóm hoặc chung cư của bạn, cuộc sống của họ sẽ bị xáo trộn như thế nào nếu khu của bạn bị cách ly vì bạn. Hãy nghĩ tới đội ngũ y bác sĩ Việt Nam sẽ phải lao khổ như thế nào nếu dịch bùng phát. Y tế Việt Nam không thể nào bằng Vũ Hán hay Hàn Quốc mà các bác sĩ ở đó còn có người nhiễm bệnh, có người kiệt sức mà chết.

Vậy nên, hãy trách nhiệm một cách trung thực nhất có thể bởi nếu chỉ là thứ trách nhiệm nửa vời, trách nhiệm giả hiệu thì có khi càng gây hại nhiều hơn.

Trách nhiệm – chính xác – trung thực, với bản thân, gia đình, cộng đồng. Đòi hỏi ấy, nào chỉ dành riêng cho con người thời dịch bệnh. Bởi một cơ thể cường tráng chỉ có thể “khỏe mạnh” trong một nhân cách trung thực, trách nhiệm.

Quỳnh Quỳnh

Đọc nhiều