419
category
408813

Hãy thôi nói về chiến công cứu sống phi công người Anh

Thu An 12/07/2020 07:45

Suốt 4 tháng qua tôi và có lẽ tất cả chúng ta đã rất hồ hởi, hân hoan, hạnh phúc và tự hào khi Việt Nam đã cứu sống được bệnh nhân 91 – Phi công người Anh. Và sẽ mãi là cảm xúc đó, nếu như ngày hôm nay tôi không vô tình đọc được 3 nguyện vọng trước khi về lại Anh Quốc của người Phi công này. Đặc biệt, cả 3 nguyện vọng này đều liên quan đến việc đảm bảo quyền riêng tư của cá nhân. Giật mình, có lẽ nào tôi và chúng ta đang sống mãi trong cảm xúc của mình mà quên mất cảm nhận của người phi công ấy.

Hòa trong niềm không khí hân hoan và vui sướng khi Việt Nam là một trong những nước chống dịch thành công nhất thế giới, thì việc cứu sống bệnh nhân 91 lại càng làm cho chúng ta tự hào hơn. Và chính cái cảm xúc ấy đã biến việc cứu chữa một người bằng tấm lòng chân thành trở thành sự ban ơn, là một đặc ân mà chúng ta dành cho họ.

“Anh phi công phải coi Việt Nam là quê hương mình”, “Anh thật may mắn khi được cứu chữa ở Việt Nam”, “Nếu ở một nơi khác là anh đã chết rồi”…. Những cảm xúc này không sai, nhưng nó được lập đi lập lại quá nhiều sẽ khiến chúng ta đang dần đi vào lối mòn của tư duy “làm việc tốt là bắt người khác phải mang ơn mình”. Và từ đó sẽ biến một việc vô cùng tốt đẹp trở nên méo mó và xấu xí.

Đồng ý là việc người phi công Anh được cứu sống là sự nỗ lực của cả hệ thống y tế, là sự làm việc tận tâm của đội ngũ y bác sĩ. Tuy nhiên, người phi công ấy cũng đã trả đầy đủ tiền viện phí và hoàn thành mọi yêu cầu của Việt Nam trong việc phòng và chữa bệnh. Người Phi công Anh cũng đã thể hiện lòng biết ơn chân thành và cảm động đến đội ngũ y bác sĩ ngay sau khi tỉnh dậy sau một thời gian dài hôn mê. “Cảm ơn Việt Nam, cảm ơn đội ngũ y bác sĩ’… đó là những điều ông ấy đã nói trong suốt hơn 4 tháng qua.

Tuy nhiên, có lẽ ông ấy đã bị ngợp trong sự săn đón của truyền thông, mệt mỏi vì phải liên tục tỏ ra thân thiện, đóng vai người biết ơn. Chúng ta mãi hân hoan mà quên mất rằng, người phi công ấy cần có không gian riêng tư để tịnh dưỡng, nhất là một người mới trải qua hành trình dài chiến đấu cùng kiệt với tử thần. Quên mất rằng, ông ấy chỉ là một bệnh nhân chứ không phải ngôi sao. Ông ấy không có nghĩa vụ phải đáp trả lại sự nhiệt tình của đám đông. Bởi cái ông ấy cần là sức khỏe, là được tịnh dưỡng chứ không phải fan hâm mộ. Quên mất rằng, ông ấy không muốn biết đến theo kiểu một người bệnh đặc biệt được rêu rao khắp thế giới. Hãy nhớ cả tuổi thanh xuân của người phi công ấy là bay trên bầu trời, chắc chắn ông ấy muốn mọi người biết đến là một phi công giỏi hơn là một bệnh nhân may mắn.

Sự nỗ lực cứu chữa một bệnh nhân nặng trong bối cảnh thế giới đang đau đầu vì dịch Covid 19 này là một điều đáng tự hào. Thế nhưng tự hào, hãnh diện, vui mừng hơn 4 tháng qua như thế là quá đủ rồi. Hãy gác lại cảm xúc ấy để nó mãi mãi là một kỉ niệm đẹp. Hãy ngừng viết về người Phi công Anh để cho họ có đủ cảm xúc để ghi lại một Việt Nam thân thiện, hiếu khách, tốt bụng trong tim.

Cái gì cũng nên có điểm dừng. Một người sẽ là hoàn hảo nhất khi biết dừng lại khi đang ở đỉnh cao vinh quang của sự nghiệp. Cũng như, mọi việc sẽ vô cùng hoàn hảo khi biết dừng lại đúng thời điểm. Hãy trả lại cho người phi công ấy sự riêng tư vốn có, thứ mà người nước ngoài đặc biệt coi trọng.

3 nguyện vọng của Bệnh nhân số 91 – Phi công người Anh trước khi rời Việt Nam

Thứ nhất, phi công Anh không muốn tiếp xúc với giới truyền thông trong ngày xuất viện, không muốn chụp hình hay tham gia phỏng vấn với bất kỳ báo, đài nào.

Thứ hai, bệnh nhân 91 chỉ đồng ý tiếp đón lãnh đạo thành phố, các sở ban ngành và lãnh đạo bệnh viện đến động viên và chào tạm biệt.

Thứ ba, bệnh nhân chỉ đồng ý duy nhất 1 nhiếp ảnh gia của Bệnh viện Chợ Rẫy được chụp ảnh trong buổi xuất viện.

Thu An

Đọc nhiều