2
category
329594

Hãy tạo thành “văn hóa xin lỗi” chứ đừng chỉ bao biện cho cái sai

Đinh Lực 22/10/2019 17:58

Lãnh đạo Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà đến nay vẫn từ chối gửi lời xin lỗi chính thức cũng như bồi thường thiệt hại cho người dân sau sự cố nước sạch bốc mùi, nhiễm dầu thải và cho biết, doanh nghiệp này là “đơn vị thiệt hại nhất”.

Đối với câu hỏi công ty nước sạch Sông Đà có nợ người dân lời xin lỗi, đại diện nước sạch sông Đà khẳng định: “Xin lỗi hay không sẽ chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng”.

Sự cố nước do công ty nước sạch Sông Đà gây ra đã cả tuần rồi. Hơn 300.000 hộ dân, tương đương với trên 1 triệu nhân khẩu thuộc 6 quận và 4 huyện, vừa trải qua một cơn “loạn nước” chưa từng có trong lịch sử. Đến nay, dù nước đã được cấp lại, nhưng theo khuyến cáo của UBND thành phố Hà Nội, người dân cũng chỉ dám dùng nước này để tắm giặt, còn ăn uống thì vẫn phải sôi lên để đi lùng nước đóng chai.
Ấy vậy mà khi được báo chí hỏi liệu có xin lỗi người dân hay không, thì ông Nguyễn Đăng Khoa, phó giám đốc nhà máy nước sạch Sông Đà, vẫn lắc đầu “Còn phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng cái đã”.

Nước sạch đã có lẫn dầu nhớt – chuyện hai năm rõ mười như thế mà ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) vẫn cứ loanh quanh, không chịu nhận trách nhiệm về mình. Để sau khi bị báo chí dồn hỏi, mới buông thõng một câu “vâng, thì xin lỗi” đầy gượng gạo.

Ông Nguyễn Đăng Khoa – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà từ chối lời xin lỗi

Một lời xin lỗi đãi bôi nặng tính thủ tục với người dùng nước của công ty do ông đứng đầu mà gượng ép như vậy thì không có chút thành ý nào là xin lỗi cả. Nếu dầu nhớt của một tên vô lại nào đó làm vấy bẩn nguồn nước sạch Sông Đà thì những người bán nước được cho là “sạch” ấy đã làm vấy bẩn chút niềm tin mong manh còn sót lại của dân đối với những kẻ vẫn luôn rao giảng “phục vụ nhân dân”.

Trong thông báo của UBND thành phố Hà Nội: Nước của nhà máy nước sạch Sông Đà đã bị nhiễm bẩn, không thể dùng trong sinh hoạt được. Qua lời của ông phó giám đốc nhà máy nước sạch Sông Đà, dư luận hiểu điều ông muốn nói, rằng tuy các ông là chủ nhà máy, là người cung cấp thứ nước được gọi là “sạch” đấy. Nhưng thằng nào làm bẩn nước thì thằng đó phải chịu trách nhiệm. Các ông chỉ việc bơm cái thứ nước đã bị “thằng nào đó” làm bẩn lên để bán cho dân Thủ đô. Thế thôi.

Chưa cần nói đến đúng sai trong sự cố ô nhiễm nước tại Viwasupco khiến biết bao người dân sống trong hoang mang, âu lo vì đã phải dùng nước ô nhiễm. Chỉ cần xét đến thái độ, việc trả lời chất vấn của các phóng viên tại buổi giao ban chiều 15/10 cũng thấy khó chấp nhận được. Đó là sự thờ ơ, bàng quan, vô cảm, thiếu trách nhiệm và không dám nhận trách nhiệm của vị “tổng giám đốc làm thuê”.

Những lời đổ lỗi và từ chối xin lỗi của hai ông chánh, phó giám đốc Công ty nước sạch Sông Đà chứng tỏ các ông chẳng coi khách hàng ra cái gì cả. Mà không chỉ có hai ông, nhìn rộng ra, mới hay lời xin lỗi của các quan chức ở ta sao mà hiếm hoi vô cùng. Mỗi khi các “quan” gây nên một sự cố nào đó làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân, khiến dư luận dậy sóng, thì y như rằng “bài ca đổ lỗi” lại cất lên, nào là tại “cậu đánh máy”, nào là cấp dưới nghe không rõ, không hiểu ý các ông nên thực hiện sai… Vân vân và… vân vân.

Tâm thế của các nhà quản lý theo chức năng của mình là luôn cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm, tai nạn xảy ra là “ngoài ý muốn” và đổ hết tội cho người dân. Vì vậy, đến khi sự cố đau thương xảy ra thì “dân tự cứu dân là chính” trở thành một lẽ đương nhiên!

Ở các nước khác, gặp trường hợp như sự cố nước Sông Đà ở Hà Nội chẳng hạn, thì việc đầu tiên của người đứng đầu là công khai xin lỗi người dân thủ đô, và tiếp theo là từ chức. Nhưng ở vụ nước sạch Sông Đà, lời xin lỗi một cách gượng ép, buông câu xin lỗi mà thân tâm không có thành ý thì quá là giả tạo, “ mặt dầy”.

Chúng ta thường quan niệm “tránh voi chẳng xấu mặt nào” hay “dĩ hoà vi quý” nên dùng từ “xin lỗi” một cách rất dễ dàng. Dễ đến nỗi những người được ta xin lỗi sẽ thấy chẳng thật tâm, không chân thành vì hai lẽ. Thứ nhất là sau câu xin lỗi bao giờ cũng kèm với từ “nhưng mà vì …” hàm ý như lời đổ lỗi cho yếu tố khách quan nào đó; thứ hai là xin lỗi xong, nhiều người vẫn tái phạm, thậm chí ở mức độ nghiêm trọng hơn.

Nhận lỗi và xin lỗi – hành động đơn giản ấy nhưng đang rất xa xỉ ở xứ ta, từ việc bé tí teo đến việc đại sự. Người ta bảo, sở dĩ có thực trạng như vậy là do truyền thống văn hóa, cách giáo dục của ta đã và đang khác với nhiều nước trên thế giới. Thực tế thời gian qua, dù cộng đồng mạng xã hội có ra sức kêu gào, hò hét; dư luận xã hội có bức xúc yêu cầu một vị quan chức, một người có trách nhiệm nào đó phải đứng ra nhận lỗi thì mọi sự vẫn bị “bỏ ngoài tai” các vị đó.

Cái thói xấu ấy ăn sâu vào suy nghĩ, hành động hàng ngày của rất nhiều người nên họ luôn đặt cái tôi lên trên hết, thậm chí không cần phân biệt đúng – sai. Ra đường, dù đi sai Luật giao thông, va chạm vào người khác, mình sai lè nhưng việc đầu tiên là phải “hung hăng” chửi bới vài câu đã, sau hạ hồi phân giải mới cần biết đúng sai. Chính vì thế mà rất nhiều va chạm nhỏ trên đường, không ai chịu nói lời xin lỗi mà nảy sinh những mâu thuẫn rất lớn, có khi là lao vào đoạt mạng nhau.

Dư luận từng ầm ĩ về sự việc của một vị hiệu trưởng, vì “ngại” nói lời xin lỗi, nên bà quanh co đổ lỗi cho giáo viên, nhân viên cấp dưới khi gây ra tai nạn cho một học sinh. Kết quả, bà bị dư luận phản ứng và lên án vì hành vi này.

Một người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam từng “phàn nàn” trên một tờ báo rằng: Người Việt Nam ít nói xin lỗi. Ngay sau đó đã nổ ra cuộc tranh luận với chủ đề: Việt Nam có hay không “văn hóa xin lỗi”?

“Sự thực mà nói, văn hóa “cảm ơn, xin lỗi” phổ cập ở đại đa số các nước, nhưng ở Việt Nam có vẻ hơi xa xỉ. Chúng ta cần phải cải cách từ hệ thống giáo dục, phải xây dựng, giáo dục văn hóa “cảm ơn, xin lỗi” ngay từ ở bậc học thấp nhất”. Xin lỗi gắn liền với việc phải chịu trách nhiệm. Có thể những người có trách nhiệm sợ nói câu xin lỗi vì khi xin lỗi họ đã thừa nhận mình yếu kém hay thiếu trách nhiệm?

Ở bất kỳ vị trí, công việc nào, trách nhiệm gắn liền với quyền lợi. Chúng ta hiện nay đánh giá chưa công bằng, minh bạch về trách nhiệm – quyền lợi nên khi “có chuyện” thường khó tìm đầu mối để chịu trách nhiệm và ai càng lẩn tránh được càng tốt. Rõ ràng, cán bộ sai “lè lè” nhưng chỉ bị nghiêm túc rút kinh nghiệm hoặc luân chuyển sang một vị trí khác, có khi còn “béo bở” hơn trước khi vi phạm kỷ luật, khuyết điểm. Có lẽ vì đó mà từ chức, xin lỗi… có “dại” mới làm.
Đinh Lực

Đọc nhiều