8
category
440627

Hãy làm những việc cấp bách cho miền Trung

19/10/2020 21:42

Thảm nạn này biết thuở nào quên!
Một tối nước lên, nước tràn lên khủng khiếp
Cả ngàn người, cả vạn người không chạy kịp
Nước réo ầm ầm át tiếng kêu la

Nhìn con trôi, mắt cha máu ứa
Ngoi lên, tay vợ níu lưng chồng
Rồi hai người thành hai xác giữa mênh mông
Tấp vào bờ thây của người ông
Giữ xác cháu, hàm răng ghim áo cháu

Đất Quảng quê ta chết bốn ngàn người
Kể chung miền Trung còn hơn thế nữa!
Người sống sót không còn nhà cửa
Không áo cơm, khô cả lệ thông thường

Các lực lượng công an tham gia công tác cứu hộ, đưa người dân đến nơi an toàn.

Đấy là trích đoạn bài thơ “Thảm nạn quê hương” của nhà thơ Tường Linh viết về thảm hoạ bão lũ ở Miền Trung năm 1964, một trong những thảm hoạ thiên tai lũ lụt thảm khốc nhất trong lịch sử ở miền Trung. Con số thống kê thảm hoạ bão lũ 1964 của Thủ tướng VNCH Trần Văn Hương: Hơn 7.000 nhân mạng bị lũ cuốn, 50% nhà cửa bị nước cuốn trôi, hơn 80% hoa mầu bị ngập sâu trong nước, có những vùng nước bị ngập sâu 7m. Riêng tỉnh Quảng Nam hơn 2.500 người chết, 22.447 nhà cửa bị cuốn trôi theo dòng nước, 78% gia súc bị chết, 96% hoa màu bị hư hại, còn tỉnh Quảng Tín (phía nam Tam Kỳ) có hơn 1.270 người chết, 14.250 nhà bị cuốn trôi, 83% súc vật bị chết, 100% hoa màu bị hư lại, tỉnh Quảng Ngãi hơn 1.000 người chết, 14.000 nhà bị cuốn trôi, 80% súc vật, 80% hoa màu.

Các chiến sỹ giải cứu thành công 18 người trên xe khách bị nước lũ cuốn trôi.

Mà thời 1964 chưa có thuỷ điện, rừng chưa bị phá, thế nên nguyên nhân gây ra thảm hoạ chỉ thuần tuý do thiên nhiên, do cấu tạo địa chất, do địa hình, do độ dốc quá lớn từ tây sang đông của khu vực miền trung Việt Nam.

Nghe một số bạn lên án thuỷ điện, lên án phá rừng, kêu gọi dừng ngay thuỷ điện vừa và nhỏ, tôi nhớ đến một nguyên lý rất đáng suy ngẫm “khi gặp sự cố, hãy khắc phục sự cố trước, tìm ra nguyên nhân sau”.

Song song với công tác cứu hộ, ca sỹ Thủy Tiên cũng đi phát quà từ thiện cho bà con chịu ảnh hưởng của bão lũ.

Giờ đây, hàng triệu người dân miền Trung đang ngập mình trong nước lũ, đang đối diện với an nguy về sinh mạng, đối diện với cái đói, cái rét, đối diện với nguy cơ dịch bệnh, đang rất cần cả nước chung tay giúp họ vượt qua thảm hoạ lũ lụt, không phải là lúc để họ nghe chúng ta tranh luận về nguyên nhân do thiên tai hay do phá rừng hay do thuỷ điện?

Tranh luận lúc này chả có ích gì cho người dân miền Trung, cái họ cần ngay lúc này là cứu người đang mắc kẹt trong lũ, là xuồng cứu sinh, là phao cứu sinh, là thuốc men, là cái ăn, nước uống, là dọn dẹp đống đổ nát, là vệ sinh môi trường sau khi nước rút, là một chút tiền để sinh sống những ngày tiếp theo.

Vâng, hãy làm được gì thật thiết thực giúp người dân miền trung ngay lúc này thì hãy làm, còn không thì nên im lặng, việc tranh luận tìm nguyên nhân hãy để lũ lụt qua đi đã.

Đỗ Cao Bảo

*Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

Đọc nhiều