419
category
410287

Hãy đặt mình vào vị trí của nhau để hiểu!

Hải Anh 16/07/2020 17:58

Nếu chỉ nhìn bề mặt, chúng ta chẳng thể nào hiểu được hoàn cảnh của người khác, rằng họ đang trải qua biến cố gì, đang khó khăn ra sao. Người xưa vẫn thường nói: Có từng chịu đựng khổ đau mới hiểu được nỗi đau của người khác. Có từng đi con đường gập ghềnh nhấp nhô mới biết thương người khác cũng phải trải qua như vậy. Đặc biệt trong công tác lãnh đạo, cán bộ, lãnh đạo muốn gần dân phải đặt mình vào hoàn cảnh của dân, và dân cần phải cảm thông cho vị trí của người lãnh đạo.

Cán bộ, lãnh đạo muốn gần dân phải đặt mình vào hoàn cảnh của dân

Thực tế, sự lắng nghe, chia sẻ, giải quyết thấu tình đạt lý của cán bộ, lãnh đạo đối với người dân rất quan trọng, là bài học kinh nghiệm của các cấp chính quyền, chứ không phải dùng quyền lực áp đặt. Người cán bộ phải luôn trăn trở là làm sao để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho dân.

Chúng ta muốn hiểu được dân, muốn lãnh đạo được dân thì chúng ta phải đặt mình vào hoàn cảnh của họ để thấu hiểu, để lắng nghe những tâm tư, khó khăn của dân và giải thích về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước cho người dân hiểu. Việc gì làm có lợi cho người dân thì phải làm và quyết tâm làm bằng được.

Đồng thời cần tôn trọng và xem người dân như người thân của mình, xem nỗi khổ của người dân như nỗi khổ của mình, không xem thường và nhất là không quan liêu, hách dịch, cửa quyền với dân, biết dựa vào dân, biết tranh thủ tình cảm của người dân mà từ đó vận động người dân được tốt hơn.

Thực tế, hiện nay có nhiều cán bộ công chức không đặt mình vào vị thế của dân, không ý thức được mình làm việc là vì dân, sống xa dân, lo cho lợi ích bản thân, lợi ích nhóm. Thiết nghĩ, có đặt mình vào vị trí của người dân thì các nhà quản lý mới thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, biết họ cần gì, không cần gì, từ đó mới đưa ra những chủ trương, chính sách hợp lý, qua đó tạo được sự đồng thuận của nhân dân.

Đặc biệt trong công tác dân vận, người cán bộ phải hết sức khéo léo, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, công bộc là phẩm chất đầu tiên, cần thiết nhất của người cán bộ (đó là người đại diện cho quyền lực của Nhà nước trên một lĩnh vực nhất định), nó chi phối, ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành các đức tính cần thiết khác của đạo đức người cách mạng.

Các nhà quản lý cần phải quán triệt sâu sắc mục tiêu đó trước khi đưa ra quyết sách. Cần phải trả lời được câu hỏi: Quyết sách đó khi được áp dụng thì người dân sẽ được hưởng lợi như thế nào? Cuộc sống người dân có được cải thiện không? Có đảm bảo được dân chủ, công bằng, văn minh không?

Dân muốn hiểu phải đặt mình vào vị trí lãnh đạo

Thực tế làm lãnh đạo rất áp lực, thường xuyên phải trăn trở về rất nhiều vấn đề, những khó khăn trong thương trường, và nhiều khi có cả những vấn đề về gia đình. Không chỉ vậy áp lực với họ là trách nhiệm, người lãnh đạo có thể từ bỏ mọi thứ, nhưng không bao giờ từ bỏ được trách nhiệm. Bởi vì đằng sau họ là cuộc sống của hàng nghìn, hàng vạn con người.

Xin lấy ví dụ về Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong đợt dịch covid-19 vừa qua, có thể nói ông là người chịu áp lực nhiều nhất. Nhìn thấy hình ảnh Phó Thủ Tướng ôm mặt trong một cuộc họp về phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng “vò đầu bứt tóc”, gục mặt hay trực tiếp chỉ huy mặt trận chống dịch trước đó trên mạng xã hội đã lay động đến hàng triệu trái tim người dân Việt Nam. Mặc dù có trăm ngàn khó khăn bao nhiêu áp lực bủa vây, nhưng ông không bao giờ gục ngã. Chúng ta hãy thử một lần đặt mình vào hoàn cảnh của họ mới thấy được làm lãnh đạo áp lực vô cùng.

Người xưa đã có câu: “Không ai hiểu mình bằng chính bản thân mình” có ý nghĩa như thế. Thực tế, không chỉ trong công tác cán bộ với dân mới cần đặt vào hoàn cảnh, vị trí của nhau để hiểu mà trong cuộc sống thường ngày chúng ta cũng cần đặt vào hoàn cảnh của nhau.

Hãy thử nhìn vấn đề từ nhiều góc độ, chúng ta sẽ nhận ra được nhiều điều hơn.

Chúng ta không sống cuộc đời của người khác, không có quan điểm của người khác nên chắc chắn khó thấy được điều người khác thấy và ngược lại. Một vấn đề luôn có nhiều cách để tiếp cận. Thay vì tranh luận anh sai, tôi đúng, tại sao không thử cùng nhìn những gì người khác đang nhìn để hiểu rõ sự việc hơn.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều