2
category
322055

Hào khí dân tộc trong các bản Tuyên ngôn độc lập

25/08/2019 06:09

Thực tế đã đưa đến chân lý, chỉ khi quyền tự do dân chủ được đề cao và phát huy thì độc lập chủ quyền quốc gia mới được bảo vệ vững chắc, đất nước mới hùng cường, chế độ chính trị mới vững mạnh.

Lịch sử nhiều nghìn năm ở cạnh quốc gia láng giềng rộng lớn và luôn có mưu đồ và hành động thôn tính các nước lân bang, lịch sử hàng trăm năm đấu tranh giành độc lập với các đội quân viễn chinh phương Tây đã hun đúc nên chí khí, cốt cách quật cường của dân tộc Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia trước các thế lực ngoại bang.

Chí khí và cốt cách đó được kết tinh trong các bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc. Rồi chính các bản tuyên ngôn đó lại truyền dũng khí và sức mạnh cho mỗi người dân và cho cả dân tộc chiến thắng mọi thế lực xâm lăng.

Ba bản Tuyên ngôn ghi đậm dấu ấn cốt cách của dân tộc trong lịch sử là:

Bản Tuyên ngôn “Nam quốc sơn hà” năm 1076

“Nam quốc sơn hà” là Bản Tuyên ngôn bằng thơ của Lý Thường Kiệt, ra đời trong bối cảnh nước ta đương đầu với họa xâm lăng của nhà Tống và được xác định là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Tháng 3 năm 1076, nhà Tống sai 9 tướng, do Quách Quỳ làm Chiêu thảo sứ và Triệu Tiết làm Phó Chiêu thảo sứ đưa 10 vạn quân cùng 20 vạn dân phu sang xâm lược nước ta.

Hình ảnh gần gũi, thân thương của Bác Hồ khi gặp gỡ bà con nông dân. Ảnh tư liệu
Hình ảnh gần gũi, thân thương của Bác Hồ khi gặp gỡ bà con nông dân. Ảnh tư liệu

Hoàng đế Lý Nhân Tông đã giao cho Lý Thường Kiệt – một trong những danh tướng vĩ đại nhất thời nhà Lý làm tổng chỉ huy quân Đại Việt chống lại quân xâm lược phương Bắc hùng hậu trên nhiều mặt trận. Trước sức mạnh của quân xâm lược, có lúc quân ta lâm vào tình thế khó khăn.

Trong tình thế đó, Lý Thường Kiệt đã đọc bài thơ “thần” nhằm khích lệ tinh thần của binh sỹ và tỏ rõ ý chí, quyết tâm đánh tan quân xâm lược, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Dịch nghĩa:

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận tại sách Trời.

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Chỉ 4 câu thơ nhưng đã thể hiện đầy đủ và khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của dân tộc, là chân lý thiêng liêng, bất di bất dịch và khẳng định quân dân Đại Việt sẽ trừng trị đích đáng quân xâm lược.

Bối cảnh xuất hiện bài thơ mang màu sắc thần bí, không chỉ truyền đến cho quân dân Đại Việt sức mạnh tinh thần to lớn mà còn làm cho tinh thần quân giặc hoang mang.

Dần dần cuộc chiến đảo chiều, quân ta chiếm ưu thế. Khi quân Tống lâm vào thế bí, Lý Thường Kiệt sai sứ sang “nghị hòa”. Quách Quỳ đã chấp nhận giảng hòa và rút quân về nước.

Bài thơ “Nam quốc sơn hà” mang đầy đủ nội dung, hàm ý của một bản tuyên ngôn độc lập. Trước hết đã thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc qua việc xưng “đế” của vua Đại Việt, đồng nghĩa đặt ngang hàng với vua Tống. Đồng thời vừa khẳng định chủ quyền cương vực lãnh thổ vừa thể hiện ý chí của toàn dân tộc quyết tâm đánh tan quân xâm lược bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia.

Đây là điều cấm kỵ đối với các quốc gia lân bang của các triều đại phong kiến Trung Quốc kể từ thời Tần Thủy Hoàng. Vì họ tự cho rằng các hoàng đế Trung Hoa là chủ thiên hạ, các nước khác chỉ là chư hầu, vì vậy người đứng đầu chỉ được xưng Vương.

Lý Thường Kiệt không thừa nhận trật tự áp đặt đó, khảng khái khẳng định vua nước Nam cũng là hoàng đế ngang hàng với hoàng đế phương Bắc.

Nếu hoàng đế phương Bắc đưa quân xâm lược xâm phạm chủ quyền nước Nam thì sẽ bị trừng trị đích đáng.

Bản tuyên ngôn “Bình Ngô đại cáo” năm 1428

Sau khi chiến thắng quân Minh, ngày 29/4/1428, Lê Lợi làm lễ lên ngôi và giao cho Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô đại cáo” để bố cáo với thần dân cả nước. Đây là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của Đại Việt.

Nếu “Nam quốc sơn hà” dùng yếu tố thần bí để khẳng định chủ quyền của quốc gia (Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư), thì “Bình ngô đại cáo” khẳng định chủ quyền quốc gia bằng cơ sở khoa học, luật pháp và thực tiễn; được minh chứng bằng thực tế lịch sử, văn hóa đầy tính thuyết phục:

“Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Núi sông bờ cõi đã chia,

Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”.

Bản tuyên ngôn độc lập thứ hai đã khẳng định mạnh mẽ quyền độc lập, tự chủ của Đại Việt – quốc gia có bờ cõi riêng, có nền văn hiến và lịch sử lâu đời, có phong tục tập quán riêng, và có các triều đại quân chủ sánh ngang với phương Bắc. Đó là một thực tế không thể chối cãi.

Bản “Tuyên ngôn độc lập” năm 1945

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, trước quốc dân đồng bào Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa bằng bản “Tuyên ngôn độc lập” bất hủ.

Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở nên bất hủ là bởi quan điểm, tư tưởng của Người về quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người dân; về ý chí đấu tranh cho độc lập của dân tộc.

Sự uyên bác của Hồ Chí Minh còn thể hiện ở sự tiếp thu sáng tạo tư tưởng khai phóng của nhân loại vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Đó là việc Người đã khéo léo trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 – Bản tuyên ngôn ghi dấu ảnh hưởng của triết học khai sáng:

“Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ có những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”

Và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789 – Quốc gia đầu tiên xoá bỏ chế độ quân chủ, xây dựng chế độ cộng hoà:

“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.

Kết thúc bản tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đó trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tinh mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Do hoàn cảnh lịch sử, Tuyên ngôn độc lập năm 1076 và Tuyên ngôn độc lập năm 1428 chỉ đề cập đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ và ý chí quyết tâm bảo vệ toàn vẹn cương vực quốc gia.

Đến tuyên ngôn độc lập năm 1945, Hồ Chí Minh đã gắn liền độc lập dân tộc với quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân. Trong thời đại văn minh, hai nội dung này cùng một nội hàm. Nếu tách rời thì đó không phải là mục tiêu của một cuộc cách mạng chân chính.

Trong nhiều bài nói và bài viết khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nhấn mạnh quyền tự do của người dân, vì quan điểm trước sau như một của Người là: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do.” [1]

Nhờ quan điểm gắn liền độc lập dân tộc với quyền tự do dân chủ trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nên sau khi đất nước giành được độc lập, Người đã tập hợp được mọi giai tầng trong xã hội từ quan lại của Triều đình Huế đến nhân sĩ, trí thức, địa chủ, thợ thuyền, nông dân… trong cả nước tạo thành sức mạnh vĩ đại của toàn dân tộc để hoàn thành vẻ vang sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, thống nhất tổ quốc.

Từ quan điểm tư tưởng của 3 bản tuyên ngôn độc lập, từ thực tiễn lịch sử dân tộc và nhân loại, có thể rút ra một số vấn đề cốt lõi trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước:

Thứ nhất, bất kỳ trong hoàn cảnh lịch sử nào, giới tinh hoa trong bộ máy nhà nước phải luôn lấy lợi ích, độc lập, chủ quyền quốc gia làm tối thượng thì độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia mới được bảo vệ vững chắc. Ngược lại, chỉ một phút lơ là, mất cảnh giác là cả dân tộc phải trả giá đắt.

Thứ hai, gắn liền mục tiêu độc lập dân tộc với tự do dân chủ. Thực tế đất nước và thế giới đã đưa đến chân lý, đó là chỉ khi quyền tự do dân chủ được đề cao và phát huy thì độc lập chủ quyền quốc gia mới được bảo vệ vững chắc, đất nước mới hùng cường, chế độ chính trị mới vững mạnh.

Thứ ba, trước bất kỳ một thế lực ngoại xâm nào cũng phải sáng suốt, tỉnh táo để có đối sách phù hợp đó là kiên định, quyết liệt nhưng không cứng nhắc, máy móc; mềm mỏng nhưng không nhân nhượng, nhu nhược. Đặc biệt, phải luôn luôn tin ở dân, vì khi đất nước bị xâm lăng hoặc bờ cõi bị đe dọa thì nhân nhân là thành trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ chứ không phải ai khác.

Thứ tư, ngày nay, khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm cần phải tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Vì thời đại ngày nay không còn là thời nước lớn dùng vũ lực thôn tính lãnh thổ, chủ quyền của nước bé.

Tuy nhiên, yếu tố mang tính thời đại này chỉ có giá trị khi chủ quyền, lãnh thổ quốc gia bị nước khác xâm phạm, chúng ta phải kịp thời công khai với các quốc gia trên thế giới và phải đưa vấn đề đó ra Liên Hiệp quốc.

Một phần biển đảo của đất nước đã bị Trung Quốc xâm chiếm và hiện tại, Trung Quốc đang tiếp tục xâm phạm thô bạo vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở vùng biển phía Đông Nam của nước ta thì việc đọc lại các bản tuyên ngôn Độc lập là điều cần thiết, để chúng ta thấy được trách nhiệm với dân tộc, càng thêm vững tin và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nguyễn Huy Viện

Đọc nhiều