Hạnh phúc của Nhân dân là mục tiêu tối thượng
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân là gốc của một nước, nước lấy dân làm gốc”; “gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa bế mạc. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong buổi họp báo ngay sau phiên bế mạc đại hội (trưa 1-2), cho biết: “Đại hội XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp… Nhưng quan trọng hơn, sắp tới đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống thế nào…”.
Tổng bí thư chỉ rõ: “Phải thể chế hóa, phải chỉ đạo quyết liệt từ trên xuống dưới, phải ra của cải vật chất. Nước phải giàu, dân phải mạnh, đời sống của Nhân dân sung sướng hơn, thế mới gọi là thành công. Chứ không phải thông qua nghị quyết, vỗ tay là đại hội thành công”.
Đặc biệt coi trọng sức mạnh của Nhân dân
Thông điệp truyền đi từ phát ngôn này của Tổng bí thư cho thấy việc làm cho “Nhân dân sung sướng hơn”, hạnh phúc hơn, đất nước giàu có hơn, phồn vinh hơn chính là mục tiêu lớn nhất mà Đảng ta lấy làm giá trị cốt lõi trong đường lối lãnh đạo, hành động của mình từ lúc ra đời cho đến nay. Đó cũng chính là biểu hiện cụ thể, sâu sắc của tư tưởng “dân là gốc” được đề cập xuyên suốt trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ra đi tìm đường cứu nước, Người đã mang trong mình truyền thống yêu nước thương nòi của dân tộc. Người tiếp thu, kế thừa, phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” cũng như bài học lấy “dân làm gốc” của cha ông.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng sức mạnh của Nhân dân. Sinh thời, Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân”, “trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”, “dân là gốc của một nước, nước lấy dân làm gốc”; “gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”.
Nhân dân, trong tư tưởng của Người không chỉ là lực lượng của cách mạng mà đã trở thành đối tượng để ngợi ca, thành đối tượng mà Đảng, Nhà nước phải có trách nhiệm chăm lo mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần. Hồ Chí Minh cho rằng tự do, hạnh phúc là thước đo giá trị của độc lập dân tộc, vì vậy phải thực hiện làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành.
Phát triển thêm nội hàm “dân thụ hưởng”
Còn nhớ, trong phát biểu tại hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận vào năm 2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc là một bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử”.
Tại hội nghị toàn quốc công tác dân vận, ngày 27-5-2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nêu ra những đúc kết hết sức sâu sắc từ Nguyễn Trãi về nội dung này: “Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định; vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; trái lại, vương triều nào ngược lòng dân thì sớm muộn cũng sẽ bị thất bại”.
Và mới đây nhất, tại ngày làm việc thứ ba của Đại hội XIII của Đảng, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong bài tham luận mở màn phiên thảo luận văn kiện đại hội, một lần nữa nhắc lại quan điểm nhất quán ấy: “Trong mọi hoạt động, hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm dân là gốc, khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của Nhân dân, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Quán triệt phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
Và một trong những bài học sau năm năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII mà Báo cáo chính trị Đại hội XIII đã rút ra, đó là quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới.
Không những vậy, để phát huy tư tưởng “dân là gốc”, cùng với các nội hàm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã đề cập xuyên suốt thời gian qua, Đại hội XIII, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng còn bổ sung một nội hàm đặc biệt, đó là “dân thụ hưởng” (cùng với “dân giám sát, dân phản biện”).
Cần đội ngũ cán bộ thật trong sạch để dân tin
Từ tư tưởng, từ nghị quyết để đi đến hành động cần sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị. Thế nhưng trước hết, mỗi tổ chức đảng và đảng viên cần thấm nhuần quan điểm “dân là gốc”.
Khi thấm nhuần quan điểm này chắc chắn trong quá trình tham mưu ban hành và thực thi chính sách sẽ luôn xuất phát, đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, luôn lấy ấm no, hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Cùng đó là quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội nhằm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Đặc biệt, để Nhân dân tin Đảng, đi theo Đảng cần phải lựa chọn và xây dựng được đội ngũ cán bộ thật sự tài năng, tâm huyết; phải chống được quan liêu, tham nhũng, lãng phí thì mới góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng…
Trước đòi hỏi bức thiết của đất nước hôm nay lại vang lên lời thúc giục khẩn thiết, đó là đội ngũ cán bộ, đảng viên hãy trở về với cái “nôi” mà mình đã sinh ra, đã lớn lên trong sự chở che, đùm bọc, ấy là “Nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Thông điệp “Nước phải giàu, dân phải mạnh, đời sống của Nhân dân sung sướng hơn, thế mới gọi là thành công” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng truyền đi ngay sau kết thúc Đại hội XIII đã thể hiện xuyên suốt tư tưởng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(Theo PLO)