Hàng triệu người tại hơn 90 quốc gia đồng loạt biểu tình

Bảo Trâm 20/10/2022 13:38

Trang Washington Post đưa tin, vì chi phí sinh hoạt tăng cao do cuộc khủng hoảng năng lượng đang khiến nhiều người dân bất mãn, kéo theo các cuộc biểu tình ở hơn 90 quốc gia trên khắp thế giới.

Bạo động tại Sierre khiến ít nhất 19 người tử vong

Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh cuộc sống, từ chi phí đi lại, vận chuyển hàng hóa, đến năng lượng sưởi ấm và điện, nhiều người biểu tình trên khắp thế giới đang kêu gọi thay đổi.

Họ yêu cầu khả năng tiếp cận nhiên liệu dễ dàng hơn hoặc mức giá phải chăng hơn. Một số người biểu tình ôn hòa, số khác đã tấn công chính phủ. Một vài người thậm chí phải trả giá bằng cả mạng sống.

Theo Washington Post, tính từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, người dân ở 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia các cuộc biểu tình về nhiên liệu. Ngoài Nam Cực, không một lục địa nào không xảy ra các cuộc biểu tình, bạo loạn đẫm máu.

Biểu tình bạo lực tại Indonesia

Đơn cử như Indonesia, quốc gia đã ghi nhận hơn 600 cuộc biểu tình về xăng dầu, tăng khoảng 30 lần so với con số 19 vào năm 2021. Tại Italy, hơn 200 cuộc biểu tình đã nổ ra trong 8 tháng đầu năm, gấp 100 lần số liệu của năm 2021. Ecuador cũng phải đối mặt hơn 1.000 cuộc biểu tình về nhiên liệu chỉ trong tháng 6.

Trong khi đó, ở thủ đô Freetown của Sierra Leone – một quốc gia Tây Phi – cô Khadija Bah, 16 tuổi, bị bắn ngay trước hiên nhà khi đang theo dõi đám đông biểu tình chỉ cách đó vài m.

Vào ngày 10/8, khi cảnh sát đụng độ với người biểu tình, một viên đạn lạc đã bắn trúng Khadjia. Cô bé ngã xuống đất và gần như ngay lập tức trút hơi thở cuối cùng.

Bà Maria Sesay – mẹ của Khadjia – vẫn chưa thể chấp nhận cái chết của con gái. “Tôi rất buồn. Từ trước đến nay, tôi đã rất vất vả để nuôi con khôn lớn. Nhưng giờ con bé đã mất. Tôi rất đau đớn”, bà nói.

Sierra Leone không phải đối mặt với tình trạng bạo lực này suốt nhiều năm qua. Nhưng lần này, nó được châm ngòi bởi giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục. Vào tháng 8, các cuộc đụng độ ở thủ đô đã khiến 25 người thiệt mạng, trong đó có 5 cảnh sát.

Giá nhiên liệu tại quốc gia Tây Phi này đã tăng gần gấp đôi từ 0,86 USD/lít vào tháng 3 lên mức cao kỷ lục 1,58 USD/lít vào tháng 7. Cuối cùng, tình trạng bạo lực đã dịu đi sau khi giới chức nước này ban bố lệnh giới nghiêm và chặn truy cập Internet để ngăn những người biểu tình liên lạc với nhau.

Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio sau đó cáo buộc các cuộc biểu tình là một nỗ lực lật đổ chính phủ của ông. Tuy nhiên, nhiều cư dân phản đối điều này. Họ nói rằng họ xuống đường biểu tình vì giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao.

Nhiều xe bị đốt rụi trong cuộc biểu tình tại Pháp

Trong tất cả 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đang trải qua tình trạng bất ổn vì giá nhiên liệu, Sri Lanka đã trở thành một ví dụ điển hình, sau hàng loạt cuộc biểu tình khiến chính phủ sụp đổ và buộc cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải tháo chạy.

Sri Lanka là một trong những nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất ở châu Á. Do đó, người dân nước này đang hứng chịu một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt lớn do giá nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men liên tục tăng. Thậm chí một số nghĩa trang bên ngoài thủ đô Colombo đã hủy dịch vụ hỏa táng vì hết khí hóa lỏng, theo Washington Post.

Wimala Dissanayaka, 48 tuổi, chủ một quầy bán rau ở Thalawathugoda, ngoại ô thủ đô Colombo, chia sẻ gia đình bà đang rơi vào cảnh “giật gấu vá vai”. “Giá mọi thứ đều tăng vọt. Chi phí sinh hoạt tăng nhưng thu nhập của chúng tôi không thay đổi”, bà nói.

Nhận định về cuộc khủng hoảng lần nay, ông Henry Wilkinson, giám đốc tình báo của Dragonfly, cho biết điều đáng ngạc nhiên nhất là nơi các cuộc biểu tình đang diễn ra.

“Điều bất thường lần này là chúng ta đang chứng kiến ​​các cuộc biểu tình ở những nơi thường không dễ xảy ra. Cuộc xung đột ở Ukraine có tác động rất lớn. Một giải pháp xử lý xung đột sẽ làm giảm đáng kể cuộc khủng hoảng toàn cầu”, ông nói.

Song chiến sự ở Ukraine chỉ là một trong nhiều yếu tố thúc đẩy giá nhiên liệu toàn cầu.

Một yếu tố khác là sự thiếu hụt nguồn cung. Vào đầu đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp tạm thời đóng cửa và nhu cầu năng lượng giảm. Nhưng khi cuộc sống trở lại tình trạng “bình thường mới” và nhu cầu năng lượng tăng lên, các nhà cung cấp chưa thể đáp ứng kịp xu hướng này, khiến giá năng lượng tăng cao.

Bên cạnh đó, giá trị đồng USD đang ở mức cao nhất mọi thời đại so với các đồng tiền lớn khác, bao gồm bảng Anh, euro, nhân dân tệ của Trung Quốc và yen của Nhật Bản. Dầu mỏ sử dụng trong sản xuất xăng thường được thanh toán bằng USD, dó đó, đồng nội tệ yếu so với USD càng khiến giá nhiên liệu trở nên đắt đỏ hơn.

Cuối cùng, xung đột Nga – Ukraine cũng khiến nhiều nước tuyên bố cấm nhập khẩu dầu Nga, trong đó có Liên minh châu Âu (EU). Vào cuối tháng 5, EU đã áp lệnh trừng phạt nhằm cắt giảm khoảng 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga. Điều đó có nghĩa nhu cầu dầu từ các nhà sản xuất khác cũng tăng lên, càng đẩy giá lên cao.

Trong khi các chính phủ trên thế giới chật vật tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra. Và một số người thậm chí phải trả giá đắt do tình trạng bạo lực.

Trang Washington Post trích dữ liệu của một báo cáo đã chỉ ra rằng trong 9 tháng qua, ít nhất đã có 80 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình về chi phí nhiên liệu, tại Argentina, Ecuador, Guinea, Haiti, Kazakhstan, Panama, Peru, Nam Phi và Sierra Leone.

Bảo Trâm (Theo Washington Post)

Đọc nhiều