Hàng trăm nghìn tỷ đồng “hóa đá”

Phạm Khoa 31/10/2022 11:00

Sáng 31/10, Đoàn giám sát của Quốc hội đã báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Nổi cộm trong báo cáo này là tình trạng lãng phí đất công và những bức xúc của nhân dân các địa phương khi phải chứng kiến tình trạng “thiếu đất xây công trình xã hội trong khi la liệt đất công bị bỏ hoang”.

Một phụ nữ lam lũ hàng ngày chui qua rào tôn của dự án bỏ hoang từ lâu ở Long Biên để…trồng rau kiếm sống!

Vào tháng 9/2022, UBND TP.HCM đã có quyết định thu hồi hơn 6.200m2 đất vàng tại địa chỉ 33 Nguyễn Du; 34-36 và 42 Chu Mạnh Trinh, Quận 1. Đây là khu đất tai tiếng lâu năm vì những thủ thuật biến đất công thành đất tư để vay ngân hàng lên đến hàng ngàn tỷ đồng giữa một doanh nghiệp nhà nước (Tổng công ty Lương thực miền Nam) với một công ty tư nhân (Công ty TNHH thương mại, dịch vụ và xây dựng Việt Hân Sài Gòn)

Thật đáng buồn, câu chuyện đó không phải là cá biệt. Chúng ta có thể tận mắt nhìn thấy rất nhiều công trình tương tự thế ở bất cứ địa phương nào trong cả nước. Với đô thị, đó là câu chuyện giao đất cho doanh nghiệp làm chung cư, cao ốc, công trình thương mại lớn. Với nông thôn, đó lại là câu chuyện giao đất rừng, đất nông nghiệp để trồng trọt, chăn nuôi…

Không thể không nhận thấy, phần nhiều những công ty chiếm dụng đất công là các doanh nghiệp nhà nước. Sự ưu ái này đã là nguyên nhân của rất nhiều vụ việc tham nhũng, trục lợi, gây thất thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng. Chỉ 7 địa phương, đã có 1.700 dự án treo, 12.000ha đất hoang. Toàn quốc, có tới 743 triệu m2 đất bỏ hoang. Phải chăng, chúng ta không có đủ nhân lực làm công tác giám sát dự án sau giao đất? Hay đơn giản, là luật của chúng ta đã quá lỏng lẻo, và thiếu chi tiết?

Nếu vì lý do đầu tiên, thiết nghĩ nên số hóa mọi hồ sơ giao đất, và chỉ cần đến hạn mà không triển khai hay hoàn thành dự án, đơn vị được giao đất sẽ bị nêu tên công khai trên báo chí, và sẽ không được giao đất trong một khoảng thời gian quy định. Nếu vì lý do thứ hai, đã đến lúc chúng ta phải nghiên cứu bổ sung Luật đất đai theo hướng chặt chẽ hơn, với hệ thống các quy định về giao đất, và kế hoạch sử dụng đất chi tiết, kèm chế tài nghiêm khắc.

“Đất vàng” Hoàn Kiếm siêu đắt đỏ, doanh nghiệp “ôm” vào rồi quây tôn bỏ không.

Về mặt chủ trương, cần bổ sung quy định trước khi giao đất, phải niêm yết công khai thông tin đơn vị được giao đất, cũng như phải có các đảm bảo tin cậy về nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng đối với năng lực triển khai dự án của đơn vị đó.

Để hỗ trợ bên được giao đất, các cơ quản quản lý chuyên môn cũng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian cấp phép xây dựng, rà soát quy hoạch, tránh tình trạng “treo”.

Một khi đã cầm trong tay quyết định giao đất có hiệu lực pháp luật, đơn vị được giao đất sẽ có thời hạn nhất định để thực hiện dự án. Quá hạn, lập tức bị thu hồi đất, nếu không chấp hành quyết định thu hồi, nhất định phải dứt khoát cưỡng chế, không để dây dưa, kéo dài.Bên cạnh đó, nên giao quyền cho chính quyền cơ sở có dự án được tham gia giám sát, và khi phát hiện có sự chây ì trong triển khai dự án, phải lập tức cảnh cáo và cảnh báo đến các cấp quản lý cao hơn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia giai giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nhấn mạnh sự cần thiết phải quan tâm đẩy mạnh công tác xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Muốn làm tốt định hướng này, phải chuẩn bị sẵn nguồn quỹ đất, vốn là khó khăn cơ bản nhất mà các doanh nghiệp tham gia xây nhà ở xã hội gặp phải suốt thời gian qua.

Hy vọng qua những gì đang được Quốc hội quan tâm, tình trạng lãng phí nghiêm trọng tài nguyên đất đai sẽ bị chặn đứng. Người dân cả nước dịp này, cũng hy vọng các khu “đất vàng”, “đất kim cương” bị chiếm dụng quá lâu phải bị thu hồi. Đất nước chưa giàu, tuyệt đối phải chắt chiu từng chút tài nguyên để làm bệ đỡ cho phát triển. Lãng phí lúc này không những làm chậm tốc độ tăng trưởng, mà còn là tội ác, vì không đáp ứng được nhu cầu dân sinh.

Phạm Khoa

Đọc nhiều