Hàng ngàn người ở TP HCM dính bẫy góp vốn mua đất

12/07/2019 18:12

“Người dân gửi đơn khắp nơi nhưng các doanh nghiệp lừa bán dự án ma thông qua hình thức góp vốn vẫn “bằng chân như vại”, không bị xử lý” – đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm trăn trở. 

Sáng 12-7, kỳ họp thứ 15 HĐND TP HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục diễn ra với phiên thảo luận tại hội trường.

Đề cập ngay đến bức xúc của người dân hiện nay về tình trạng mua bán dự án nhà đất “ảo” nở rộ tại các quận Bình Tân, Hóc Môn, quận 9, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Tố Trâm nói ước tính có hàng ngàn khách hàng bị lừa do đã đóng tiền góp vốn đặt tiền mua đất.

“Người dân gửi đơn khắp nơi nhưng các doanh nghiệp (DN) lừa bán dự án ma này vẫn “bằng chân như vại”, không bị xử lý” – bà Trâm trăn trở.

Điều đáng nói khi DN dẫn người dân đi mua đất họ làm rất rầm rộ, san ủi đất làm hạ tầng nên người dân tin tưởng đặt tiền. Bà Trâm nêu điển hình mới đây nhất là khu đất phường An Lạc, quận Bình Tân quy hoạch làm công viên nhưng Công ty Angel Lina vẫn “vẽ” lên đó dự án KDC Triều An. Có khách hàng đặt cọc hơn 1 tỉ đồng, gia đình xảy ra chuyện cũng vì bị lừa mua dự án này.

Hàng ngàn người ở TP HCM dính bẫy góp vốn mua đất - Ảnh 1.
ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm đề nghị cần xử lý hình sự các dự án “ma”

ĐB Trâm đặt vấn đề: Với kiểu lừa đảo này cơ quan điều tra có thể xem xét khởi tố hình sự được hay không?

Trước phản ánh của ĐB, Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Văn Thinh cho biết trên địa bàn quận đang có 10 trường hợp bán dự án “ma”, có người dân đăng ký mua vì nhu cầu nhà ở thật, cũng có người vì lợi nhuận, thấy giá rẻ nên mua. “UBND quận Bình Tân đã báo cáo UBND TP và kiến nghị Công an TP điều tra, xử lý các công ty được cấp giấy phép kinh doanh mà công khai vẽ dự án ‘ảo’ lừa đảo người dân” – ông Thinh nói.

Đề cập đến vấn đề tín dụng đen, ĐB Tố Trâm cho rằng hiện nay các đối tượng xã hội đen núp bóng DN để đòi nợ thuê đang diễn biến phức tạp. Đi cùng với đó là dùng các thuê bao quảng cáo cho vay nơi công cộng cũng đang rộ lên nhưng hiện nay vẫn chưa có hướng xử lý cụ thể.

Đồng tình, ĐB Tăng Hữu Phong, cũng cho rằng đây là một vấn đề rất đáng quan tâm.Tình trạng đòi nợ theo kiểu xã hội đen tạo ra bức xúc lớn trong dân. Từ đó, ông Phong đề nghị Công an TP thông tin đầy đủ hơn về những kết quả đã làm trong 6 tháng đầu năm và những giải pháp để kiểm soát và kéo giảm được tình trạng này trong sáu tháng cuối năm.

Trả lời các ĐB, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP nói đồng tình với cách tiếp cận của đại biểu HĐND TP để chung tay giải quyết căn cơ, có hiệu quả và bền vững.

Hàng ngàn người ở TP HCM dính bẫy góp vốn mua đất - Ảnh 2.
Trung tướng Lê Đông Phong cho biết tín dụng đen đã giảm so với trước.

Theo Giám đốc Công an TP, đơn vị đã có kế hoạch chuyên đề về triệt phá hoạt động tín dụng đen, phân công trách nhiệm cho các lĩnh vực chức năng và có hướng dẫn cụ thể trong việc xử lý hình sự, các yếu tố định tội định khung và cả xử lý hành chính nếu không xử lý hình sự được.

“Bất cứ dấu hiệu nào có liên quan cũng tập trung nắm tình hình và có giải pháp ngăn chặn. Ví dụ quảng cáo cho vay thì tìm hiểu mối liên hệ giữa các tổ chức cho vay và các đối tượng đòi nợ thuê để ngăn chặn, chứ không chờ các đối tượng hành động mới ngăn chặn” – ông Phong khẳng định

Trung tướng Lê Đông Phong cho biết 6 tháng đầu năm các vụ liên quan đến tín dụng đen giảm 60%. Đối với các hành vi Vi phạm quyền tự do công dân như tạt chất bẩn, la ó cũng giảm được hơn 22%. Đã xử lý được một số vụ hình sự và tình hình đã đỡ phức tạp hơn so với năm 2018.

Từ đó, ông Phong Kiến nghị Bộ Công an kiến nghị Chính phủ và cơ quan chức năng quản lý các công ty đòi nợ thuê. Ông cũng đề xuất TP có kiến nghị chính thức với dịch vụ đòi nợ thuê và thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tình trạng này.

Ông cũng kiến nghị nghiên cứu các tổ chức và hình thức tín dụng để hỗ trợ cho người nghèo nhằm tạo điều kiện cho người có nhu cầu vay vốn tiếp cận tốt với nguồn vốn thì sẽ ngăn chặn có hiệu quả tín dụng đen.

Tội phạm trộm, cướp giảm

Ngoài ra, ông Lê Đông Phong cũng chia sẻ về phạm pháp hình sự trong sáu tháng đầu năm, đã kéo giảm 4,69% trong khi cả nước là 0,99%. Các loại trọng án là loại án mà trong chương trình công tác của công an TP đặt mục tiêu kiềm chế và kéo giảm đã giảm được 39%, án cướp giảm 22%, trộm tài sản giảm 29%…

Về biện pháp thực hiện kềm chế và kéo giảm tội phạm, ông Phong cho biết Công an TP đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của TP có giải pháp chỉ đạo đồng bộ. Cùng đó, công an đã rà soát tăng cường hiệu quả công tác, nghiên cứu tính toán mô hình tuần tra mới cho phù hợp với yêu cầu công tác và các phương thức hoạt động của tội phạm.

Ông cũng cho biết đã có tổ kiểm tra 363 phát huy tốt từ khi ra mắt cho tới nay. “Đã có sơ kết chấn chỉnh để có hiệu quả tích cực hơn” – ông Phong nói.

(Theo Người Lao Động)

Đọc nhiều