Hàng loạt vấn đề quan trọng chờ đợi Quốc hội sáng suốt để dám quyết

20/10/2021 07:18

Hàng loạt vấn đề quan trọng về  kinh tế xã hội và phòng chống dịch bệnh sau những hệ lụy của làn sóng dịch thứ 4 đang chờ đợi Quốc hội sáng suốt để dám quyết trong Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XV được khai mạc sáng nay 20/10. 

Kể từ kỳ họp Quốc hội thứ nhất kết thúc cuối tháng 7 vừa rồi cho đến nay, đất nước đã trải qua hàng loạt sự kiện chưa từng có do đại dịch Covid bùng phát, đặc biệt ở TP.HCM và các tỉnh xung quanh. Có tới 23 tỉnh phải thực hiện phong tỏa, đa số còn lại phải giãn cách, mất mát về người và của là không thể phủ nhận.

Ở TP.HCM, trong quý 3, chỉ số GRDP là -24,39%; 9 tháng đầu năm là -4,98%. Đây là con số kỉ lục mà xưa giờ chưa có ở đầu tàu kinh tế của đất nước.

Trên góc độ toàn quốc, kinh tế quý 3 tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm ngoái, làm cho tăng trưởng 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42% mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay. Dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đề ra (6%).

Chờ đợi Quốc hội sáng suốt để dám quyết
Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất.  

Các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người lao động, người dân, đặc biệt là ở những vùng áp dụng chỉ thị 16, đều gặp khó khăn rất nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp kiệt sức phải dừng hoạt động, giải thể, phá sản. Nợ xấu ngân hàng có khả năng tăng cao; tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường tài chính tiền tệ, thị trường lao động, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh.

Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương đầu tháng 10 nhấn mạnh: Từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đúc rút được thời gian qua, cần đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, tài chính ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể.

Như vậy, cả 2 mặt trận phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế vẫn phải được đảm bảo và duy trì chứ không thiên về bên nào mà lơ là mặt trận kia.

Cần dành ngân quỹ để mua vắc xin và thuốc đặc trị 

Ở mặt trận phòng chống dịch bệnh, Chính phủ đã có nghị quyết 128 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” thay vì theo đuổi mục tiêu Zero Covid trước đây.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 92,5 triệu liều vắc xin và tiêm được hơn 61 triệu liều; đã có 60,2% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và 24,7% tiêm đủ liều. Tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi tăng nhanh hơn một số nước trong khu vực và mức trung bình của thế giới.

Phải nhìn nhận rằng, việc chuyển từ chiến lược Zero Covid sang “sống chung thích ứng an toàn với virus” là rất đúng đắn. Từ đầu năm ngoái, khi dịch bùng phát, các quốc gia trên thế giới đều hiểu rằng, con người không thể tiêu diệt được con virus quái ác này, nên buộc phải sống chung với nó, nhưng phải an toàn, không để phát triển thành sóng trào cuốn đi tất cả.

Để “sống chung an toàn” thì con đường duy nhất là lo vắc xin và thuốc trị bệnh. Họ tích cực và chủ động đặt mua vắc xin từ rất sớm, và bây giờ đang khởi động cuộc đua mua thuốc trị bệnh.

Thực tế này cần được các đại biểu Quốc hội ghi nhận và thảo luận. Chúng ta cần dành ngân quỹ cho việc mua vắc xin và thuốc đặc trị để đất nước có “vũ khí” chống dịch, tránh tình trạng không có ngân sách để đặt mua vắc xin sớm.

Tránh tình trạng tỉnh nào biết tỉnh đó

Ở mặt trận kinh tế, hàng loạt định chế tài chính quốc tế như WB, ADB… vừa đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam thấp xa so với các lần dự báo trước đây, thậm chí thấp hơn so với các nước trong khu vực. Dự báo của các tổ chức trong nước về tăng trưởng cũng khá tương đồng.

Chúng ta đã khống chế làn sóng dịch thứ 4 thành công, nhưng mặt trận kinh tế đã không giữ được. Nếu kinh tế suy kiệt, doanh nghiệp và người dân không có tiền đóng thuế, thì lấy đâu ra tiền chống dịch bệnh trong khi virus Sars-Cov-2 còn tồn tại chưa biết đến bao giờ.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa XV. 

Duy trì mặt trận kinh tế, đảm bảo sản xuất, kinh doanh và lưu thông cho doanh nghiệp, sinh kế của người dân không thể bằng các biện pháp chống dịch cực đoan, hà khắc, phân mảnh, tỉnh nào biết tỉnh đó.

Cần đặc biệt tránh tình trạng mỗi địa phương chống dịch một kiểu khác nhau chỉ để ngăn sông cấm chợ. Nếu tình trạng này kéo dài, lặp đi lặp lại làm cho cả xã hội điêu đứng, thì không thể đảm bảo mục tiêu kép, nói gì đến đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, mà phục hồi nó không hề dễ dàng và mất rất nhiều thời gian.

Không ít cán bộ địa phương mắc bệnh sợ trách nhiệm, chỉ đóng cửa và cách ly cho an toàn, chưa hiểu sự khổ đau và khó khăn của doanh nghiệp và người dân. Lẽ ra, một số cán bộ vô cảm như vậy cần được nêu tên.

Quốc hội cũng đã ban hành nghị quyết 30/2021/QH15 trao thượng phương bảo kiếm cho Thủ tướng và Chính phủ “xé rào”. Bằng việc ban hành nghị quyết này, Quốc hội đã thể hiện một cơ quan lập pháp hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Sau hơn 3 tháng trời, với sự bùng phát dịch bệnh và suy kiệt kinh tế, nghị quyết 30 đã được thực hiện như thế nào là câu hỏi cần được đặt ra và trả lời tại kỳ họp này.

Đó là chưa kể đến nhu cầu thúc ép của người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung về các gói kích thích kinh tế trong bối cảnh rất khó khăn này.

Những vấn đề khẩn thiết như trên và còn hơn nữa đang được trông chờ các đại biểu của nhân dân thảo luận để có thêm giải pháp, chính sách, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.

Giang Anh

Tags :
Đọc nhiều