Hàng loạt quốc gia bác bỏ bản đồ mới của Trung Quốc tuyên bố chủ quyền toàn Biển Đông
Hôm 31.8, Malaysia đã bác bỏ bản đồ mới được Trung Quốc ấn hành có tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với toàn bộ Biển Đông. Trước đó, Ấn Độ cũng lên tiếng phản đối việc Trung Quốc công bố bản đồ mới bao gồm các phần đang tranh chấp với Ấn Độ.
Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc hôm 28.8 phát hành bản đồ mới của Trung Quốc, thể hiện tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với toàn bộ Biển Đông, bao gồm vùng biển ngoài khơi đảo Borneo của Malaysia.
Bản đồ cũng thể hiện chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực tranh chấp ở biên giới phía nam với Ấn Độ và toàn bộ đảo Bolshoy Ussuriysky (Trung Quốc gọi là đảo Hắc Hạt Tử). Theo Sputnik News, Nga và Trung Quốc vào năm 2008 đạt thỏa thuận phân chia đảo này và hai bên đạt thỏa thuận cùng chung phát triển đảo Bolshoy Ussuriysky từ năm 2014.
Phiên bản 2023 này cho là đã được “biên soạn dựa trên phương pháp vẽ đường biên giới quốc gia của Trung Quốc và nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới”, theo báo đảng Global Times đăng trên Twitter.
Bản đồ mới của Trung Quốc lập tức gây nên làn sóng phản đối trong các chính phủ ở châu Á.
Bộ Ngoại giao Malaysia tuyên bố bản đồ trên, trong đó thể hiện rõ đường chín đoạn bao trùm Biển Đông, “không có hiệu lực ràng buộc đối với Malaysia”, và nhấn mạnh “Malaysia không công nhận các tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông theo như ấn bản năm 2023 của bản đồ tiêu chuẩn Trung Quốc”.
Còn theo BBC News Indonesia, Bộ Ngoại giao Indonesia đang tìm kiếm “sự thật về thông tin” liên quan đến bản đồ mới.
Trước đó, Ấn Độ cũng gửi công hàm phản đối kịch liệt việc Trung Quốc phát hành bản đồ mới, theo đó gộp bang Arunachal Pradesh và cao nguyên Aksai Chin vào Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi khẳng định những tuyên bố đơn phương của Trung Quốc là “không có cơ sở”, và hành vi này đang “gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp biên giới”.
Trước sự chỉ trích của Ấn Độ, Bắc Kinh nói bản đồ tiêu chuẩn năm 2023 thể hiện “chủ quyền Trung Quốc theo luật định”.
Trong một diễn biến gây quan ngại trước đó cho thấy Bắc Kinh dùng vũ lực để thực thi cái gọi là tuyên bố chủ quyền, tàu hải cảnh Trung Quốc đã bị ghi hình trong lúc phun vòi rồng vào tàu Philippines ở Biển Đông.
Vụ việc xảy ra vào ngày 5.8, khi Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) hộ tống tàu chở hàng tiếp tế cho quân nhân Philippines đóng quân tại một rạn san hô ở Biển Đông, theo AFP.
Về vụ phun vòi rồng, Phó đô đốc Karl Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, là minh chứng cho hành vi quá khích của Trung Quốc tại khu vực và cần phải được đáp trả và kiểm soát.
Bảo Trâm